Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ lý giải tục đi chùa cầu duyên: Khi sợi tơ hồng gửi gắm nơi cửa Phật

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ đã có cuộc trao đổi với Chuyên trang Sinh Viên Việt Nam, Báo Tiền Phong về phong tục đi chùa cầu duyên trong đời sống người Việt. Ông phân tích nguồn gốc, ý nghĩa văn hóa của tục lệ này, đồng thời bàn luận về sự giao thoa giữa tín ngưỡng và tâm thức dân gian trong xã hội hiện đại.

Thưa ông, phong tục đi chùa cầu duyên đã tồn tại từ lâu trong đời sống tín ngưỡng của người Việt. Ông có thể chia sẻ về nguồn gốc và ý nghĩa văn hóa của phong tục này không?

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: Thật khó mà nói tục đi chùa cầu duyên có từ bao giờ và thuộc tôn giáo nào. Khi nói đến chùa, chúng ta nghĩ ngay đến Phật giáo nhưng chữ “duyên” trong Phật giáo lại là một khái niệm được trừu tượng hóa rất cao, như là một khái niệm cơ bản của bản thể tồn tại.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng con người hiếm khi hài lòng với thực tại, nhất là trong chuyện tình duyên. Vì vậy, họ tìm đến chốn linh thiêng để cầu mong hạnh phúc trọn vẹn trong hôn nhân và gia đình.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng con người hiếm khi hài lòng với thực tại, nhất là trong chuyện tình duyên. Vì vậy, họ tìm đến chốn linh thiêng để cầu mong hạnh phúc trọn vẹn trong hôn nhân và gia đình.

“Duyên” đi cùng với “Nhân” và gọi là Nhân duyên. Kinh Phật dạy rằng: Nhân là nguyên nhân bên trong trực tiếp sinh ra kết quả. Chữ Duyên chỉ cho nguyên nhân gián tiếp giúp đỡ bên ngoài. Nên họ nói gọn là “nội nhân ngoại duyên”, hai căn nguyên cơ bản tạo nên muôn vật cũng như tạo nên nhân cách của con người. Sự tan hợp của Nhân và Duyên làm nên sự “sinh” hay là sự “diệt”. Kinh dạy nếu lấy phiền não làm Nhân, lấy Nghiệp làm Duyên thì kết quả là mê lầm. Nếu lấy Đức trí làm Nhân, lấy An định làm Duyên thì sẽ có chứng quả giác ngộ.

Nó gần như bây giờ ta nói là điều kiện chủ quan, nội tại và điều kiện khách quan, ngoại cảnh vậy. Nhưng rồi, trong hiện trạng dân gian hóa, tín ngưỡng hóa thì tình trạng đồng dụng các tôn giáo, các tín ngưỡng vào phủ, quán, chùa, đền, miếu là thường xuyên diễn ra. Đi chùa nhưng để “cầu duyên”. Duyên ở đây được hiểu là tình duyên, là tìm hiểu, yêu đương và hôn nhân giữa nam nữ hướng tới hạnh phúc gia đình. Người ta dùng cái nghĩa chữ “duyên” là sợi tơ, mối nối tình duyên của “ông nguyệt lão ngồi xe tơ hồng” trong tâm thức dân gian phương đông. Mà không khéo thì “Ông tơ thật nhẽ đa đoan / Xe tơ sao khéo vơ quàng vơ xiên (Truyện Kiều). Mà quả thật, tâm lý con người luôn bất ưng ý với thực tại, mấy ai được mười phân vẹn mười nên người ta thường đi “cầu duyên” bất kể không gian có “tính thiêng” nào để cuộc đời mình thông đồng bén giọt, đặc biệt là chuyện “trăm năm kết tóc xe tơ”. Kỳ vọng đó là thường tình trong một lĩnh vực đầy trắc trở như tình duyên và cuộc sống gia đình.

Mà quả thật, tâm lý con người luôn bất ưng ý với thực tại, mấy ai được mười phân vẹn mười nên người ta thường đi “cầu duyên” bất kể không gian có “tính thiêng” nào để cuộc đời mình thông đồng bén giọt, đặc biệt là chuyện “trăm năm kết tóc xe tơ”. Kỳ vọng đó là thường tình trong một lĩnh vực đầy trắc trở như tình duyên và cuộc sống gia đình.

Thưa ông, nhiều người cho rằng những ngôi chùa như chùa Hà (Hà Nội) hay chùa Ngọc Hoàng (TP.HCM) nổi tiếng cầu duyên linh thiêng, thu hút đông đảo bạn trẻ tìm đến. Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, ông lý giải như thế nào về niềm tin này?

