Lễ Mẫu Thoải sẽ là điểm nhấn để hút du khách tới Tuyên Quang

Đó là một trong các ý kiến được nêu ra tại buổi tọa đàm 'Phát huy giá trị truyền thống của Đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm trong đời sống người dân Tuyên Quang' được tổ chức tại TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang vào chiều 19/2.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận và đóng góp ý kiến trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị tín ngưỡng thờ Mẫu, thiền phái Trúc Lâm gắn với việc khai thác giá trị của các di tích trên địa bàn Tuyên Quang, hướng tới phát triển du lịch bền vững, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tọa đàm “Phát huy giá trị truyền thống của đạo mẫu và thiền trúc lâm trong đời sống người dân Tuyên Quang”, do UBND TP. Tuyên Quang tổ chức, chiều 19/2.

Tọa đàm “Phát huy giá trị truyền thống của đạo mẫu và thiền trúc lâm trong đời sống người dân Tuyên Quang”, do UBND TP. Tuyên Quang tổ chức, chiều 19/2.

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Tuyên Quang Vũ Quỳnh Loan chia sẻ: Không chỉ là vùng đất gắn liền với những trang sử hào hùng của dân tộc, Tuyên Quang còn là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa tâm linh Việt Nam. Trải qua hàng trăm năm, hai dòng chảy tín ngưỡng thuần Việt - Đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm đã cùng song hành trong đời sống tinh thần của người dân, tạo nên bản sắc đặc trưng, giúp Tuyên Quang không chỉ là vùng đất của lịch sử và cách mạng mà còn trở thành điểm đến tâm linh linh thiêng của du khách thập phương.

Hai dòng tín ngưỡng này tuy mang những sắc thái khác nhau nhưng cùng chung giá trị cốt lõi là giữ gìn nền tảng đạo đức, nâng cao đời sống tinh thần, kết nối cộng đồng và hướng con người tới chân - thiện - mỹ. Tín ngưỡng thờ Mẫu được hình thành ở Tuyên Quang vào đầu thế kỷ XVII và phát triển mạnh vào thế XVIII. Nơi đây được coi là nơi phát tích của Mẫu Đệ Tam - vị thần cai quản vùng sông nước. Cũng bởi hệ thống di tích thờ Mẫu dày đặc nên Tuyên Quang được coi là vùng đất Mẫu.

Tuyên Quang được mệnh danh là vùng đất Mẫu. Ảnh: BTC

Tuyên Quang được mệnh danh là vùng đất Mẫu. Ảnh: BTC

Theo GS.TS Trương Quốc Bình - nguyên phó cục trưởng Cục Di sản văn hóa, trung tâm thờ Mẫu Thoải của người Việt là ở Tuyên Quang. TS Nguyễn Vũ Phan - nguyên quyền giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tuyên Quang - cũng cho biết những năm gần đây khách đến Tuyên Quang lễ Mẫu khá đông từ mùng 3 Tết kéo dài đến hết ba tháng lễ hội đầu năm. Theo ông Phan, trước đây, người dân cứ đến mùa lễ hội đầu năm thường đi lễ đủ Tam phủ là phủ Dầy lễ Mẫu Thượng Thiên ở Nam Định, đền Bắc Lệ ở Lạng Sơn lễ Mẫu Thượng Ngàn và lễ Mẫu Thoải ở Tuyên Quang. Chính bởi lẽ đó, các doanh nghiệp làm du lịch đều có mong muốn "Lễ Mẫu Thoải" sẽ là điểm nhấn để thu hút khách du lịch đến Tuyên Quang.

Tuy nhiên, theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, Tuyên Quang từ lâu đã là nơi hội tụ và phát triển nhiều tín ngưỡng dân gian đặc sắc, trong đó có đạo Mẫu và nơi đây có mật độ đền thờ Mẫu Thoải rất lớn nhưng việc tạo điểm nhấn cần hết sức thận trọng, chính xác.

