Lên thăm làng Én

Thuộc đất Mường Voong xưa, làng Én, xã Cẩm Quý (Cẩm Thủy) là một thung lũng rộng lớn được bao bọc bởi núi đồi. Nơi đây có đại đa số đồng bào Mường sinh sống với những nét đẹp văn hóa được lưu giữ.

Đập Bai Én “dẫn” nước từ suối Én về làng.

Đập Bai Én “dẫn” nước từ suối Én về làng.

Cách trung tâm huyện Cẩm Thủy khoảng hơn 10km về phía Đông Bắc, làng Én (nay là thôn Quý Tân) nằm trong không gian của thung lũng rộng lớn. Dẫn chúng tôi đi thăm làng, trưởng thôn Bùi Đức Chí cho biết: “Bao bọc làng Én chúng tôi 3 mặt là núi đồi. Như núi Đống Sảng, đồi Bừm, đồi Cao, đồi Vin... và phía còn lại là nhìn ra núi Cửa Hà”. Vừa nói, vị trưởng thôn vừa chỉ tay về ngọn núi Cửa Hà ở phía xa, cách làng chừng 4km theo đường chim bay.

Từ những ngọn núi, có một con suối chảy về - người làng vẫn thường gọi là suối Én. Từ nguồn nước ấy, từ rất sớm người làng Én đã biết cách đắp đập Bai Én, tạo nên hồ nước, vừa để sử dụng cho việc tưới tiêu đồng ruộng, cũng vừa là nơi vui chơi, tắm mát và cả học bơi của trẻ con trong làng. Nói đến hồ nước làng Én, có lẽ nhiều người vẫn chưa quên, đây là nơi vận động viên Cao Thị Duyên - người làng Én đã có những tháng ngày tập bơi đầu tiên để sau này trở thành “cô gái vàng” môn lặn tại SEA Games 32 năm 2023.

Nằm trong không gian vùng đất cổ, làng Én có con người đến cư ngụ từ rất sớm. Theo tài liệu lưu giữ và truyền thuyết dân gian, hàng nghìn năm trước, người Mường cổ từ Hòa Bình đã tới đất Mường Voong cùng nhau khai phá đất đai, lập nên Mường lớn. Trên đất làng Én, những thế hệ người Mường đã cùng nhau chung sức đoàn kết, xây dựng nên xóm làng, tạo lập cuộc sống. Có lẽ vì thế, hiện nay ở làng Én đồng bào Mường vẫn chiếm đa số (92%).

Đến nay, các cụ cao niên ở làng Én vẫn kể lại, thuở xa xưa khi nơi đây còn là vùng đất hoang rậm, đất đá lởm chởm, hai ông Kính và Vì đã cần mẫn đêm ngày phát quang cỏ dại, san lấp đất đá để tạo nên những khu ruộng tốt tươi trồng lúa, trồng màu. Và rồi sau đó, hai ông đã rủ nhau đến Mường Bi, Mường Vang (Hòa Bình); Mường Đủ (Thạch Thành)... kêu gọi người các dòng họ: Bùi, Nguyễn, Cao... cùng đến đây dốc sức lập làng. Về sau, có thêm họ Nguyễn Đình với thế lực lớn đã đến đây... Từ những hộ dân đầu tiên, trải qua nhiều thế kỷ, đến nay làng Én đã trở thành một làng quê đông đúc.

Không quên công lao của hai vị tiền nhân đã có công khai hoang lập ấp, về sau dân làng Én đã tôn hai ông Kính và Vì làm Thành hoàng, thờ phụng ở đình làng Én.

Dẫn chúng tôi ra thăm di tích, ông Bùi Đức Chí giới thiệu thêm về di tích. Xưa kia, đình làng Én được dựng lên bởi tranh tre nứa lá, cách đây khoảng 100 năm, sau những lần bàn bạc, người làng Én đã quyết định cùng nhau dốc sức đóng góp tiền bạc để dựng nên ngôi đình bằng gỗ khang trang và vững chãi.

Đình làng Én tọa lạc trên thế đất cao rộng, “ngoảnh nhìn” về hướng Đông Nam, xung quanh là xóm làng, đồng ruộng tốt tươi. Đình làng Én có cấu trúc theo kiểu chữ “Nhất” với 3 gian 2 chái 4 vì kèo, chống đỡ bởi hệ thống cột gỗ.

Người nghệ nhân xưa kia dựng đình không chỉ chú trọng đến sự vững chãi mà còn khẳng định nghệ thuật trang trí tài hoa. Trong đó, nổi bật nhất là những mảng điêu khắc gỗ ở các vì kèo hồi, đầu dư, kẻ hiên.

