Len Đao kiên cường - Khúc ca bi hùng còn vang mãi

Mỗi cán bộ, chiến sĩ đóng quân trên đảo Len Đao luôn khẳng định quyết tâm vững vàng, không nao núng tinh thần, kiên quyết, kiên trì giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống.

Sự kiện ngày 14/3/1988 tại đảo Gạc Ma là “Khúc ca bi tráng.” Gương hy sinh anh dũng của 64 cán bộ, chiến sĩ cùng với 3 tàu của ta vĩnh viễn nằm lại trong lòng biển cả, vẫn luôn mãi in đậm trong tâm trí của mỗi người dân Việt Nam hôm nay và mãi cả thế hệ mai sau.

Xứng danh Bộ đội Cụ Hồ

Khi Đoàn công tác số 11 cập xuồng lên đảo Len Đao, giữa biển khơi rộng lớn nổi lên một khu nhà vững chắc, sừng sững hiên ngang đóng chốt ngay bên cạnh đảo Gạc Ma (do Trung Quốc chiếm đóng trái phép).

Cụ thể, Đảo Len Đao cách bán đảo Cam Ranh 313 hải lý, cách đảo Sinh Tồn về phía Đông Nam 6,5 hải lý, phía Đông về đảo Cô Lin 6,4 hải lý và cách đảo Gạc Ma theo hướng Đông Bắc 5,5 hải lý.

“Ba hòn đảo Cô Lin-Len Đao-Gạc Ma thuộc cụm đảo Sinh Tồn nổi lên như ba cạnh của một tam giác. Những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ trước, biển cả nơi đây đã từng chứng kiến cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, chống lại hành động xâm lược man rợ của kẻ thù.”

Tại đây, mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn khẳng định quyết tâm vững vàng, không nao núng tinh thần và thường xuyên nêu cao cảnh giác, xử trí khôn khéo, đúng đối sách, kiên quyết, kiên trì giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc trong mọi tình huống.

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo - Trường Sa, ngày 26/4/2024. (Nguồn: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Thượng úy Nguyễn Minh Đức, Chỉ huy trưởng đảo Len Đao cho biết năm 2024, tình hình trên vùng biển quần đảo Trường Sa diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố khó lường. Mặc dù, đảo đóng quân xa đất liền và xa sự chỉ huy của lãnh đạo và Lữ đoàn, song cán bộ, chiến sĩ luôn quán triệt sâu sắc các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, tăng cường đoàn kết nội bộ, khắc phục khó khăn, đảm bảo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

 Quan sát các khu vực lân cận từ Đảo Len Đao. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Quan sát các khu vực lân cận từ Đảo Len Đao. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

“Bên cạnh đó, các cán bộ, chiến sỹ trên đảo luôn sẵn sàng giúp đỡ, cứu hộ-cứu nạn ngư dân, đẩy mạnh học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và xứng danh Bộ đội Cụ Hồ, người chiến sĩ Hải quân thời kỳ mới, xây dựng đảo Len Đao mạnh về phòng thủ, tốt về lối sống, đẹp về cảnh quan, môi trường, mẫu mực về đoàn kết quân dân, xứng đáng niềm yêu thương của quân và dân cả nước,” Thượng úy Nguyễn Minh Đức khẳng định.

Thêm vào đó, khí hậu khắc nghiệt cũng ảnh hưởng lớn đối với cán bộ, chiến sỹ trên đảo. Những đợt thời tiết nắng nóng, mưa rất ít khiến đời sống sinh hoạt của bộ đội gặp rất nhiều khó khăn.

 Thượng úy Nguyễn Minh Đức, Chỉ huy trưởng đảo Len Đao. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Thượng úy Nguyễn Minh Đức, Chỉ huy trưởng đảo Len Đao. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Theo Thượng úy Nguyễn Minh Đức, dù nguồn nước ngọt khan hiếm nhưng nhờ các biện pháp sử dụng nước ngọt tiết kiệm và phù hợp trong sinh hoạt, đảo đã trồng được nhiều loại rau xanh và chăn nuôi, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt, nâng cao sức khỏe bộ đội. Đồng thời, những tháng đầu năm, đảo đã khám cấp thuốc cho 26 lượt ngư dân.

