Lễ 'hóa thần' tại Đình Cả, xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng

Ngày 02/12 (tức ngày 02 tháng 11 Âm lịch), tại xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, tổ chức Lễ 'hóa thần' tại Đình Cả - Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Các đồng chí lãnh đạo huyện Đoan Hùng dâng hương hoa lễ vật tại đình Cả trong nghi lễ "Hóa thần". Ảnh: Trần Thắng

Các đồng chí lãnh đạo huyện Đoan Hùng dâng hương hoa lễ vật tại đình Cả trong nghi lễ "Hóa thần". Ảnh: Trần Thắng

Dự buổi lễ có đồng chí Lê Văn Phượng, Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện; đồng chí Nguyễn Văn Vấn, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện; đồng chí Nguyễn Đức Lương - Phó Bí Thường trực Huyện ủy...

Nhân ngày Lễ “hóa thần”, với truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn, lãnh đạo huyện Đoan Hùng, lãnh đạo Đảng ủy, chính quyền và bà con Nhân dân xã Chí Đám đã thành tâm dâng hương hoa, lễ vật bày tỏ lòng thành kính, biết ơn đối với những bậc tiền nhân lập quốc công thần; cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, làng xã thịnh vượng, an lạc; báo cáo với Cao Sơn Kiều ứng Đại Vương về những kết quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng mà huyện đã đạt được trong năm 2024.

Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện sẽ luôn đoàn kết, phát huy sức mạnh, vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị đã đề ra, xây dựng quê hương Đoan Hùng ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh.

Đại biểu tỉnh Phú Thọ và lãnh đạo huyện Đoan Hùng dự Lễ "Hóa thần" tài đình Cả, xã Chí Đám - Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Ảnh: Trần Thắng

Đại biểu tỉnh Phú Thọ và lãnh đạo huyện Đoan Hùng dự Lễ "Hóa thần" tài đình Cả, xã Chí Đám - Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Ảnh: Trần Thắng

Theo ngọc phả để lại, ngôi đình Cả, xã Chí Đám thờ Thần tướng Cao Sơn Đại Vương có công lao to lớn phò giúp Vua Hùng thứ 18 trong cuộc chiến với Thục Phán để gìn giữ đất nước thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc.

Đình Cả xã Chí Đám nằm trong quần thể di tích thờ Vua Hùng và các tướng lĩnh, danh nhân thời Hùng Vương dựng nước vùng trung du đất Tổ.

Đình Cả được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh vào năm 1994. Lễ hội Đình Cả được tổ chức vào ngày mồng 6 tháng giêng và ngày 02 tháng 11 (Âm lịch) hàng năm.

Đình Cả hay còn gọi là đình Chí Đám thuộc làng Đám, xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng. Đình được xây dựng trên một triền đồi thoai thoải đẹp, thoáng đãng, xung quanh là đất canh tác. Đình Cả quay về hướng Bắc, phía trước cửa đình là ba dãy núi so le chạy dài bao quanh một khu đồng trũng.

Chí Đám là một miền đất cổ, thời các Vua Hùng thuộc bộ Văn Lang.

Qua tư liệu nghiên cứu, thời Lý - Trần, Chí Đám là một trung tâm thương mại, trên bến dưới thuyền khá sầm uất. Nhiều lớp trầm tích là những mảnh gốm sứ đủ loại từ gốm men ngọc, hoa nâu, men trắng hoa lam... được phát lộ ven bờ sông Lô, sông Chảy. Sử sách còn ghi thế kỷ XIII Trần Nhật Duật đã đến nơi đây tập hợp các dân tộc thiểu số kháng chiến chống lại quân Nguyên.

Đình Cả có kiến trúc chữ Nhất (-) gồm 3 gian 2 dĩ, có chiều dài là 12m90, rộng 7m20. Cột cái cao khoảng 3m20, đường kính cột 30cm. Đình Cả được lợp ngói mũi hài phía trên ngói phủ một lớp rêu phong cổ kính. Bộ mái đình xòe rộng, bốn góc mái déo cong tạo nên đầu đao cong vút.

Đình Cả, xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng - nơi thờ Thần tướng Cao Sơn, người có công lớn giúp vua Hùng thứ 18 trong cuộc chiến với Thục Phán để gìn giữ đất nước trong thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc. Ảnh: Trần Thắng

Đình Cả, xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng - nơi thờ Thần tướng Cao Sơn, người có công lớn giúp vua Hùng thứ 18 trong cuộc chiến với Thục Phán để gìn giữ đất nước trong thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc. Ảnh: Trần Thắng

Dưới bộ mái là hệ thống cột gồm 24 cột song song đỡ khối mái nặng nề. Các xà dọc, xà ngang nối với nhau bởi các mộng sàng được gia cố công phu cẩn thận ăn khít tạo thành bộ khung chắc khỏe.

Trên câu đầu đình Cả không ghi niên đại xây dựng như các ngôi đình khác, mà chỉ có niên đại trùng tu vào các năm: 1889 (đời vua Thành Thái nguyên niên) và năm 1957. Cả hai lần sửa chữa đình vẫn giữ nguyên được kiến trúc cổ.

Đến thế kỷ XVI - XVII, đình Cả được xây thêm hậu cung nối phía sau gian giữa làm nơi thờ kín đáo, thâm nghiêm tách biệt với xung quanh.

Dựa vào kiến trúc và thờ tự cho biết, đình Cả được xây dựng vào thế kỷ XVI - XVII, lúc đầu là miếu thờ Cao Sơn cùng các tướng lĩnh, đến thời nhà Lê, đình Cả mới được xây dựng quy mô và cổ kính như hiện nay.

Trải qua bao biến động thăng trầm của lịch sử các di vật trong đình đã bị hư hỏng và thất lạc nhiều, chỉ còn giữ lại được cuốn ngọc phả ghi lại sự tích, ngai và một số đồ thờ: Ống hoa, mâm bồng bằng gỗ được sơn son thếp vàng...

Dựa theo cuốn ngọc phả còn lưu giữ tại đình và truyền thuyết địa phương đình Cả, xã Chí Đám thờ Cao Sơn, người có công lớn giúp vua Hùng thứ 18 trong cuộc chiến với Thục Phán để gìn giữ đất nước trong thời kỳ Văn Lang - Âu Lạc.

Thần tướng Cao Sơn được thờ tự ở đình Cả như những người thần hộ mệnh trong đời sống tâm linh của nhân dân địa phương huyện Đoan Hùng nói chung hôm nay và ngàn đời sau.

Trần Thắng - Trần Kiên

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/le-hoa-than-tai-dinh-ca-xa-chi-dam-huyen-doan-hung-a27391.html