Lễ Tạ ơn cha mẹ của người đồng bào Raglai

Lễ Tạ ơn cha mẹ xuất phát từ quan niệm của người Raglai cho rằng công lao của cha mẹ rất lớn. Cha mẹ sinh con ra, nuôi lớn trưởng thành, dạy con biết phép tắc, lý lẽ phong tục, biết những điều cấm kỵ, biết kính trọng người già, yêu mến người trẻ... Những giá trị đạo đức trong luật tục vẫn được coi là chuẩn mực xã hội, là một phương thức hữu hiệu bảo vệ gia đình và hôn nhân của người Raglai trong giai đoạn hiện nay.

Văn hóa tôn giáo và truyền thống âm nhạc là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người Raglai, với các vũ điệu nhảy múa và cả những câu chuyện truyền miệng kể về lịch sử truyền thống. Lễ tạ ơn cha mẹ cũng là một trong những nghi lễ truyền thống mang ý nghĩa cả về mặt ý thức lẫn tâm linh của người Raglai. Người Raglai rất coi trọng gia đình và hôn nhân, điều đó được thể hiện rất rõ qua những luật tục được duy trì cho đến ngày nay.

Lễ Tạ ơn cha mẹ là một trong những nghi lễ truyền thống mang ý nghĩa cả về mặt ý thức lẫn tâm linh của người Raglai

Lễ Tạ ơn cha mẹ là một trong những nghi lễ truyền thống mang ý nghĩa cả về mặt ý thức lẫn tâm linh của người Raglai

Nguồn gốc văn hóa

Tại địa danh Khánh Sơn nơi được ví như Đà Lạt thu nhỏ của tỉnh Khánh Hòa với khí hậu trong lành, mát mẻ, quanh năm mây mù che phủ, là một huyện miền núi nằm ở phía tây nam của tỉnh Khánh Hòa, với dân số chiếm hơn 70% là người Raglai - một trong bốn tộc người nói ngôn ngữ Nam Đảo ở Việt Nam.

Hoạt động văn hóa truyền thống của người Raglai

Hoạt động văn hóa truyền thống của người Raglai

Người Raglai sinh sống chủ yếu bằng nghề trồng cây lương thực, cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó loại cây ăn quả mang lại giá trị cao nhất là cây sầu riêng được trồng ở địa bàn này có đặc trưng quả to, vỏ mỏng, thơm ngon, cơm vàng, hạt lép, nổi tiếng khắp vùng. Văn hóa tôn giáo, truyền thống âm nhạc và những câu chuyện truyền miệng kể về lịch sử truyền thống của họ thông qua các nhạc cụ như: tiếng đàn Chapi, vũ điệu Mã La hay những âm thanh của đàn đá,...

Người Raglai theo chế độ mẫu hệ, cho đến nay họ vẫn duy trì tuy đã có sự thay đổi theo môi trường xã hội mới. Người Raglai truyền thống rất coi trọng gia đình và hôn nhân, điều đó được thể hiện rất rõ qua những luật tục được duy trì cho đến ngày nay. Họ còn giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống như phong tục cưới hỏi, Lễ ăn đầu lúa mới, Lễ bỏ mả và một trong những nghi lễ lớn trong đời của người Raglai là Lễ Tạ ơn cha mẹ.

Lễ tạ ơn cha mẹ xuất phát từ quan niệm của người Raglai cho rằng công lao của cha mẹ rất lớn. Cha mẹ sinh con ra, nuôi lớn trưởng thành, dạy con biết phép tắc, lý lẽ phong tục, biết những điều cấm kỵ, biết kính trọng người già, yêu mến người trẻ... Vì vậy, con cái khi trưởng thành phải biết ơn cha mẹ đã sinh thành, nuôi dưỡng và dạy con biết làm ra của cải vật chất, nên lúc cha mẹ về già con cái phải biết chăm sóc cho cha mẹ từ những việc ăn uống, quần áo mặc, giấc ngủ êm… và phải tổ chức Lễ Tạ ơn cho cha mẹ.

Nghi thức, nghi lễ

Lễ Tạ ơn cha mẹ thường diễn ra trong khoảng thời gian khi những trái sầu riêng được thu hoạch xong cũng là lúc có nhiều thời gian nhất. Những người già trong gia tộc sẽ bàn bạc chọn ngày lành, chuẩn bị các lễ vật, đạo cụ và các nội dung cần thực hiện để ngày tổ chức Lễ Tạ ơn cha mẹ diễn ra đúng trình tự, đúng với phong tục ông bà tổ tiên truyền lại.

Theo phong tục, nghi lễ này sẽ được mỗi cặp vợ chồng tổ chức cho cả cha mẹ bên vợ và cha mẹ bên chồng. Nếu trong một gia đình có đông anh chị em thì vợ chồng người anh cả hoặc người chị cả sẽ làm Lễ Tạ ơn trước, các cặp vợ chồng người em sẽ lần lượt tổ chức sau.

Lễ vật không thể thiếu trong Lễ Tạ ơn cha mẹ của người Raglai

Lễ vật không thể thiếu trong Lễ Tạ ơn cha mẹ của người Raglai

Trong Lễ Tạ ơn cha mẹ của người Raglai phải chuẩn bị những lễ vật không thể thiếu là 1 con heo lớn, 2 con gà, 2 ché rượu cần, 1 khay lá trầu têm, trong đó rượu cần được chuẩn bị công phu nhất. Trước ngày lễ chính từ 10 đến 15 ngày, người vợ sẽ tự tay làm những ché rượu cần thơm ngon để dâng lên cha mẹ trong ngày lễ. Rượu cần có ngon hay không, cha mẹ có ưng không đều phụ thuộc vào người làm men. Các vật dụng dùng để làm lễ cũng được chuẩn bị rất kỹ và khéo léo. Phải chuẩn bị các vật dụng bằng đồng thau như: mâm đồng chân cao, các loại bát, chén và khay đồng phải đầy đủ để ông bà tổ tiên không trách gì con cháu.

