Lịch sử gia đình: 'Sợi dây' kết nối và xây dựng giá trị
Tháng 10 hàng năm, người dân Hoa Kỳ lại háo hức chào đón Tháng lịch sử gia đình, một dịp đặc biệt để tôn vinh và khám phá lịch sử gia đình. Được Quốc hội chính thức công nhận, đón Tháng lịch sử gia đình không chỉ đơn thuần là việc tìm hiểu về nguồn gốc, mà còn là cơ hội để gắn kết các thành viên trong gia đình và xây dựng giá trị gia đình bền vững.
Tìm về nguồn cội
Từ thời xa xưa, lịch sử gia đình đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc xây dựng và duy trì các giá trị của gia đình, đồng thời tạo ra những kết nối sâu sắc giữa các thành viên. Trong suốt thời Trung Cổ, tầm quan trọng của lịch sử gia đình lớn đến mức các cuốn sách chi tiết về gia phả của mỗi quý tộc ở các quốc gia khác nhau đã được xuất bản.
Ngày nay, lịch sử gia đình không chỉ đơn giản là những câu chuyện về tổ tiên, chuyện về cuộc sống, trải nghiệm của ông bà, cha mẹ khi họ còn trẻ. Việc tìm hiểu và chia sẻ những câu chuyện này giúp gia đình hiểu rõ hơn về cội nguồn, từ đó tạo nên sự gắn bó và lòng tự hào với gia đình. Ở góc độ khác, khoa học nghiên cứu lịch sử gia đình, hay còn gọi là nghiên cứu gia phả, ngày càng trở nên quan trọng trong những năm gần đây. Nhiều bệnh tật di truyền có thể được phát hiện và điều trị sớm thông qua nghiên cứu và theo dõi lịch sử gia đình.
Mối quan tâm với việc nghiên cứu lịch sử gia đình đã xuất hiện từ rất sớm, nhưng trong thời hiện đại có thể nhắc tới một số mốc thời gian quan trọng. Năm 1960, Philippe Arìes xuất bản cuốn sách “Centuries of Childhood” (tạm dịch: Những thế kỷ của tuổi thơ) tại Pháp – một trong những tác phẩm có ảnh hưởng đáng kể đến sự “phục hưng” của lĩnh vực nghiên cứu lịch sử gia đình trong thời hiện đại, chủ yếu ở các quốc gia châu Âu và Mỹ.
Đến những năm 1970, lĩnh vực lịch sử gia đình phát triển như một nhánh riêng biệt của ngành lịch sử với sự liên kết chặt chẽ với xã hội học và nhân học. Năm 1978, những nhà nghiên cứu tiên phong là Louise A. Tilly và Joan W. Scott đã khám phá ra những khía cạnh mới trong nghiên cứu lịch sử gia đình, bao gồm các vấn đề liên quan đến khung pháp lý, sự công bằng trong xã hội, đặc biệt là vấn đề giới.
Năm 2001 là mốc quan trọng nhất khi Quốc hội Hoa Kỳ thông qua một nghị quyết công nhận kỷ niệm Tháng lịch sử gia đình hàng năm vào tháng 10.
Kể từ đó, Tháng lịch sử gia đình hàng năm được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú và đa dạng trên khắp nước Mỹ. Các thư viện địa phương và hội nghiên cứu gia phả tổ chức các sự kiện nhằm khuyến khích người dân tìm hiểu và khám phá lịch sử gia đình. Các buổi hội thảo, triển lãm và buổi chia sẻ kinh nghiệm đã thu hút đông đảo sự quan tâm và tham gia của cộng đồng.
Việc tìm hiểu và chia sẻ lịch sử gia đình không cần phải phức tạp hay tốn kém. Thông thường bắt đầu bằng việc con cháu phỏng vấn các thành viên lớn tuổi trong nhà như ông bà, cha mẹ. Họ hỏi về những kỷ niệm và trải nghiệm của người lớn khi còn trẻ và về những câu chuyện về tổ tiên mà họ biết. Mặc khác, những bức ảnh cũ, thư từ, nhật ký và các tài liệu gia đình khác cũng chứa đựng những thông tin quý giá về lịch sử gia đình. Nhiều người trẻ còn sử dụng các công cụ và trang web trực tuyến để tìm hiểu về phả hệ, lập cây gia đình và khám phá những thông tin mới về tổ tiên.
