Lễ Thuổm Cuổn của người Sán Chỉ
Cộng đồng dân tộc Sán Chỉ sinh sống trên địa bàn tỉnh hiện vẫn giữ gìn được những phong tục, nghi lễ mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Trong đó, nghi lễ Thuổm Cuổm là một trong những nghi lễ trọng đại nhất trong đời người của nam giới Sán Chỉ, bởi đây là nghi lễ khẳng định sự trưởng thành, có thể quyết định những việc lớn trong gia đình và dòng họ.
Người Sán Chỉ có đời sống văn hóa, tín ngưỡng truyền thống vô cùng phong phú, những quan niệm về vũ trụ, linh hồn, con người, vạn vật đã tồn tại từ lâu và được lưu giữ cho đến ngày nay. Tín ngưỡng chủ yếu của người Sán Chỉ là thờ cúng tổ tiên, thờ thổ công, thần linh, tín ngưỡng liên quan đến chu kỳ đời người, thờ cúng nông nghiệp. Người Sán Chỉ quan niệm mỗi giai đoạn của cuộc đời cần phải báo cáo với tổ tiên và thần linh thông qua các nghi lễ. Để được công nhận sự trưởng thành, người con trai Sán Chỉ bắt buộc phải trải qua lễ Thuổm Cuổm dưới sự chứng kiến của dân làng như một quy tắc không thể bỏ qua.
Ông Tẩn Văn Chích, người có uy tín xóm Khuổi Chủ, xã Thượng Hà (Bảo Lạc) cho biết: Lễ Thuổm Cuổm được người Sán Chỉ truyền từ đời này sang đời khác, đánh dấu sự trưởng thành của người con trai Sán Chỉ. Từ thời khắc nhận được ấn tên âm, người con trai được công nhận đủ trách nhiệm, đủ khả năng quyết định những việc lớn của gia đình và dòng họ.
Lễ Thuổm Cuổm còn gọi là lễ trưởng thành cho người đàn ông (thông thường là trẻ em nam trong độ tuổi từ 12 - 16 tuổi). Để được coi là người đàn ông trưởng thành họ bắt buộc phải trải qua nghi lễ này. Lễ Thuổm Cuổm thường diễn ra trong 3 ngày, lễ vật gồm gạo, lợn, rượu, gà... Trong thời gian tiến hành nghi lễ, mọi người đến dự lễ đều phải ăn chay, không sát sinh. Các thầy mo đọc cho người thụ lễ 10 điều nguyện, 10 lời thề và 10 điều cấm, như: không được sống gian lận, không được chửi mắng bố mẹ..., tất cả đều hướng cho người được cấp sắc sống đẹp, sống có ích cho xã hội. Ngày chính của lễ cấp sắc là ngày gia chủ mời dân làng, nhân dân các xóm lân cận đến ăn uống chung vui.
Để nghi lễ diễn ra thuận lợi, cần 2 - 3 thầy cùng hỗ trợ trong những ngày làm lễ. Thầy làm lễ được chọn phải hợp tuổi với người thụ lễ, có thể là người trong làng hoặc họ hàng gần. Lễ cấp sắc được tổ chức liên tục cả ngày lẫn đêm, gồm nhiều lễ lớn nhỏ khác nhau: dựng đàn ngũ đài, bàn thờ trong nhà, trình diện, lên đèn, hạ đèn, giao âm binh, lễ đặt tên âm, lễ tơ hồng, lễ thăm thiên đình, và lễ trình diện Ngọc Hoàng…
Mở đầu lễ Thuổm Cuổm là tiếng thanh la, tượng trưng cho mặt trời và tiếng trống hiện thân của mặt trăng được nổi lên. Người thụ lễ ngồi ngay gian chính trước ban thờ ở trong nhà; các thày mo bắt đầu múa theo nghi thức để báo cáo đến tổ tiên, dòng họ. Sau nghi thức báo cáo tổ tiên, các thầy mo và người thụ lễ bắt đầu thực hiện nghi thức mặc trang phục hành lễ. Trang phục của thầy mo có sự phân biệt rõ ràng về màu sắc, mỗi màu tương đương với cấp bậc của mỗi thầy. Thầy mo chính có chức sắc cao nhất mặc trang phục làm lễ màu vàng, thầy mo phụ thứ nhất có cấp bậc thấp hơn thầy mo chính mặc trang phục màu đỏ, thầy mo phụ thứ hai có cấp bậc thấp nhất nên mặc trang phục màu xanh.