Để làm tốt những điều này, Trung úy Đỗ Chí Nghĩa, Chính trị viên Đại đội đảo Len Đao cho biết chi bộ luôn tổ chức sinh hoạt Đảng thường kỳ mỗi tháng để ra nghị quyết lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ, quán triệt nội dung chỉ đạo của cấp trên. Hàng quý, chi bộ có sinh hoạt chuyên đề hoặc các nội dung đột xuất.

 Trung úy Đỗ Chí Nghĩa, Chính trị viên Đại đội đảo Len Đao. (Ảnh: Hạnh Nguyễn)

Trung úy Đỗ Chí Nghĩa, Chính trị viên Đại đội đảo Len Đao. (Ảnh: Hạnh Nguyễn)

Bên cạnh đó, Trung úy Đỗ Chí Nghĩa cho hay công tác phát triển đảng viên trẻ của đơn vị luôn chi bộ luôn quan tâm. Cụ thể, chi bộ thường xuyên quán triệt các văn bản, chỉ thị của trên, chú trọng định hướng cho anh em, đặc biệt là những cán bộ, đoàn viên và quần chúng ưu tú (có nguyện vọng, nhu cầu và khả năng để đáp ứng nguồn phát triển Đảng hàng năm của đơn vị cũng như của Lữ đoàn) sinh hoạt định kỳ.

Tình yêu và sự trân trọng

Chia sẻ với chúng tôi, các chiến sỹ cho biết đảo được hình thành trên bãi san hô nổi có dạng hình tròn, đường kính khoảng 1,7 hải lý với bề mặt tương đối bằng phẳng. Khi thủy triều xuống thấp, bãi san hô nổi lên khoảng 0,5m và thủy triều lên cao, bãi sẽ ngập khoảng 1,8m. Nền đất ở đây chủ yếu là cát và đá san hô.

Điều đặc biệt, bãi cát san hô lấy tâm là nhà lâu bền và cứ xoay quanh một vòng là hết một năm. Các các, bộ chiến trên đảo chia sẻ vào tháng Ba, tháng Tư, khi gió mùa Đông Bắc về, bãi cát sẽ dịch chuyển về phía Tây Nam của đảo. Lúc nước thủy triều lên, có thời điểm bãi cát đã tạo thành hình bản đồ Việt Nam. Kế đến vào mùa gió Tây Nam, bãi cát lại dịch chuyển về phía Đông Bắc của đảo.

 Đảo Len Đao được hình thành trên bãi san hô nổi có dạng hình tròn, đường kính khoảng 1,7 hải lý với bề mặt tương đối bằng phẳng. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Đảo Len Đao được hình thành trên bãi san hô nổi có dạng hình tròn, đường kính khoảng 1,7 hải lý với bề mặt tương đối bằng phẳng. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Các thành viên Đoàn công tác số 11 đứng trên một khu nhà vững chãi, được xây dựng từ đầu năm 1988. Khi đó, tình hình trên quần đảo Trường Sa ngày càng phức tạp, yêu cầu giữ đảo ngày càng khẩn trương và cấp thiết. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân, đồng chí Đại tá Lê Văn Thư, Chỉ huy trưởng Vùng 4 trực tiếp chỉ huy lực lượng xây dựng nhà trên đảo. Ngày 9/7/1988, khu nhà đã làm xong và bàn giao cho cán bộ, chiến sĩ Len Đao bảo vệ.

Là đại biểu trẻ tuổi nhất trong Đoàn công tác số 11 lên thăm đảo, anh Nguyễn Công Sơn, 24 tuổi, sống tại Hàn Quốc, đã rất xúc động khi đặt chân lên đảo, gặp gỡ các chiến sỹ trẻ và đặc biệt là tham quan khu sinh hoạt của bộ đội.

“Nhìn những vật dụng sinh hoạt của các anh đơn sơ mà lòng em vô cùng ngưỡng mộ và khâm phục. Không thể nói được bằng lời, trong em xúc động trào dâng khi chứng kiến những nghị lực và tinh thần sắt đá của người chiến sỹ hải quân nơi đảo tiền tiêu,” Sơn nói.

