Lễ hội Gầu tào của người H'Mông Yên Bái trở thành Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia

Sáng 15/2, tại huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái tổ chức lễ hội Gầu tào của người H' Mông vùng cao Yên Bái.

Tiết mục khèn H'Mông trong lễ hội. (Ảnh: THANH SƠN)

Tiết mục khèn H'Mông trong lễ hội. (Ảnh: THANH SƠN)

Trước đó, tối 14/2, tỉnh Yên Bái tổ chức Lễ công bố Quyết định và trao Chứng nhận Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Gầu tào của người H’Mông huyện Trạm Tấu, huyện Mù Cang Chải, huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái); trao Bằng công nhận Cây Di sản cho Ủy ban nhân dân huyện Trạm Tấu.

Tỉnh Yên Bái đón nhận Chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. (Ảnh: THANH SƠN)

Tỉnh Yên Bái đón nhận Chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. (Ảnh: THANH SƠN)

Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Nông Quốc Thành, thừa ủy quyền của lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao Bằng chứng nhận cho đại diện cộng đồng chủ thể di sản của 3 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Văn Chấn.

Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công bố và trao Quyết định, Bằng công nhận Cây Di sản cho Ủy ban nhân dân huyện Trạm Tấu đối với quần thể cây Du Sam núi đất tại thị trấn Trạm Tấu và xã Xà Hồ.

Già làng Giàng A Su, tay ôm gà trống là chủ lễ cúng trong lễ hội. (Ảnh: THANH SƠN)

Già làng Giàng A Su, tay ôm gà trống là chủ lễ cúng trong lễ hội. (Ảnh: THANH SƠN)

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trạm Tấu Vũ Lê Chung Anh cho biết, Trạm Tấu là huyện phía tây của Yên Bái; là mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, nơi hội tụ nét văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc. Trong đó, dân tộc H’Mông chiếm hơn 79%, sinh sống tại 10 xã vùng cao với những di sản văn hóa truyền thống đậm đà giá trị nhân văn.

Đến nay, toàn huyện có 4 di tích, di sản được xếp hạng cấp tỉnh, cấp quốc gia.

Đối với người H’Mông, một trong những nét đẹp tiêu biểu, thể hiện tâm linh và tín ngưỡng độc đáo là Lễ hội Gầu tào. Đây là lễ hội tiêu biểu thể hiện truyền thống văn hóa của dân tộc H’Mông có từ rất lâu đời, được đồng bào duy trì và gìn giữ.

Lễ hội thường diễn ra vào dịp đầu xuân năm mới với quan niệm của sự sinh sôi, nảy nở. Trong Lễ hội Gầu tào, cây nêu là biểu tượng chính, gắn liền với sự linh thiêng. Người H’Mông quan niệm số 4 thể hiện cho 4 vị thần là thần trời, thần đất, thần sông và thần núi.

Một điệu múa khèn tại lễ hội. (Ảnh: THANH SƠN)

Một điệu múa khèn tại lễ hội. (Ảnh: THANH SƠN)

"Gầu tào" theo tiếng Việt nghĩa là lễ cúng tạ trời đất, thần linh phù hộ đã ban cho gia đình, dòng họ, bản làng, người người sự khỏe mạnh, thịnh vượng, không ốm đau, bệnh tật, yên ấm, hạnh phúc; cầu cho dân làng no ấm, thóc lúa đầy đồng, mùa màng bội thu, gia súc, gia cầm đầy chuồng.

Lễ hội Gầu tào là nơi gắn kết tình cảm của người dân, là dịp để những người con xa quê đoàn tụ với gia đình, thôn, bản, là không gian giải trí, vui chơi lành mạnh sau những tháng ngày lao động vất vả.

Cây nêu là biểu tượng của lễ hội. (Ảnh: THANH SƠN)

Cây nêu là biểu tượng của lễ hội. (Ảnh: THANH SƠN)

Trong sáng 15/2, diễn ra chuỗi hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch như: Chương trình nghệ thuật rực rỡ sắc màu Trạm Tấu; màn trình diễn múa Khèn H’Mông của 500 học sinh; tái hiện Lễ hội Gầu tào, thi giã bánh dày, ném còn, ném pao, đánh quay…

Thông qua các hoạt động, nhân dân và du khách được tham quan, trải nghiệm không gian văn hóa rực rỡ sắc màu của các dân tộc vùng núi cao Yên Bái.

THANH SƠN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/le-hoi-gau-tao-cua-nguoi-hmong-yen-bai-tro-thanh-di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia-post860091.html