Sau khi làm xong các nghi thức trong nhà, các thầy cầm hương trình lên đàn lễ xin cho người thụ lễ ra ngoài đàn Ngù Đài để thực hiện lễ giáng sinh. Đàn Ngù Đài được lập ngoài trời, trên một khu đất rộng, làm bằng gỗ, cao hơn 2 m. Ngù Đài tượng trưng cho lưng con rồng, người thụ lễ ngồi trên đài nghĩa là ngồi trên lưng rồng để giáng sinh xuống trần gian.
![Ngù Đài tượng trưng cho lưng con rồng, người thụ lễ ngồi trên đài nghĩa là ngồi trên lưng rồng để giáng sinh xuống trần gian.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_13_619_51463293/653dd8a0e8ee01b058ff.jpg)
Ngù Đài tượng trưng cho lưng con rồng, người thụ lễ ngồi trên đài nghĩa là ngồi trên lưng rồng để giáng sinh xuống trần gian.
Người thụ lễ khi lên trên Ngù Đài cần ngẩng đầu nhìn trời lần lượt xoay mình về các phía, sau đó ngồi xuống Ngù Đài mặt quay về hướng Tây, lưng quay về hướng Đông. Ở bên dưới, các thầy mo cùng các thanh niên trong bản căng rộng chiếc võng có lót tấm chăn ra như chiếc võng để khi người thụ lễ rơi từ trên xuống, tấm chăn là vật nâng đỡ và gói lại thành bọc. Người thụ lễ rơi xuống võng liền được gói kín, tấm lưới bao bọc xung quanh như bào thai. Trống chiêng nổi liên hồi mừng người thụ lễ từ trên trời giáng sinh về với trần gian. Bát nước đặt trên gói võng được thầy làm phép đổ đi rồi mở võng, mở bọc chăn ra. Thầy sẽ xem các ngón tay, ngón chân có còn chụm sát vào nhau hay không.
Tiếp theo, người thụ lễ ngồi dậy, thầy mo chính cầm bát cơm bón cho người thụ lễ ăn, điều này tượng trưng cho việc trẻ sinh ra được thầy chăm sóc, ăn no, mặc ấm lớn lên và trưởng thành. Người thụ lễ sau khi giáng sinh được đưa về nhà để tạ ơn tổ tiên và được công nhận là người đàn ông đã trưởng thành, sống có trách nhiệm, trung thực, hiếu thuận với cha mẹ, chăm chỉ lao động, hòa thuận với anh em, giúp người khó khăn hơn mình... Sau đó, thầy mo và người thụ lễ thay trang phục thường ngày và cùng nhau ăn uống chúc mừng cho gia đình.
Sau khi làm lễ, gia đình người thụ lễ tổ chức khao làng để thể hiện lòng biết ơn đối với anh em, làng xóm đến giúp đỡ, chứng kiến cho sự trưởng thành của con cháu và chung vui cùng gia đình với những món ăn truyền thống của người Sán Chỉ.
Lễ trưởng thành là một nghi thức rất đặc sắc của cộng đồng dân tộc Sán Chỉ, chứa đựng quan niệm giáo dục to lớn, triết lý nhân sinh nhằm hướng con cháu tới chân, thiện, mĩ. Hiện nay, lễ Thuổm Cuổn vẫn được gìn giữ và bảo tồn, góp phần lưu giữ bản sắc văn hóa dân tộc.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/le-thuom-cuon-cua-nguoi-san-chi-3175430.html