Liên tục là F1 nhưng không mắc Covid-19

Hiện các trường hợp âm tính sau khi tiếp xúc nhiều F0 chưa có hết giải đáp. Nó có thể do nhiều nguyên nhân, thậm chí chưa phát hiện ra.

M.N. (29 tuổi, Hai Bà Trưng, Hà Nội) là F1 vừa hết thời gian tự cách ly tại nhà. Cách đây một tuần, chồng cô có kết quả test nhanh dương tính với nCoV nên N. trở thành F1. Trong thời gian này, cô vẫn sinh hoạt cùng nhà để theo dõi sức khỏe cho chồng.

Khi F1 "bất tử"

Đây là lần thứ 3 M.N. tiếp xúc gần người mắc Covid-19 nhưng vẫn chưa mắc bệnh. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh tại Hà Nội, cô luôn sống trong tâm trạng thấp thỏm vì lo sợ sẽ mắc bệnh.

"Tôi mắc bệnh hen, tức là khi không nhiễm nCoV thỉnh thoảng cũng thấy khó thở. Không may mắc Covid-19, tôi lo mình sẽ bị nặng. Gia đình cũng có con nhỏ, tôi cũng không muốn thành nguồn lây cho bé nên đã nhờ ông bà ngoại chăm sóc", chị N. nói.

 M.N. chia sẻ kết quả test nhanh âm tính với người thân trong nhóm chat của gia đình. Ảnh: NVCC.

M.N. chia sẻ kết quả test nhanh âm tính với người thân trong nhóm chat của gia đình. Ảnh: NVCC.

Tại công ty người phụ nữ này làm việc, số lượng F0 tăng lên nhanh chóng mỗi ngày. Theo N., cả công ty hàng trăm nhân viên giờ chỉ còn 2-3 trường hợp chưa mắc bệnh, cô là một trong số đó. Mọi người thường gọi cô là "F1 bất tử".

M.T.T.H., 27 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội, cũng chung tâm trạng thấp thỏm như N.. Cô không nhớ mình đã trở thành F1 bao nhiêu lần vì ngày nào đi làm cũng "va" vào F0.

"Lần gần nhất cách đây vài ngày, trong cuộc họp của công ty, tôi đeo khẩu trang nhưng cấp trên nhắc nhở bỏ khẩu trang để tiện trao đổi, bớt xa cách. Tôi cũng không muốn trái lời nên làm theo. Ngay ngày hôm sau, sếp của tôi có kết quả dương tính", cô chia sẻ.

H. ở cùng chồng và con trai 7 tháng tuổi nên rất lo có thể lây bệnh cho người thân nên test nhanh thường xuyên để kiểm tra. Hàng ngày, cô cũng bổ sung các loại vitamin như C, kẽm để tăng cường miễn dịch. May mắn, sau nhiều lần tiếp xúc gần F0 nhưng cô chưa mắc Covid-19.

Nguyên nhân âm tính dù tiếp xúc nhiều

TS Bùi Lê Minh, Trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, Đại học Nguyễn Tất Thành, TP.HCM, cho biết trường hợp âm tính sau khi tiếp xúc nhiều F0 hiện nay chưa có hết các giải đáp. Nó có thể từ nhiều nguyên nhân, thậm chí chưa phát hiện ra.

Theo vị chuyên gia này, trường hợp dễ xảy ra nhất là những người mang virus nhưng không biểu hiện triệu chứng. Họ đã từng nhiễm virus, vì không phát hiện triệu chứng nên thời điểm xét nghiệm có thể đã khỏi và cơ thể đang được hệ miễn dịch bảo vệ tốt. Khi đó, test nhanh vẫn âm tính.

Trường hợp thứ hai là những người có hệ miễn dịch tốt. Virus đã xâm nhập nhưng bị tiêu diệt ngay hoặc không bao giờ đủ sinh sôi tới ngưỡng phát hiện của các xét nghiệm.

