Lịch nghỉ lễ 30/4-1/5 của học sinh cả nước như thế nào?
Dịp lễ 30/4 và 1/5 người lao động nghỉ 5 ngày liên tục. Vậy lịch nghỉ lễ của học sinh ra sao?
Mới đây, Thủ tướng vừa chấp thuận việc hoán đổi ngày làm việc để dịp lễ 30/4 - 1/5 người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục từ 27/4 đến hết 1/5. Theo đó, lịch nghỉ và học bù của học sinh cũng sẽ được điều chỉnh.
Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2023-2024 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã ban hành, các ngày nghỉ lễ, tết được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn hằng năm.
Chiếu theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, lịch nghỉ lễ 30/4-1/5 của học sinh sẽ theo quy định của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tức là nghỉ 5 ngày liên tục (27/4-1/5).
Với việc Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý với đề nghị của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc hoán đổi ngày làm việc để dịp lễ 30/4 - 1/5, người lao động năm nay được nghỉ 5 ngày liên tục từ 27/4 đến hết 1/5.
Chiếu theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, lịch nghỉ lễ 30/4-1/5 của học sinh sẽ theo quy định của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, tức là nghỉ 5 ngày liên tục (27/4-1/5).
Đối với trường hợp các trường học không nghỉ cố định 2 ngày cuối tuần (cấp THCS, THPT vẫn học ngày Thứ Bảy), lịch làm việc và dạy/học bù sẽ thực hiện thế nào?
Về điều này, cơ quan soạn thảo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn, với đơn vị không thực hiện lịch nghỉ cố định thứ Bảy, Chủ nhật hằng tuần, căn cứ chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp, theo đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, trường hợp học sinh cấp THCS, THPT vẫn học nửa ngày thứ Bảy (27/4), lịch học bù sẽ thực hiện theo quy định hướng dẫn cụ thể của từng địa phương.
Theo kế hoạch năm học 2023-2024 của Bộ GD&ĐT, kết thúc học kỳ I trước ngày 15/1, hoàn thành kế hoạch giáo dục học kỳ II trước ngày 25/5 và kết thúc năm học trước ngày 31/5.
Xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học và xét công nhận tốt nghiệp THCS trước ngày 30/6. Hoàn thành tuyển sinh các lớp đầu cấp trước ngày 31/7. Thi tốt nghiệp THPT và các kỳ thi cấp quốc gia theo quy định và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.
Kế hoạch thời gian năm học của địa phương phải bảo đảm số tuần thực học: Đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông có 35 tuần thực học (học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II có 17 tuần). Đối với giáo dục thường xuyên (thực hiện chương trình giáo dục THCS và THPT).
Đối với lớp 9 cấp THCS và lớp 12 cấp THPT có 32 tuần thực học (mỗi học kỳ có 16 tuần). Đối với lớp 6, lớp 7, lớp 8 cấp THCS và lớp 10, lớp 11 cấp THPT có 35 tuần thực học (học kỳ I có 18 tuần, học kỳ II có 17 tuần).
Theo Vietnamnet, tính theo thời gian trên, học sinh 63 tỉnh, thành sẽ được nghỉ hè trước ngày 31/5. Trong trường hợp đặc biệt như thiên tai, dịch bệnh phải nghỉ học, Bộ GD&ĐT cho biết, khung thời gian năm học của Bộ là 37 tuần, trong khi chương trình học được thiết kế chỉ 35 tuần.
Như vậy, mỗi học kỳ đều có một tuần đệm, như là tuần dự phòng để đảm bảo có thể linh hoạt trong xây dựng kế hoạch thời gian năm học tại địa phương. Do đó, các địa phương, nhà trường có thể sử dụng quỹ thời gian này và thời gian kéo dài năm học để bố trí dạy học bù trong trường hợp đặc biệt.
Trúc Chi (t/h)