'Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý' được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Với bề dày lịch sử hơn 200 năm, Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý đã trở thành nét đẹp văn hóa đặc trưng trong đời sống tinh thần và tín ngưỡng của cư dân vùng biển Nhơn Lý (Bình Định). Lễ hội không chỉ mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy thuyền mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn kết cộng đồng qua nhiều thế hệ.

Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lãnh đạo thành phố Quy Nhơn.

Lãnh đạo Cục Di sản văn hóa - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho lãnh đạo thành phố Quy Nhơn.

Ngày 7/2, tại xã Nhơn Lý, UBND thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định long trọng tổ chức Lễ đón nhận Lễ đón Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý”. Đây là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ sáu của tỉnh Bình Định được vinh danh.

Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý là lễ hội truyền thống được ngư dân địa phương tổ chức theo lệ hàng năm, bắt đầu từ ngày mùng 10 tháng Giêng âm lịch. Lễ hội gắn liền với đời sống tinh thần và tín ngưỡng của cư dân vùng biển Nhơn Lý, phản ánh truyền thống tôn thờ cá Ông - vị thần hộ mệnh của ngư dân. Lễ hội không chỉ mang ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy thuyền, mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn kết cộng đồng qua nhiều thế hệ.

Cũng giống như lễ hội cầu ngư ở các vùng biển khác trong tỉnh, Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý diễn ra theo nghi lễ cổ truyền, gồm: Lễ nghinh thần Nam Hải, lễ tỉnh sinh, tế cầu quốc thái dân an, ngư dân ra khơi bình an, đánh bắt hải sản được mùa...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng phát biểu tại buổi lễ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng phát biểu tại buổi lễ.

Ngoài phần lễ, phần hội được tổ chức với nhiều hoạt động như biểu diễn bả trạo, hát bội, chèo thuyền, bơi thúng, đánh bài chòi và các trò chơi dân gian khác. Lễ hội cầu ngư không chỉ là hoạt động của người dân làng biển mà còn là dịp thu hút du khách về vui chơi.

Với bề dày lịch sử hơn 200 năm, lễ hội này đã chứng kiến và đồng hành cùng những thăng trầm của vùng đất, từ những ngày đầu hình thành Trường Lăng vào năm 1815, đến khi chính thức được tổ chức tại vũng Nồm, đầm Hưng Lương vào năm 1839. Trải qua nhiều lần trùng tu, tái thiết, đặc biệt là sau năm 2014, Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý ngày càng được phục dựng đầy đủ, trở thành nét đẹp văn hóa đặc trưng của Bình Định.

Đội bả trạo thực hiện nghi lễ tại Trường Lăng.

Đội bả trạo thực hiện nghi lễ tại Trường Lăng.

Với những giá trị văn hóa đặc sắc, “Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý” đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 3994/QĐ-BVHTTDL ngày 10/12/2024. Đây là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thứ sáu của tỉnh Bình Định được vinh danh, là kế tiếp của di sản: Võ cổ truyền Bình Định, Hát bội Bình Định, Nghệ thuật Bài chòi Bình Định, Lễ hội Chùa Bà - Cảng thị Nước Mặn, Nghề chằm nón ngựa Phú Gia.

Là một người con của làng chài Nhơn Lý, hiện đang trực tiếp thực hành, truyền dạy và trao truyền nghi thức tín ngưỡng của Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý, nghệ nhân Nguyễn Kim Chức xúc động chia sẻ: “Tôi xúc động và tự hào khi lễ hội cầu ngư của quê hương Nhơn Lý được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để có được niềm tự hào này, chúng tôi và toàn thể bà con Nhơn Lý bày tỏ tấm lòng tri ân với những bậc tiền hiền, những nhà nghiên cứu, nghệ nhân… đã đóng góp quan trọng trong việc lưu giữ và phát huy giá trị tinh thần của lễ hội. Cùng với bà con nhân dân ở địa phương, chúng tôi cảm ơn Đảng và Nhà nước quan tâm, đưa nét đẹp văn hóa của làng chài trở thành di sản vươn tầm quốc gia”.

Một cảnh nghi thức rước thần.

Một cảnh nghi thức rước thần.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng cho biết: Việc Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia không chỉ là niềm tự hào của người dân địa phương mà còn là minh chứng cho sự giàu có, đa dạng của kho tàng văn hóa dân tộc. Đây còn là cột mốc quan trọng, mở ra những cơ hội mới để di sản này tiếp tục được gìn giữ, phát huy và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa.

Cũng theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng, lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý đã thể hiện rõ sự kết nối giữa hiện tại và quá khứ, lan tỏa giá trị văn hóa trong tương lai qua các hoạt động. Đây là dịp để người dân hiểu hơn về vùng đất cảng biển và vai trò của vạn đầm đối với đời sống kinh tế - văn hóa Bình Định qua bao thế kỷ. Từ trạm dừng chân của con đường tơ lụa trên biển, đến nay, vạn chài mang nhiều trầm tích văn hóa và ngư dân luôn thể hiện trách nhiệm gìn giữ và phát huy.

Các nghệ nhân phấn khởi khi Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Các nghệ nhân phấn khởi khi Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Để di sản Lễ hội cầu ngư vạn đầm Xương Lý tiếp tục được bảo tồn, giữ gìn và truyền lại những giá trị văn hóa quý báu cho các thế hệ mai sau, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tự Công Hoàng đề nghị UBND thành phố Quy Nhơn chủ động phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao cùng các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị di sản cụ thể, chi tiết; tăng cường kết nối lễ hội với du lịch, xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa hấp dẫn, giới thiệu rộng rãi nét đẹp của lễ hội đến với du khách trong và ngoài nước. Qua đó, không chỉ bảo tồn di sản mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Bên cạnh đó, các ngành cần tiếp tục nghiên cứu, tư liệu hóa lễ hội, tổ chức các hoạt động giáo dục, truyền dạy để các thế hệ sau hiểu rõ và tiếp nối di sản. Đồng thời, khuyến khích cộng đồng địa phương tích cực tham gia vào việc thực hành, gìn giữ nghi lễ truyền thống…

Thu Loan

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/le-hoi-cau-ngu-van-dam-xuong-ly-duoc-cong-nhan-la-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-394288.html