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: Kinh nghiệm đi thực tế nghiên cứu cảnh quan địa lý những nơi có cầu duyên thường là cũng có cầu tự. Kết duyên và sinh con gắn liền với hạnh phúc gia đình. Lên dãy núi Tiên du, ta thấy chốn Mể Man, ngay cạnh chùa Phật Tích là một chốn như vậy. Mể Man là nơi nàng Man Nương huyền thoại sinh con, và là nơi sau này Ỷ Lan phu nhân đến cầu tự. Dãy núi mang hình Người Mẹ thiên nhiên sinh nở. Đọc câu thơ của thi gia Hoàng Cầm “Chùa Phật Tích duỗi trong màn lụa bạch” thì ta thấy được nhà thơ ký tải vào chữ nghĩa của mình cả một huyền thoại. Lên chùa Thiên Mẫu chúng ta cũng thấy rõ hình ảnh Người Mẹ đó và đó cũng là nơi cầu duyên. Chùa Hà cũng gắn với truyền ngôn về Ỷ Lan cầu tự. Còn rất nhiều nơi nữa mà đôi khi, chỉ cần ngắm địa lý thôi, nhà nghiên cứu có thể chỉ ra nền móng những công trình tín ngưỡng cổ xưa. Người ta đồn rằng GS Trần Quốc Vượng “nhìn thấu đất” chính là nhờ kinh nghiệm điền dã nhiều năm tạo nên khả năng như thấu thị. Chúng tôi học được của thầy đôi chiêu khi được tháp tùng đây đó. Những nơi đó thường tập hợp cả chùa chiền đạo quán nhưng đã đến đó thì phải vào chùa lạy Phật, và thế là nhà chùa kiêm luôn cả cái chức năng “tế nhị” này, đặc biệt là khi quán hay miếu đã trở thành phế tích, hoặc trong tình thế hợp tự.

Những năm gần đây, trào lưu đi chùa cầu tình duyên đang ngày càng phổ biến trong giới trẻ, đặc biệt là vào những dịp đầu năm. Theo ông, đâu là lý do khiến phong tục này trở thành một xu hướng thu hút nhiều người đến vậy?

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: Ngày trước ông bà ta trên mâm cơm chỉ có mấy món canh, cá, nước mắm, họ ăn một cách tự nhiên (Ăn thì canh cá chớ khô khan - Nguyễn Trãi). Nhưng đứng trước “cỗ Quan họ ba tầng” thì quả là khó lựa chọn. Có khi “nhìn mà no”. Đi nhà hàng bây giờ, chỉ đọc menu đã chóng cả mặt. Tình thế lựa chọn quá phong phú chưa hẳn đã thuận lợi cho việc kết duyên.

Ông cho rằng, mong cầu hạnh phúc là điều tích cực, nhưng nếu quá lệ thuộc, niềm tin ấy có thể trở thành mê tín.

Ông cho rằng, mong cầu hạnh phúc là điều tích cực, nhưng nếu quá lệ thuộc, niềm tin ấy có thể trở thành mê tín.

Hơn nữa sự phức tạp, sự bất trắc trong đa dạng kỳ vọng hạnh phúc lại là một rào cản khác để người ta lựa chọn ý trung nhân của mình. Tỷ lệ ly dị, tỷ lệ độc thân nuôi con gia tăng dần qua thời gian ở mọi nền văn hóa.

Con người hiện đại đủ điều kiện tách khỏi cổng làng xưa kia với định kiến “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, cái đạo “tam tòng” đâu còn phù hợp và đạo “tứ đức” cũng nhạt nhòa theo. Tiêu chuẩn gia đình hạnh phúc lý tưởng thì ngày càng cao trong tiếp biến văn hóa thế giới. Càng cao thì càng khó với. Và tất yếu, họ dựa vào chỗ tín ngưỡng như một liệu pháp tâm lý vậy. Thể hiện một sự mong cầu hạnh phúc là tâm lý tích cực nhưng thái quá ắt sẽ thành mê tín.

Thưa ông, bên cạnh nhu cầu tâm linh, nhiều người coi việc đi chùa cầu duyên như một trải nghiệm văn hóa, thậm chí là một "trào lưu" trên các nền tảng mạng xã hội. Ông có nghĩ rằng điều này có thể làm thay đổi, biến tướng ý nghĩa gốc của phong tục này không?

