Lễ tục trong ngày tết Đoan ngọ

Diễn ra vào thời điểm nắng hè gay gắt, tết Đoan ngọ (5/5 âm lịch) là một trong những lễ lớn của người Việt từ xa xưa. Và trong ngày Tết 'giữa mùa hè', có nhiều lễ tục đặc biệt, chứa đựng niềm tin tín ngưỡng và những mong cầu tốt lành

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Tết Đoan ngọ còn được biết đến với tên gọi dân gian là tết mồng năm - giết sâu bọ. Sau những tháng mùa xuân ấm áp, mùa hè nắng chói chang khiến con người và vạn vật không khỏi mệt mỏi. Hơi nắng ngột ngạt cũng dễ khiến cho dịch bệnh xảy ra. Người xưa cho rằng, việc phải diệt trừ những mầm mống, sâu bệnh gây hại là cần thiết.

Và trong quan niệm dân gian, để “diệt trừ” sâu bọ sống trong cơ thể người, sáng sớm sau khi tỉnh dậy, người ta sẽ ăn các loại hoa quả như đào, mận, vải, dưa hấu, cùng với đó còn có cơm rượu nếp, bánh đa... Trải qua thời gian, cho đến nay quan niệm và những thức quả, món ăn dân dã ấy vẫn được người Việt duy trì vào mỗi dịp tết Đoan ngọ.

Gần 100 năm trước, học giả Nguyễn Văn Huyên (tác giả sách Hội hè lễ tết của người Việt) đã có những khảo cứu, ghi chép cẩn thận: “Đoan ngọ... đánh dấu một trong những thời điểm của tháng thứ hai mùa hè khi khí dương lên tới đỉnh cao nhất, khí âm cũng đồng thời xuất hiện. Đoan ngọ được cử hành hàng năm vào mồng 5 tháng 5 ta, tức là khoảng Hạ chí. Nó còn được gọi là tiết Thiên trung, vì mặt trời vào giờ ngọ hôm đó đứng ở điểm cao nhất của bầu trời... Hôm đó, người ta biếu nhau chủ yếu ngỗng, vịt, dưa hấu, đường và đỗ xanh. Trong các gia đình, người ta cúng tổ tiên cùng những sản vật của thời vụ”.

Vào ngày tết Đoan ngọ - mặt trời “lên tới đỉnh điểm” nên thời khắc Đoan ngọ - giữa trưa (11 đến 13 giờ trưa) cũng là khoảng thời gian khá đặc biệt. Người xưa thường đun nước với rễ hoặc lá cây (có mùi thơm) để tắm, gội vì tin rằng có thể xua đi những khí xấu, độc hại. Sách vở, đồ đạc cũng được mang ra phơi để tránh ẩm mốc. Hoặc nếu vào chính ngọ, trời mưa to, “thì nên chặt cây tre hứng lấy trong ruột tre một thứ nước thần diệu có tính năng chữa đau mắt và đau bụng”,

Đặc biệt, trong tết Đoan ngọ, dường như “dược tính” chữa bệnh từ các loại cây cỏ thuốc nam của người Việt cũng tốt hơn. “Mọi cây cối ở tiết Đoan ngọ đều có tính năng chữa bệnh hay phòng bệnh đáng kể. Bởi thế, từ buổi trưa, người ta đi hái, ở những nơi khuất nẻo nhất, đủ loại cỏ và lá rồi đem phơi khô. Mọi người giữ cẩn thận những cỏ và lá đó, gọi là lá mồng năm, để cho người ốm uống. Những cỏ và lá đó được coi là có hiệu lực lớn chống những cơn sốt do thời tiết thất thường gây ra” (sách Hội hè lễ tết của người Việt).

Cho đến ngày nay, việc hái lá - chè mồng năm trong dịp tết Đoan ngọ vẫn được nhiều gia đình người Việt duy trì. Những loại lá được phơi vào thời khắc “Đoan ngọ” dường như thơm hơn rất nhiều.

Nhắc đến chè mồng năm, tôi nhớ đến bà ngoại. Năm nào cũng thế, vào ngày này, bà dậy đi chợ từ rất sớm, mục đích chính là mua cho được vài thứ lá còn thiếu trong vườn nhà để làm chè mồng năm. Sau khi đã đủ các loại cây cỏ, về loanh quanh xắng xở thì mặt trời cũng bắt đầu đứng bóng, một chiếc nong lớn được đặt giữa sân. Bà ngoại chặt cây cỏ bằng cỡ vài đốt ngón tay, sau đó trộn đều và phơi dưới nắng. Lá cây phơi được nắng, có mùi thật thơm. Khi lá đã khô, bà ngoại sẽ chia cho mỗi nhà một ít, dùng hãm với nước nóng uống trong những ngày hè, gọi là chè mồng (mùng) năm. Bà ngoại mất rồi, việc làm chè mùng năm vẫn được tiếp nối bởi mẹ tôi và các bác.

Với những khảo cứu kì công, gần một thế kỷ trước, học giả Nguyễn Văn Huyên còn dẫn ra những tục lệ đặc biệt trong ngày tết Đoan ngọ được người Việt gìn giữ, trao truyền, như: Việc nhuộm đỏ các ngón tay (trừ ngón trỏ), nhuộm móng chân cái bằng “lá móng” - thứ lá tạo ra một màu đỏ, mang theo niềm tin rằng có thể giúp con người xua đi tà khí; giữa giờ ngọ, cả đàn ông và đàn bà ngoảnh về phía mặt trời chói chang, lật lông mi lên và nhỏ vào mắt ba giọt nước mưa hòa lẫn mấy hạt muối, làm như vậy mắt sẽ nhìn rõ hơn, không bị đau nữa; hay việc người lớn sẽ đeo vào cổ con trẻ những “bùa tua, bùa túi” bằng chỉ ngũ sắc. Trong những bùa túi có đựng bột nhang hay bột thần sa, chanh, lựu, phật thủ... với hy vọng có thể giúp con trẻ khỏi bị trúng khí độc...

Dù đã khảo cứu kĩ nhưng học giả Nguyễn Văn Huyên cũng không khỏi “bất ngờ” về những điều ông cho là đặc biệt trong ngày này: “Tết Đoan ngọ thực là lễ kỳ lạ nhất trong lịch của người Việt. Diễn ra vào đúng giữa mùa kinh khủng nhất trong xứ này, nó được cử hành vì sự đe dọa thường xuyên của bệnh tật và chết chóc lởn vởn trên đầu mọi người. Nó tiếp tục và củng cố thêm chuỗi nghi lễ được làm ngay từ khi mùa xuân kết thúc... Dường như các cách được sử dụng đã được lấy trong kho tàng dân gian xa xưa nhất...”.

Và dù có những điều khó “lý giải” đi chăng nữa, thì đi qua thời gian cùng lịch sử phát triển của dân tộc, tết Đoan ngọ vẫn tồn tại, tiếp nối, trở thành một mỹ tục trong đời sống văn hóa - tín ngưỡng dân gian của người Việt Nam.

Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/le-tuc-trong-ngay-tet-doan-ngo-31374.htm