Liên kết đào tạo với doanh nghiệp: Tháo điểm nghẽn nhân lực cho ngành công nghiệp điện tử

Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đang đứng trước cơ hội phát triển rộng mở, tuy nhiên để tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng cần tháo điểm nghẽn về nhân lực.

Điểm nghẽn nhân lực

Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đang trải qua một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ, đặc biệt đang đứng trước cơ hội lớn được tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng bán dẫn và vi mạch toàn cầu, và Chính phủ đang hết sức nỗ lực để nắm bắt cơ hội vàng này.

Thúc đẩy liên kết với doanh nghiệp về đào tạo nhân lực sẽ góp phần đáp ứng được nhu cầu phát triển cho ngành công nghiệp điện tử. Ảnh: Trường Đại học Sao Đỏ

Thúc đẩy liên kết với doanh nghiệp về đào tạo nhân lực sẽ góp phần đáp ứng được nhu cầu phát triển cho ngành công nghiệp điện tử. Ảnh: Trường Đại học Sao Đỏ

Tuy nhiên, theo bà Đỗ Thúy Hương - Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam vốn, công nghệ, nhân lực là ba yếu tố quan trọng để doanh nghiệp phát triển, tạo động lực để doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách bền vững. “Doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực chế biến, chế tạo hầu hết là doanh nghiệp vừa và nhỏ đang thiếu và yếu vốn, công nghệ đặc biệt là nguồn nhân lực- bà Hương đánh giá.

Theo báo cáo cuộc khảo sát doanh nghiệp do Liên đoàn Tthương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện gần đây cũng cho thấy khoảng 60% số doanh nghiệp được hỏi cho rằng tình trạng thiếu lao động có kỹ năng là một thách thức từ mức độ trung bình đến nghiêm trọng trong lĩnh vực điện tử. Khoảng 50% số doanh nghiệp cũng coi kỹ năng chuyên môn của đội ngũ giám sát và quản lý là một thách thức lớn.

Chia sẻ với Báo Công Thương, ông Nguyễn Thanh Hải – Tổng Giám đốc Công ty Emin Việt Nam – đơn vị chuyên cung cấp thiết bị, giải pháp đo lường tự động hóa trong lĩnh vực điện, điện tử cho hay, ngành công nghiệp điện tử Việt Nam đang có nhiều cơ hội phát triển, đặc biệt khi Việt Nam đang là điểm đến thu hút nhiều nhà đầu tư lớn trên thế giới. “Tuy nhiên, ngoài thiếu và hạn chế về công nghệ, thách thức lớn của ngành công nghiệp điện tử Việt Nam hiện nay vẫn là nhân lục, đặc biệt là nhân lực cấp cao"- ông Hải nói.

Trong nỗ lực thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử phát triển, việc có các chính sách tháo gỡ điểm nghẽn cho doanh nghiệp là hết sức quan trọng. Theo bà Đỗ Thúy Hương, về vốn, tự thân doanh nghiệp rất khó, nên các chính sách cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận một cách thuận lợi, phù hợp ngay khi doanh nghiệp cơ cơ hội kinh doanh. Về công nghệ, ngoài nội lực của doanh nghiệp cũng cần sự hỗ trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước, liên kết hỗ trợ doanh nghiệp trong chuyển giao công nghệ.

Riêng về nhân lực, bà Đỗ Thúy Hương nhấn mạnh, thời gian qua doanh nghiệp cũng phải đóng vai trò đào tạo tay nghề, nên có sự chênh lệnh, khoảng cách với các cơ sở đào tạo. Do đó, mô hình liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh hơn nữa, để tạo động lực và cung cấp cho thị trường lao động đội ngũ có tay nghề, đáp ứng đúng nhu cầu của doanh nghiệp”- bà Hương khuyến nghị.

Từ góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Hải cũng cho rằng, để ngành công nghiệp điện tử phát triển đột phát, một trong những giải pháp đóng vai trò quan trọng hàng đầu chính là con người. "Trong các ưu tiên các nguồn lực để thúc đẩy nhanh hơn cho phát triển của lĩnh vực công nghiệp điện tử, nhà nước cần quan tâm và có các chính sách hỗ trợ công tác giáo dục, đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp, nhất là nhân sự chất lượng cao để đáp ứng được nhu cầu của thị trường, đặc biệt là tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp"- ông Hải cho hay.