 Đại biểu Nguyễn Công Sơn (trái), 24 tuổi, sống tại Hàn Quốc. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Đại biểu Nguyễn Công Sơn (trái), 24 tuổi, sống tại Hàn Quốc. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Bằng trách nhiệm của một người dân Việt Nam, Sơn cho biết sau chuyến đi này mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho xã hội và quê hương ngày càng phát triển. Cụ thể, em sẽ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của người Việt Nam tại Hàn Quốc, để kết nối, gặp gỡ chia sẻ và quảng bá thông tin, hình ảnh, câu chuyện về biển, đảo cho các bạn trẻ Việt Nam và bạn bè quốc tế về cuộc sống của các cán bộ, chiến sỹ. Cho dù có khó khăn, nhưng các anh không quản khó khăn với tinh thần kỷ luật cao độ.

“Giữa cái nắng, cái gió, non nước trùng khơi, các anh dành dụm từng giọt nước chia sẻ cho mỗi mầm lá, luống rau. Những mảng xanh lục từ những luống rau mơn mởn vươn lên từ trong các khối nhà bê tông, cốt thép như mang tới sức sống, nghị lực phi thường cho nơi đây,” Sơn chia sẻ cảm xúc của mình.

 Thiếu tá Đào Huy Cận, Trưởng xuồng trên đảo Len Đao, cho biết các cán bộ, chiến sỹ thay nhau chăm sóc vườn rau xanh. Nhờ đó, lượng rau xanh đủ cung cấp cho lực lượng trên đảo được ngày ba bữa. (Ảnh: Vietnam+)

Thiếu tá Đào Huy Cận, Trưởng xuồng trên đảo Len Đao, cho biết các cán bộ, chiến sỹ thay nhau chăm sóc vườn rau xanh. Nhờ đó, lượng rau xanh đủ cung cấp cho lực lượng trên đảo được ngày ba bữa. (Ảnh: Vietnam+)

Trước mắt chúng tôi là biển cả trong vắt, xanh biếc như mắt mèo. Gió biển mang theo hơi nước mằn mặn lùa vào da thịt. Nếu hít một hơi thật sâu, lồng ngực sẽ căng phồng một bầu không khí trong lành, thơm mùi “sóng nước.”

Say sưa trong câu hát, điệu nhảy cùng các đại biểu và chiến sỹ trên đảo, cô gái Trần Diễm Bảo Châu, Việt kiều đang làm việc tại Google Singapore, long lanh đôi mắt, rạng rỡ tiếng cười, nhiệt tình chia sẻ cảm xúc về trải nghiệm của mình.

“Tôi đã bật khóc! Một cảm xúc lớn lao trào lên và òa về trong tôi! Tôi nhớ là khi còn rất nhỏ, người lớn trong nhà đã nói cho nghe rất nhiều câu chuyện về Trường Sa, Hoàng Sa. Nhưng chỉ khi thực sự đặt chân tới đây, nhìn thấy cuộc sống của những người chiến sỹ nơi những hòn đảo tiền tiêu, được ngắm vầng trăng tròn soi bóng trong lòng Biển Đông, tất cả mọi cảm xúc trong tôi đã hoàn toàn thay đổi so với trước đó. Những câu chuyện trong sử sách hay trên báo chí với tôi đã không còn xa xôi nữa. Chính vì thế, tôi rất trân trọng cơ hội như thế này. Được tham gia Đoàn công tác với tôi là một vinh dự lớn đồng thời là trọng trách, trách nhiệm đưa lại những câu chuyện, hình ảnh của Trường Sa đến với đồng bào tại Singapore, Đông Nam Á… tất cả các bạn bè quốc tế,” Châu nói.

