Liên tiếp những ca tiêm filler biến chứng

Nhu cầu về một khuôn mặt đẹp, trẻ trung tăng cao tạo ra số lượng lớn các cơ sở spa - thẩm mỹ viện. Tuy nhiên, không phải tất cả các cơ sở làm đẹp đều đảm bảo chất lượng và an toàn.

Bệnh nhân biến chứng sau tiêm chất làm đầy điều trị tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: BVCC.

Bệnh nhân biến chứng sau tiêm chất làm đầy điều trị tại Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: BVCC.

Thông tin từ Bệnh viện (BV) Việt Đức cho biết, các bác sĩ BV vừa cấp cứu cho 2 trường hợp tai biến nghiêm trọng do tiêm filler (chất làm đầy) làm đẹp. Một trong số đó là chị N.C.T. (31 tuổi, ở Quảng Nam). Chị T. vào viện trong tình trạng bị áp xe hai bên ngực do tiêm filler nâng ngực.

Trước đó, qua mạng xã hội, chị T. thấy một thẩm mỹ viện quảng cáo phương pháp tiêm filler nâng ngực nhanh chóng, hiệu quả nên đã tìm đến. Sau tiêm, chị thấy nổi các khối lổn nhổn trong ngực và thường xuyên sưng đau.

Sau can thiệp hút filler, chị T. có biểu hiện đau tức, sốt cao, dùng kháng sinh không đỡ. Lúc này, vì quá đau đớn và lo sợ chị mới tới BV Việt Đức.

Tại cơ sở y tế này, các bác sĩ nhận định biểu hiện sốt rét run của chị T. báo hiệu các khối áp xe sắp có nguy cơ vỡ nếu vào phổi sẽ gây nguy hiểm tính mạng. Các bác sĩ đã nhanh chóng phẫu thuật lấy chất làm đầy ra khỏi cơ thể người bệnh.

Một ca khác, chị Đ.T.N. (30 tuổi, ở Hà Tĩnh) hiện đang sống và làm việc ở Nhật Bản. Cách đây ít ngày, chị N. tiêm filler vào trán và thái dương tại một cơ sở spa tại Nhật Bản. Khi mới tiêm 0,5cc vào giữa trán chị đã cảm thấy sụp mí, hoa mắt, chóng mặt và nôn mửa. Ngay lập tức chị được tiêm thuốc giải nhưng vẫn cảm thấy khó chịu, nôn nao không đỡ.

Tình trạng bệnh nhân diễn biến xấu đi nhanh chóng, ngay sau đó 1 ngày, mắt chị N. đã gần như mù toàn bộ. Trước tình hình nói trên, bệnh nhân quyết định đặt vé trở về Việt Nam và đến khám tại BV Mắt trung ương, sau đó chuyển đến BV Việt Đức.

Sau 6 ngày can thiệp mạch, mắt phải của nữ bệnh nhân mới có chuyển bến nhẹ, có thể vận động nhãn cầu nhẹ nhàng theo yêu cầu của bác sĩ. Tuy nhiên, bệnh nhân còn phải điều trị lâu dài và có hồi phục được thị lực hay không vẫn còn chưa rõ.

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Hà - Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình – Hàm mặt – Thẩm mỹ, BV Hữu nghị Việt Đức, những biến chứng do phẫu thuật thẩm mỹ như trên không hiếm. “Mỗi năm, Việt Nam có trên dưới chục ca mù hoàn toàn sau khi nâng mũi bằng tiêm chất làm đầy. Thế giới cũng có hàng trăm ca tai biến tương tự. Các biến chứng có thể nhẹ từ như nhiễm trùng nông tới hoại tử da hoặc nặng như sốc phản vệ, sốc nhiễm trùng hoặc tắc mạch gây nguy hiểm đến tính mạng. Đáng nói, đa phần các ca tai biến nặng được thực hiện bởi những cơ sở không có giấy phép thực hành phẫu thuật thẩm mỹ” – PGS.TS Nguyễn Hồng Hà chia sẻ.

Thực tế, vài năm trở lại đây, nhu cầu làm đẹp tăng mạnh, thì cũng là lúc phải đối mặt với một làn sóng các loại hình phẫu thuật thẩm mỹ “chui”.

Rất nhiều cơ sở không được phép như spa, cửa hàng cắt tóc gội đầu, chăm sóc da, phun xăm thẩm mỹ cũng làm phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ. Trong khi đó, theo quy định hiện hành, các phẫu thuật, thủ thuật như nâng ngực, nâng mũi, tạo hình hai mí, độn cằm, tiêm filler hay botox phải được thực hiện tại các cơ sở y tế chuyên khoa được cấp phép và do bác sĩ chuyên ngành tạo hình thẩm mỹ thực hiện.

BS Tạ Thị Hà Phương - Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, BV Da liễu trung ương thông tin: BV đã và đang tiếp nhận một lượng lớn các trường hợp biến chứng sau khi tiêm filler từ những cơ sở "chui". Thực tế, tiêm filler là một phương pháp làm đẹp không cần đến phẫu thuật, thực hiện tại phòng khám dễ dàng, không gây mê hoặc gây tê, và được coi là an toàn với cơ thể. Thế nhưng, điều này chỉ đúng khi thực hiện tại các cơ sở y tế có chuyên môn và uy tín. Bởi lẽ biến chứng do tiêm filler có thể chia làm 2 nhóm chính bao gồm liên quan đến kỹ thuật tiêm, và sử dụng chất làm đầy không được cấp phép. Mà những nguyên nhân này hoàn toàn được đảm bảo không xảy ra tại các cơ sở y tế có chuyên môn.

Các chuyên gia lưu ý người dân trước khi lựa chọn cơ sở thực hiện làm đẹp, thứ nhất, chỉ cơ sở y tế được cấp phép của Bộ Y tế, Sở Y tế mới có chức năng thực hiện các phẫu thuật, thủ thuật tạo hình thẩm mỹ. Thứ hai, bác sĩ thực hiện phẫu thuật cần được đào tạo bài bản đúng chuyên ngành phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và có bằng cấp, chứng chỉ đầy đủ. Thứ ba, tất cả các loại thuốc được sử dụng và chất liệu đưa vào cơ thể đều phải đảm bảo được Bộ Y tế cấp phép lưu hành.

Theo BS Tạ Thị Hà Phương - Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ và phục hồi chức năng, BV Da liễu trung ương, việc lựa chọn cơ sở làm đẹp uy tín, có chuyên môn đã được thẩm định bởi các cơ quan có thẩm quyền, sử dụng những loại thuốc tiêm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cơ quan chức năng cho phép sử dụng rõ ràng là rất quan trọng để tránh gặp phải các biến chứng khó lường khi tiêm filler. Sự lựa chọn kỹ càng này không chỉ mang lại kết quả làm đẹp tốt mà còn đảm bảo an toàn và tránh xa khỏi các biến chứng không mong muốn.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/lien-tiep-nhung-ca-tiem-filler-bien-chung-10285581.html