Con cái chuẩn bị trang phục nghi lễ cho cha mẹ

Con cái chuẩn bị trang phục nghi lễ cho cha mẹ

Trước ngày làm lễ chính, người anh cả hoặc chị cả phải đến gặp già làng xin ý kiến, đồng thời xin già làng cho mượn bộ mã la của làng để sử dụng trong nghi lễ; tiếng mã la cất lên cũng như thay lời chúc cho cha mẹ sống lâu trường thọ. Người giữ bộ mã la sẽ kiểm tra từng chiếc, nếu thấy tất cả đều phát ra âm thanh bình thường, không “chết”, không “câm”, không “lạc tiếng” thì sẽ đưa cho người con trai cả mang về. Sau đó là công việc đi sắm quần áo mới, đi mời các bậc cao niên trong họ và chính quyền địa phương đến dự chúc mừng, chia vui với gia đình.

Khi mọi thứ đã chuẩn bị xong, các bậc cao niên trong dòng họ và các thành viên trong gia đình cùng nhau đoàn tụ bên cây cột cái của nhà tổ mẫu để làm lễ. Người cha sẽ trực tiếp hành lễ để trình báo ông bà tổ tiên và đọc lời khấn:

Kính lạy ông bà tổ tiên...

Ngày mai chúng con làm đám tiệc tạ ơn cha mẹ

Hỡi tổ tiên! Xin hãy về phù hộ

Không cho kẻ xấu phá hoại

Đừng để tai họa, chiến tranh

Không cho bệnh tật

Đừng để ốm đau

Cho con cái được tốt

Cho cháu chắt được lành

Cho anh em được khỏe

Cho đám tiệc được vui...

Kết thúc lời khấn, người cha sẽ rút lưỡi con gà để xem điềm báo lành dữ của đám tiệc ngày hôm sau có tốt không. Kết quả xem lưỡi gà dù tốt hay xấu thì vợ chồng người con vẫn sẽ bưng mâm quà tặng dâng lên cha mẹ. Cha mẹ và vợ chồng người con cùng nâng mâm quà tặng xoay phía trên ống đựng than hồng của gỗ cây thơm đang nghi ngút khói và kính báo với ông bà tổ tiên về món quà các con tặng. Sau đó, vợ chồng người con trai mặc áo cho cha, người con gái mặc áo cho mẹ.

Ẩm thực trong Lễ Tạ ơn cha mẹ, ngoài rượu cần còn có món rau mì gòn xào tóp mỡ và món canh bùi được nấu từ gạo, lá cây bọt ngọt, rau rịa rừng kết hợp với thịt heo, loại canh này khi ăn có vị ngọt thanh, vị béo rất dễ ăn và giúp thanh nhiệt cơ thể.

Tất cả mọi người phải ngồi quanh cây cột cái chính của ngôi nhà cùng nguyện cầu trong Lễ Tạ ơn cha mẹ

Tất cả mọi người phải ngồi quanh cây cột cái chính của ngôi nhà cùng nguyện cầu trong Lễ Tạ ơn cha mẹ

Khi hành lễ tất cả mọi người phải ngồi quanh cây cột cái chính của ngôi nhà cùng chắp tay nói những nguyện vọng bằng tiếng Raglai thỉnh cầu đến ông bà tổ tiên về chứng giám, che chở cho cha mẹ sống khỏe với con cháu và dòng họ.

Nghi lễ cuối cùng trong Lễ Tạ ơn cha mẹ là nghi lễ cha mẹ ban phước cho con. Cha mẹ gọi vợ chồng người con đến trước mặt nói lời cảm ơn hai con đã tổ chức Lễ Tạ ơn cho cha mẹ. Chúc hai con mạnh khỏe, làm ăn thuận lợi, giàu có, con cái giỏi giang. Thay cho lời muốn nói về tấm lòng thơm thảo, vợ chồng người con dâng tặng cha mẹ một đùi heo được bày trang trọng trên một chiếc mâm đồng.

Con cái bày tỏ lòng thành kính, biết ơn cha mẹ

Con cái bày tỏ lòng thành kính, biết ơn cha mẹ

Kết thúc phần nghi lễ, tất cả mọi người tham dự sẽ trình diễn vũ điệu mã la trong tư thế vui vẻ hân hoan, vừa đi vừa nhún chân, lắc người đánh mã la. Điệu tấu mã la có vui vẻ khí thế hay không phụ thuộc vào các động tác bấm nhịp để mã la tạo ra âm thanh dồn dập. Khác với một số tộc người trình diễn cồng chiêng trong tư thế đứng hoặc ngồi và cầm dùi gõ, thì người Raglai lại dùng các ngón tay để tạo ra âm thanh kết hợp với các động tác: nhún nhảy và lắc vai, lắc mông, cong lưng, ưỡn ngực... tạo nên một màn trình diễn sống động.

Có thể nói Lễ Tạ ơn cha mẹ là một trong những nghi lễ quan trọng trong hệ thống các nghi lễ của người Raglai. Điều đó đã tạo ra sự gắn kết bền chặt của cộng đồng với niềm tin cùng nhau bảo vệ, giữ gìn và giúp nhau phát triển. Đồng thời phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình hội nhập và phát triển, tạo nên một điểm nhấn quan trọng trong kho tàng di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Thu Hường - Anh Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/le-ta-on-cha-me-cua-nguoi-dong-bao-raglai-i375087/