Tăng liên kết đào tạo với doanh nghiệp

Với xu thế phát triển Nhà trường theo định hướng đại học ứng dụng, Trường Đại học Sao Đỏ, Bộ Công Thương – một trong những địa chỉ đỏ đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp Việt Nam, đặc biệt là ngành điện tử đã và đang thực hiện sứ mạng đến năm 2025: "Đào tạo gắn với nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ. Học đi đôi với hành, lý thuyết gắn với thực tế, Nhà trường gắn với doanh nghiệp".

Theo đó, trong những năm qua, các khoa, ngành đào tạo của Trường Đại học Sao Đỏ luôn chú trọng đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp, triển khai hàng loạt các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng các yêu cầu của doanh nghiệp. Đối với ngành công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, TS Nguyễn Phương Tỵ - Trưởng Khoa Điện - Trường Đại học Sao Đỏ cho biết, ngành công nghiệp điện tử đang có sự phát triển nhanh chóng trong thời đại 4.0. Vì thế, để sinh viên ra trường đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, cũng như đòi hỏi phát triển của ngành công nghiệp điện tử, Nhà trường, Khoa đã quan tâm đến điều chỉnh chương trình đào tạo, nhất là kết hợp với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo.

Được biết, hiện nay Khoa Điện, Trường Đại học Sao đỏ Khoa có mối quan hệ với khoảng 50 tập đoàn, công ty, doanh nghiệp trong và ngoài nước, tiêu biểu như: Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải; Tập đoàn An Phát; Công ty TNHH Canon Việt Nam; Công ty Samsung Việt Nam; Công ty TNHH Công nghiệp Brother Việt Nam; Công ty cổ phần thép Hòa Phát… Thông qua sự hợp tác với các doanh nghiệp, khoa Điện của Trường Đại học Sao Đỏ thường xuyên đưa sinh viên đến các doanh nghiệp để thực tập, trải nghiệm thực tế.

TS Nguyễn Phương Tỵ chia sẻ, qua các hoạt động trải nghiệm và thực tập, giúp sinh viên làm quen với môi trường doanh nghiệp: Giờ giấc, tác phong, văn hóa doanh nghiệp, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp… Đặc biệt, quá trình tích lũy kiến thức sinh viên sẽ đạt được các kỹ năng như: Phân tích được quy trình công nghệ để thiết kế, lập trình, điều khiển các thiết bị điện, điện tử trong công nghiệp và dân dụng; vận dụng được kiến thức về kỹ thuật điện, điện tử và tự động hóa để phản biện, cải tiến công nghệ, nâng cấp các thiết bị điện và dây chuyền sản xuất trong lĩnh vực kỹ thuật điện, điện tử, tự động hóa...

"Với sự hợp tác cùng doanh nghiệp, trên 90% sinh viên ngành công nghệ kỹ thuật điện, điện tử của Trường Đại học Sao Đỏ có việc làm ngay sau khi tốt nghiệp, đảm nhận được công việc ở các vị trí như: Thiết kế, cải tiến, quản lý, chỉ đạo các công trình điện hoặc hệ thống tự động hóa tại các doanh nghiệp sản xuất lớn"- TS Nguyễn Phương Tỵ cho biết.

Về phía Bộ Công Thương, hiện nay Cục Công nghiệp đã giao Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có việc đào tạo nâng cao nguồn nhân lực, như chương trình đào tạo chuyên gia tư vấn, tạo ra một hệ thống chuyên gia nhằm giúp cho các doanh nghiệp tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả, chất lượng sản phẩm của doanh nghiệp.

Theo đó, Trung tâm Hỗ trợ phát triển công nghiệp đang phối hợp cùng các tổ chức quốc tế và các tập đoàn đa quốc gia như: SamSung, Toyota, Tập đoàn Tài chính Quốc tế (IFC), Trung tâm Tư vấn và Giải pháp Công nghệ Việt - Hàn (VITASK), Viện Công nghệ Công nghiệp Hàn Quốc (KITECH), Đại học Công nghiệp Hà Nội... để tổ chức các chương trình đào tạo. Trong đó, có chương trình điển hình như Chương trình đào tạo hơn 400 chuyên gia về lĩnh vực tư vấn cải tiến sản xuất, thực hiện tư vấn hiện trường tại doanh nghiệp; đào tạo 100 chuyên gia tư vấn chuyển đổi số phát triển nhà máy thông minh (thực hiện theo biên bản ghi nhớ giữa Bộ Công Thương và Samsung Việt Nam).

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lien-ket-dao-tao-voi-doanh-nghiep-thao-diem-nghen-nhan-luc-cho-nganh-cong-nghiep-dien-tu-347922.html