Đại biểu Đặng Thái Minh, kiều bào đến từ Nhật Bản, chia sẻ những cảm xúc khi lên thăm đảo Len Đao. (Nguồn: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Cô gái đến từ Google Singapore này cho biết muốn nhắn nhủ tới các bạn bè người Việt trên khắp năm châu rằng: “Chúng ta đang có một cuộc sống trong hạnh phúc và hòa bình. Nhưng, những điều này không đến một cách tự nhiên và tưởng rằng chiến tranh đã qua rồi. Các bạn hãy thật sự trân quý cuộc sống của mình! Trân trọng những cơ hội có được cuộc sống hòa bình cũng như cơ hội ra được ra khắp thế giới học tập, làm việc và trải nghiệm.”

Châu cũng cho hay: “Đến với đảo, tôi được gặp những người chiến sỹ rất trẻ trung, vô cùng hồn nhiên với tuổi đời mười chín, đôi mươi. Nhưng, họ lại mang bên người trọng trách rất lớn - Nắm chắc tay súng bảo vệ một vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Rất nhiều tình yêu thương của người dân Việt Nam, trong đó có cộng đồng các kiều bào trên thế giới gửi gắm tình cảm, hỗ trợ vật chất cho Trường Sa.”

Châu chia sẻ những việc làm đầu tiên trong hành trình chuyến đi là viết nhật ký mỗi ngày, để kịp thời lưu lại những cảm xúc về biển, đảo và những con người nơi đây. Châu muốn đưa tất cả những điều này đến gần hơn với bạn bè, cộng đồng của mình, bởi không phải ai cũng có cơ hội được đây.

“Tôi hy vọng những chia sẻ của mình đến các kiều bào. Qua đó, họ sẽ hiểu được cuộc sống của các chiến sỹ nơi đây, để có những tình cảm và đóng góp thực tế hơn. Đầy ắp những dự định được gác lại, những người chiến sỹ đã hiến dâng cho tuổi thanh xuân đầy ý nghĩa cho tình yêu tổ quốc. Ở tuổi mười tám, đôi mươi, ngày ngày luyện tập từ sáng đến tối, luôn cầm chắc cây súng, tự hào về nhiệm vụ của mình,” Châu nói.

Luôn mang bên mình cây sáo trúc, bác Đỗ Thuyên, Việt Kiều đến từ Cộng hòa Séc, lúc nào cũng sẵn lòng “réo rắt” cất lên khúc nhạc tràn đầy yêu thương gửi tặng các cán bộ, chiến sỹ trên hành trình ra thăm các đảo.

 Đại biểu Đỗ Thuyên, Việt Kiều đến từ Cộng hòa Séc, lúc nào cũng sẵn lòng “réo rắt” cất lên khúc nhạc tràn đầy yêu thương. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Đại biểu Đỗ Thuyên, Việt Kiều đến từ Cộng hòa Séc, lúc nào cũng sẵn lòng “réo rắt” cất lên khúc nhạc tràn đầy yêu thương. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Bác Thuyên chia sẻ rất yên tâm khi biết các cán bộ, chiến sỹ đã có cuộc sống về vật chất và tình thần được nâng cao. Song, bác cũng không khỏi cảm xúc động và cho biết đang trào lên một cảm xúc lớn lao. Bác biết rằng những người lính sống trên một khu nhà nổi giữa Biển Đông mênh mông, sóng gió, bão, kẻ thù luôn rình rập… là rất khó khăn.

“Tôi cảm nhận được các chiến sỹ của chúng ta rất mạnh mẽ và dũng cảm. Dù thiếu thốn, các chiến sỹ vẫn không quản ngại ngày đêm bảo vệ tổ quốc, bảo vệ những giấc ngủ bình yên đất liền. Tôi rất xúc động và rất khó nói thành lời,” bác Thuyên chia sẻ./.
Bài 1:

27/05/2024 15:51

Bài 2:

Bài 3:

Bài 4:

 Giao lưu văn nghệ giữa Đoàn công tác số 11 và các cán bộ, chiến sỹ trên đảo Len Đao. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

Giao lưu văn nghệ giữa Đoàn công tác số 11 và các cán bộ, chiến sỹ trên đảo Len Đao. (Ảnh: Hạnh Nguyễn/Vietnam+)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/len-dao-kien-cuong-khuc-ca-bi-hung-con-vang-mai-post955995.vnp