Lễ hội Từ Lương Xâm được đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa ban hành Quyết định số 266/QĐ-BVHTTDL về việc đưa Lễ hội Từ Lương Xâm vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Lễ hội Từ Lương Xâm.
Lễ hội Từ Lương Xâm là lễ hội vùng nổi tiếng ở miền Bắc, diễn ra trong 3 ngày 14, 15 và 16 tháng Giêng hằng năm, nhằm tưởng nhớ vị Tổ Trung hưng Ngô Quyền với chiến công đánh bại quân Nam Hán trên dòng Bạch Đằng năm 938, kết thúc gần một ngàn năm Bắc thuộc, mở ra một thời kỳ độc lập lâu dài của Việt Nam. Lễ hội được tổ chức với sự tham gia của hầu hết các làng, xã trên địa bàn, tạo nên hội rước độc đáo cùng nhiều hoạt động phần hội đậm đà bản sắc. Đặc biệt, lễ hội có nghi thức tế đám Ngô Vương với lễ hợp tế hàng huyện, hàng tổng vào những năm “phong đăng hòa cốc”. Trong lễ hội còn có nhiều tiết mục văn nghệ, biểu diễn ca múa nhạc dân tộc tái hiện chiến thắng Bạch Đằng, các trò chơi dân gian: Bịt mắt đập niêu, bịt mắt bắt dê, đu xuân, cờ tướng, cờ người, tổ chức giải bóng đá, bóng chuyền...
Lễ hội Từ Lương Xâm thuộc Di tích lịch sử Từ Lương Xâm, là một trong “tứ linh từ” nổi tiếng của vùng đất An Dương cổ, nay thuộc phường Nam Hải, quận Hải An, thành phố Hải Phòng, trong đó Từ Lương Xâm là “Từ Cả” - nơi đứng đầu phụng thờ Đức Vương Ngô Quyền. Di tích được xây dựng trên khu đất vốn là nơi Ngô Quyền cùng các tướng lĩnh đắp thành vành kiệu và đóng đại bản doanh tiền phương, đánh thắng quân Nam Hán. Hiện nay, Từ Lương Xâm còn lưu giữ được nhiều cổ vật quý như: Câu đối, bức đại tự, 45 sắc phong, cọc Bạch Đằng năm 938. Từ Lương Xâm được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1986.
Trước đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng vừa công bố các quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cho 19 di sản văn hóa thuộc các loại hình: Lễ hội truyền thống; tập quán xã hội và tín ngưỡng; nghề thủ công..., nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể quốc gia hiện tại lên 416 di sản.