Lễ hội đền Bà Triệu được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ hội đền Bà Triệu (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) vừa được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể quốc gia.
Lễ hội đền Bà Triệu là lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống gắn liền với những truyền thuyết lịch sử về nữ anh hùng Triệu Thị Trinh. Phần lễ diễn ra rất phong phú với nhiều nghi thức truyền thống như lễ mộc dục, lễ giỗ, lễ trình lính, lễ rước kiệu, lễ yên vị, tế cung đình, tế nữ quan... Trong đó, lễ rước kiệu là nghi lễ quan trọng và thu hút đông đảo người tham gia.
Sau phần lễ là phần hội diễn ra tưng bừng và sôi nổi với Hội trận “Ngô - Triệu giao quân”, nhằm khơi dậy hào khí chống quân Ngô của bà Triệu xưa kia. Hoạt động này đã tạo nên nét đặc sắc, nét riêng của lễ hội Bà Triệu. Đây cũng là dịp để trai tráng trong xã gắn chặt tình đoàn kết và khơi dậy niềm tự hào về truyền thống của dân tộc.
Trải qua nhiều thế hệ, lễ hội đền Bà Triệu đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc, là di sản văn hóa phi vật thể quý báu của nhân dân Thanh Hóa nói riêng và nhân dân cả nước nói chung nhằm tôn vinh, tỏ lòng biết ơn tinh thần quả cảm, khí phách anh hùng của Bà Triệu và giáo dục cho con cháu truyền thống Cách mạng từ xa xưa của dân tộc Việt.
Ngoài Lễ hội đền Bà Triệu, 9 di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục lần này gồm: Nghề làm tàu hũ ky của xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long; Nghệ thuật trang trí trên trang phục của người Mông Hoa các huyện: Lâm Bình, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Yên Sơn thuộc tỉnh Tuyên Quang; Lễ Đại Phan của người Sán Dìu, tỉnh Tuyên Quang; Hát sắc bùa của người Mường, huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa; Lễ hội Mường Xia, xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, tỉnh Thanh Hóa; Lễ mừng thọ của người M'nông, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk; Lời nói vần của người Ê-đê, huyện Cư M'gar, tỉnh Đắk Lắk; Lễ hội Chùa Bà-Cảng thị nước mặn, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định; Nghề dệt thổ cẩm của người M'nông, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, xã Đăk Nhau, xã Đồng Nai, xã Thọ Sơn, xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước.
Các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận đợt này thuộc các loại hình: Lễ hội truyền thống; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Nghề thủ công truyền thống; Tri thức dân gian; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Ngữ văn dân gian.
Theo quyết định, Chủ tịch UBND các cấp nơi có di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cần thực hiện việc quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.