Sẽ có trình diễn thực hành nghi lễ hầu đồng tại hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La. Ảnh: BTC

Sẽ có trình diễn thực hành nghi lễ hầu đồng tại hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La. Ảnh: BTC

Để du lịch tâm linh gắn với Đạo Mẫu và Thiền phái Trúc Lâm phát triển theo hướng bền vững, PGS-TS. Bùi Hoài Sơn lưu ý, cần tránh tình trạng thương mại hóa quá mức, làm mất đi bản chất thiêng liêng của các địa điểm thờ tự. "Một số điểm du lịch tâm linh ở Việt Nam đã gặp phải tình trạng bày bán hàng tràn lan, thu phí quá mức hoặc tổ chức các hoạt động mang tính kinh doanh nhiều hơn là tín ngưỡng, khiến giá trị văn hóa bị lu mờ. Vì vậy, việc quy hoạch các tuyến du lịch phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến không gian thiêng, giữ gìn sự tôn nghiêm của các cơ sở thờ tự, đồng thời tạo ra những trải nghiệm thực sự có ý nghĩa cho du khách", ông nhấn mạnh.

Tỉnh Tuyên Quang hiện có 40 ngôi chùa bao gồm 15 phế tích và 25 ngôi chùa đang hoạt động, có trên 30 điểm di tích tâm linh với 14 đền thờ Mẫu, chủ yếu nằm tại thành phố Tuyên Quang. Trong đó có nhiều điểm du lịch tâm linh nổi tiếng, thu hút khách du lịch như: Thiền viện Trúc Lâm, chùa Hang, đền Ỷ La, đền Mỏ Than, đền Cảnh Xanh...

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang Hoàng Việt Phương, để đáp ứng nhu cầu văn hóa tín ngưỡng của người dân và phát huy các giá trị tâm linh gắn với phát triển du lịch, Tuyên Quang xác định du lịch văn hóa tâm linh là một trong ba loại hình du lịch góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.

Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La sẽ diễn ra 9-15/3. Tuyên Quang hy vọng đây sẽ là lễ hội lớn (Ảnh: Ban tổ chức).

Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La sẽ diễn ra 9-15/3. Tuyên Quang hy vọng đây sẽ là lễ hội lớn (Ảnh: Ban tổ chức).

Để du lịch tâm linh phát triển và mang lại những giá trị văn hóa tốt đẹp, thời gian qua, cùng với việc bảo tồn, gìn giữ các giá trị cảnh quan di sản, Tuyên Quang đã xây dựng nhiều tour, tuyến du lịch hợp lý, tạo ra sự đồng bộ, lan tỏa, quản lý thống nhất trong các hoạt động văn hóa tín ngưỡng gắn với hoạt động phát triển du lịch. Thành phố Tuyên Quang cũng xác định sẽ trở thành trung tâm du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng; xây dựng sản phẩm du lịch bổ trợ, gắn kết du lịch tâm linh với du lịch lịch sử cách mạng, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng và du lịch nghỉ dưỡng.

Ngày 9-15/3, thành phố Tuyên Quang sẽ diễn ra Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La - sự kiện văn hóa - tâm linh đặc sắc, tôn vinh tín ngưỡng thờ Mẫu và quảng bá di sản địa phương.

Trong khuôn khổ sự kiện, phần lễ sẽ tái hiện một cách trọn vẹn các nghi thức rước Mẫu đặc trưng cùng với nghi thức tế lễ trang nghiêm, mang đến cho công chúng cảm nhận sâu sắc về sự kết hợp giữa yếu tố tâm linh và nghệ thuật.

Phần hội sẽ có không gian Trà xứ Tuyên, không gian trưng bày khăn chầu áo ngự, trình diễn hầu đồng, giới thiệu văn hóa thờ Mẫu thông qua màn hình tương tác, các hoạt động thể thao dân gian…

Đặc biệt, Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La được kết hợp cùng chương trình Pháp hội Trúc Lâm lần thứ ba tại Thiền viện Trúc Lâm chính pháp ở thành phố Tuyên Quang từ 7/3 đến 10/3.

Pháp hội sẽ có các khu thư pháp, thư họa, trưng bày sách, trà đạo, thiền trà, ẩm thực chay, khu trưng bày văn hóa Phật giáo thời Trần, hội thi giáo lý dành cho phật tử, hội thi ẩm thực chay…

Kim Ngân

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/le-mau-thoai-se-la-diem-nhan-de-hut-du-khach-toi-tuyen-quang-172250220084702397.htm