Trường hợp thứ ba là những người có tế bào T hoặc kháng thể sinh ra do có lịch sử tiếp xúc loại coronavirus khác hoặc một số virus như cúm mùa.

Những yếu tố này có thể xuất hiện ngay trong xoang mũi và tiêu diệt virus trước khi có thể tái bản. Do đó, những người này không bị nhiễm bệnh, cũng không có kháng thể đặc hiệu cho SARS-CoV-2 trong máu.

Ở Anh, một cuộc khảo sát cho thấy 15% nhân viên y tế của London thường xuyên tiếp xúc bệnh nhân mà không bị nhiễm nhờ phát triển tế bào T nhiều và đặc hiệu với SARS-CoV-2.

 Nhiều lý do để giải thích cho việc các F1 vẫn luôn âm tính dù tiếp xúc nhiều lần với F0. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.

Nhiều lý do để giải thích cho việc các F1 vẫn luôn âm tính dù tiếp xúc nhiều lần với F0. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.

Trường hợp thứ tư là một số người mang đột biến hiếm gặp làm thay đổi cấu trúc thụ thể cho SARS-CoV-2 nên virus không xâm nhập được vào tế bào của họ. Trường hợp này đã xảy ra với một số bệnh khác do virus gây ra như HIV, sốt rét hay bệnh do norovirus. Những người miễn nhiễm với HIV có mang đột biến trong cấu trúc thụ thể CCR5 là một ví dụ cho những trường hợp này.

Hồi tháng 5/2021, một công bố trên tạp chí khoa học Plos One đã đưa ra ước tính dựa trên các biến dị trình tự thụ thể ACE2 ở người để xác định tỷ lệ những người có xu hướng kháng lại SARS-CoV-2 hoặc mẫn cảm với virus này. Nghiên cứu ước tính trong 100.000 người, 320 tới 365 người mang ACE2 có ái lực thấp với protein gai của SARS-CoV-2.

Đây là nhóm người khó bị nhiễm bệnh hơn dù tiếp xúc cùng nguồn virus với những người khác. Ngược lại, trong 100.000 người, 4-12 trường hợp lại mang loại ACE2 làm protein gai bám tốt hơn và dễ dẫn tới việc nhiễm hoặc triệu chứng nặng.

Theo TS Lê Minh, việc trở thành F1 nhiều lần nhưng không mắc Covid-19 có thể là do sự kết hợp của các yếu tố này và thời điểm tiếp xúc người bệnh.

"Nếu một người có hệ miễn dịch tốt, đeo khẩu trang khi tiếp xúc F0 từ khoảng một tuần sau ngày phát bệnh, nguy cơ lây nhiễm cũng giảm đi nhiều. Nhìn chung, chúng ta rất khó có thể xác định được nguyên nhân thực sự tại sao một người tiếp xúc nhiều mà không mắc bệnh", TS Lê Minh cho hay.

Ông khuyến cáo người dân không nên chủ quan. Có khá nhiều câu chuyện về những cá nhân tiếp xúc liên tục bệnh nhân trong 1-2 năm không mắc bệnh rồi đột nhiên dương tính không phát hiện ra nguồn lây.

"Bạn chưa mắc Covid-19 không có nghĩa sẽ an toàn mãi mãi. Vì vậy, người dân vẫn nên cẩn trọng, trừ khi biết chắc chắn bản thân ở nguyên nhân thứ tư. Tuy nhiên, trường hợp này với cá nhân rất khó xác định", TS Minh nói.

Khi sống cùng F0, F1, chúng ta nên ở riêng phòng. Các hoạt động ăn uống, tắm, giặt đồ... cần tách biệt. Ngoài ra, F1 và F0 cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc nhau. F1 cần tự theo dõi sức khỏe của bản thân trong quá trình cách ly chung với F0.

Phương Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lien-tuc-la-f1-nhung-khong-mac-covid-19-post1300361.html