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: Cách nay gần 7 năm, vào năm 2018, khi đưa tiễn một người bạn về nghĩa trang ở Thái Bình, đứng cạnh một tiến sĩ xã hội học, tôi có tâm sự về một sự phúng viếng qua các phương tiện không gian mạng trong tương lai để người sau nửa vòng trái đất có thể chia sẻ nỗi mất mát. Tôi nói điều đó vì nghĩ đến những biến thiên trong lịch sử dân tộc. Những đợt di dân mở cõi bất tận qua trường kỳ thời gian, không dễ một ngày trở về chốn cũ. Người ta hình thành lễ bái vọng, từ nơi xa, thắp nén hương thành tâm với tiên tổ, cố tri khuất bóng.

"Nhân định thắng thiên, đức năng thắng số – quan trọng là cách mình sống. Chính mình mới là thần linh của đời mình."

"Nhân định thắng thiên, đức năng thắng số – quan trọng là cách mình sống. Chính mình mới là thần linh của đời mình."

Mạng xã hội ngày nay đã có thể làm điều đó. Cuối cùng vẫn là cái tâm của con người ta. Khi gần cạnh ta tiễn bạn, chia buồn và ngẫm lại chính mình. Khi ở xa, ta vọng tưởng qua các hình ảnh được truyền đến để uống nước nhớ nguồn. Cái gọi là “gốc” thì khó cắt nghĩa lắm. Nó phải phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và phương tiện. Nghĩ đến người là quý, nghĩ đến để hoàn thiện mình còn quý hơn. Người đã mất nào lại không mong cho người ở lại có cuộc sống tử tế hơn, tốt đẹp hơn.

Cầu duyên cũng vậy, cứ tin thế giới thần linh luôn luôn phù trợ để mình sống hạnh phúc hơn, vị tha hơn sẽ dĩ cầu tất ứng thôi. Người xưa dạy “nhân định thắng thiên, đức năng thắng số” là ở chỗ đó. Mình sống thế nào mới là quan trọng. Mình mới là thần linh cho chính mình.

Người xưa dạy “nhân định thắng thiên, đức năng thắng số” là ở chỗ đó. Mình sống thế nào mới là quan trọng. Mình mới là thần linh cho chính mình.

Thưa ông, hiện nay, bên cạnh việc đi chùa cầu duyên theo tín ngưỡng truyền thống, cũng có không ít trường hợp lợi dụng niềm tin này để thực hành các hoạt động thương mại hóa, mê tín dị đoan như "bùa yêu", "lễ cắt tiền duyên" với chi phí cao. Theo ông, phong tục này có đang bị biến tướng không, và chúng ta nên nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ: Tôi cũng rất quan tâm tới Phật học. Tuy nhiên cho đến giờ, tra cứu sách vở, tôi chưa gặp hai chữ “tiền duyên” với tư cách là một khái niệm của Phật giáo ở đâu cả. Họ lấy chữ “duyên” nhà Phật rồi biến thái đi, mượn chùa để hành lễ. Nghĩa của nó gần với khái niệm “nghiệp” (karman/yết na) hay “ác nghiệp” trong nhà Phật hơn. “Tiền duyên” được họ hiểu như “âm duyên”, “tiền định duyên” của tín ngưỡng dân gian, đeo đẳng người dương, cản trở tình duyên, hạnh phúc.

Nhưng với khái niệm Nhân và Duyên của Phật học thì việc cả tin đó đúng là chưa “lấy trí làm Nhân, lấy định làm Duyên” nên chưa giác ngộ được. Cái này ngày xưa gọi là mê lầm. Chính sự mê lầm đó là mảnh đất màu mỡ cho những người buôn thần bán Phật lợi dụng, thao túng tâm lý để thủ lợi. Phật là Giác ngộ, là sự thấu hiểu Tứ diệu đế: Khổ đế, Tập đế, Diệt đế, Đạo đế. Truyền giáo lý Phật không phải thực hành mê tín để trục lợi.

“Cắt tiền duyên” là một loại hành vi tín ngưỡng mê tín cần phải được xóa bỏ.

Trong hạnh phúc vợ chồng thì tình thương yêu, sự trân trọng, tính vị tha, đức hy sinh, hành động cố gắng xây dựng gia đình, lòng chung thủy trước sau như nhất...thì không có tiền duyên nào ngăn trở được.

Trong hạnh phúc vợ chồng thì tình thương yêu, sự trân trọng, tính vị tha, đức hy sinh, hành động cố gắng xây dựng gia đình, lòng chung thủy trước sau như nhất... thì không có tiền duyên nào ngăn trở được.

Ảnh: Lê Vượng

Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/nha-nghien-cuu-van-hoa-dan-gian-nguyen-hung-vi-ly-giai-tuc-di-chua-cau-duyen-khi-soi-to-hong-gui-gam-noi-cua-phat-post1716300.tpo