Một trong những hoạt động nổi bật trong Tháng lịch sử gia đình 2023 là cuộc thi viết về lịch sử gia đình, để người tham gia có cơ hội kể lại những câu chuyện đầy cảm động về gia đình mình. Nhân dịp này, phần lớn các gia đình Mỹ tổ chức các buổi họp mặt, cùng nhau xem lại những bức ảnh cũ, đọc lại những lá thư và nhật ký của tổ tiên, từ đó chia sẻ những kỷ niệm quý báu. Những buổi họp mặt gia đình để chia sẻ và kể lại những câu chuyện gia đình không chỉ giúp tạo ra những kỷ niệm đáng nhớ mà còn giúp các thành viên hiểu rõ hơn về nhau. Việc ghi chép lại những câu chuyện gia đình giúp lưu giữ những kỷ niệm và truyền tải chúng cho các thế hệ sau. Nhiều gia đình đã viết lại những câu chuyện này trong một cuốn sách gia đình hoặc lưu trữ dưới dạng điện tử.
Gắn kết giá trị quá khứ với tương lai
Lịch sử gia đình là “sợi dây” gắn kết quá khứ với hiện tại, giúp tạo lập và gìn giữ những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống gia đình hiện đại. Trước hết, những câu chuyện về những thành công và khó khăn của tổ tiên giúp con cháu cảm thấy tự hào về nguồn gốc của mình và có lòng tự trọng cao hơn. Họ nhận ra rằng mình là một phần của một dòng họ lớn, có những người đã vượt qua nhiều thử thách để tạo nên cuộc sống hiện tại.
Khi biết về lịch sử gia đình, các thành viên trong gia đình cũng cảm thấy sự kết nối mạnh mẽ với các thành viên khác bởi có chung nguồn gốc và hệ giá trị. Những câu chuyện gia đình cũng truyền tải những giá trị và lý tưởng mà tổ tiên đã truyền lại, giúp thế hệ sau hiểu rõ hơn về những gì quan trọng trong cuộc sống và những gì nên phấn đấu để đạt được. Những kỷ niệm và trải nghiệm được chia sẻ về các câu chuyện trong gia đình tạo ra sự cảm thông và tôn trọng lẫn nhau. Về góc độ sức khỏe, nhiều bệnh tật di truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác nên việc biết rõ về lịch sử gia đình giúp nhận biết những bệnh tật tiềm ẩn và có thể phòng ngừa hoặc điều trị kịp thời.
Trong cuốn sách “Bí mật của những gia đình hạnh phúc”, nhà nghiên cứu Bruce Feiler đã chỉ ra rằng những gia đình thường xuyên chia sẻ và kể lại các câu chuyện gia đình có thanh thiếu niên và người trưởng thành trẻ tuổi có lòng tự trọng cao hơn, cảm giác làm chủ cuộc sống tốt hơn và ít lo lắng hơn. Những câu chuyện gia đình giúp xác định rõ hơn về danh tính của mỗi người và giá trị mà gia đình mang lại, từ đó góp phần vào việc xây dựng một cuộc sống gia đình hạnh phúc và ổn định. Trên thực tế, nhiều trường hợp tìm hiểu về nguồn gốc gia đình đã giúp các thành viên gia đình đoàn tụ với nhau sau chiến tranh, thất lạc con cái hoặc thiên tai. Về mặt pháp lý, thông tin gia phả còn có thể được sử dụng để theo dõi tài sản gia đình và các nghĩa vụ thừa kế.
Những câu chuyện gia đình không chỉ là những ký ức về quá khứ mà còn là những bài học quý giá về cuộc sống, giúp mỗi người hiểu rõ hơn về những giá trị mà gia đình đề cao, những truyền thống cần gìn giữ và những lý tưởng mà thế hệ sau nên phấn đấu. Đặc biệt, những câu chuyện này cũng giúp tạo ra một nền tảng vững chắc cho các thế hệ tương lai, giúp họ hiểu rõ hơn về trách nhiệm và vai trò của mình trong gia đình.
Nhìn chung, người Mỹ tôn vinh Tháng lịch sử gia đình bởi trân trọng những giá trị tốt đẹp trong quá khứ và hướng về tương lai. Các gia đình tìm về nguồn cội cũng chính là tìm hiểu về chính mình, hiểu rõ mình là ai, chấp nhận bản thân hiện tại và nỗ lực để lại di sản cho thế hệ sau này. Hiểu về các bệnh di truyền từ thế hệ trước cũng giúp các thành viên đưa ra các quyết định sức khỏe thông minh và xây dựng lối sống lành mạnh. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn hết để duy trì một gia đình hạnh phúc là “sợi dây” kết nối, đồng cảm và chia sẻ giữa các thành viên. Việc hình thành và duy trì mối quan hệ linh thiêng, sâu sắc này có lẽ không khó như mọi người nghĩ. Đơn giản là hãy bắt đầu với những câu chuyện “ngày xửa ngày xưa”.