Đề tài trang trí khá phong phú, là lá cúc cách điệu được chạm nổi ở các “kẻ bẩy” với hình thức sống động; hình hổ phù chạm khắc ở hai “vì hồi” với dáng hình miệng ngậm chữ “Thọ”, mũi lồi, trán dô, xung quanh chạm nổi hình vân mây trông vừa mềm mại mà vẫn đầy sức mạnh. Hình hổ phù biểu trưng cho sức mạnh trấn giữ, thường thấy ở các di tích tín ngưỡng tâm linh của người Việt; hình rồng chạm nổi ở các “đầu dư” với tư thế há miệng, mắt lồi, bờm dựng tạo thành các đao mác “chạy” về phía sau. Cũng như hình hổ phù, hình rồng cũng mang nhiều ý nghĩa biểu trưng, trong đó có sự phồn thịnh. Cùng với đó còn có các hình chạm khắc con lân, phượng (tứ linh)... Theo các nhà nghiên cứu, hoa văn trang trí điêu khắc tại đình làng Én mang đậm nét phong cách kiến trúc nghệ thuật thời Nguyễn (muộn), đậm yếu tố dân gian, gần gũi với đời sống người dân.

Hằng năm, vào ngày mùng 8 tháng Giêng, người dân làng Én lại cùng nhau tập trung về đình làng tổ chức lễ hội đầu xuân. Đây vừa là dịp tưởng nhớ Thành hoàng đã có công lập làng, cũng là để kính cáo, cầu mong thần linh phù trợ cho dân làng có cuộc sống ấm no, mùa màng tốt tươi. Đặc biệt, trong lễ hội đầu năm ở đình làng Én còn có diễn tấu cồng chiêng chứa đựng nhiều ý nghĩa.

Đình làng Én tọa lạc trên thế đất cao rộng.

Đình làng Én tọa lạc trên thế đất cao rộng.

Vừa kể chuyện đình làng Én, trưởng thôn Bùi Đức Chí cũng ngậm ngùi chia sẻ: “Mọi thứ đều sợ thời gian, đình làng Én chúng tôi cũng vậy, tránh sao khỏi sự hư hỏng, xuống cấp. Trải qua thời gian, di tích đã không còn giữ được kiến trúc vốn có. Hơn 10 năm trước, người dân làng Én đã cùng nhau đóng góp kinh phí tu sửa đình nhưng rồi cũng chỉ là chắp vá tạm thời. Những năm gần đây, di tích lại tiếp tục xuống cấp, mỗi ngày thêm nghiêm trọng. Mối mọt phá hủy cấu kiện gỗ, mái đình thì ngói bị mục, vỡ khiến cho mưa dột, nắng chiếu, phải che tạm bằng bạt... Người dân làng Én chúng tôi mong rằng, các cấp chính quyền và ngành chuyên môn quan tâm, hỗ trợ kinh phí để cùng với Nhân dân chung tay trùng tu, giữ gìn di tích”.

Được biết, với những giá trị lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật vốn có, năm 2012 đình làng Én đã được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh.

Là vùng đất cổ có người Mường đến cư ngụ lâu đời, cùng với nỗ lực phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống ấm no, người dân làng Én cũng không ngừng vun đắp, tạo nên những giá trị vật chất - tinh thần mang đậm “sắc thái” văn hóa của đồng bào Mường. Đáng tiếc, trải qua thời gian và những tác động bên ngoài, đã có những giá trị văn hóa truyền thống trên vùng đất Mường cổ bị phai mờ, mất đi. Tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có những “bản sắc” văn hóa vẫn được người dân ý thức giữ gìn, trong đó rõ nhất chính là các lễ tục, trang phục truyền thống.

Về làng Én vào những dịp quan trọng của làng như lễ hội, mừng về nhà mới... không khó bắt gặp hình ảnh người phụ nữ Mường xúng xính trong bộ váy Mường thật đẹp. Màu sắc của bộ trang phục phụ nữ dân tộc Mường ở làng Én không chói chang, rực rỡ mà trang nhã, toát lên nét tính cách chân thành, trầm lắng và không kém phần tinh tế.

Trong nhịp chảy trôi của đời sống hiện đại, đất và người làng Én cũng đang “vươn mình” nỗ lực phát triển từng ngày. Dẫu vậy, về với vùng đất Mường cổ nơi đây, lặng lẽ quan sát, chầm chậm “lắng nghe”, chúng ta vẫn cảm nhận được đâu đó, cái “chất” văn hóa Mường ẩn hiện trong lời ăn, tiếng nói, hành xử, đối đãi chân thành của người dân nơi đây. Dường như, nó như “mạch nguồn” đã thấm sâu vào đất, vào nước và dung dưỡng nên những thế hệ người dân làng Én.

Bài và ảnh: Khánh Lộc

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/len-tham-lang-en-31961.htm