Liệt nửa người vì sự chủ quan nhiều người mắc phải
Cảm thấy mệt nhưng chỉ nằm nghỉ tại nhà thay vì đi khám, người đàn ông nhập viện trong tình trạng liệt nửa người, nói khó.

Người bệnh phục hồi chậm, khả năng để lại biến chứng cao. Ảnh: BVCC.
Người đàn ông 36 tuổi được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn trong tình trạng tỉnh táo nhưng phản ứng chậm, yếu liệt nửa người bên phải. Trước đó khoảng 13 giờ, khi đang làm việc, anh bắt đầu có biểu hiện đau đầu, nói khó, yếu nửa người.
Tuy nhiên, do không được phát hiện kịp thời, khi đến bệnh viện, người bệnh đã trong tình trạng xuất huyết não nặng, không còn khả năng can thiệp phẫu thuật và buộc phải điều trị nội khoa kéo dài. Dù đã được tích cực điều trị, bệnh nhân hồi phục rất chậm.
Một trường hợp khác là nam bệnh nhân 42 tuổi (phường Tam Thanh, tỉnh Lạng Sơn) được đưa đến bệnh viện trong tình trạng liệt nửa người, nói khó. Theo người nhà, buổi sáng bệnh nhân cảm thấy mệt nên nằm nghỉ ở nhà mà không có người theo dõi.
Đến trưa, khi người thân đi làm về mới phát hiện ông không nói được, liệt nửa người nên lập tức đưa đi cấp cứu. Tại bệnh viện, các bác sĩ xác định bệnh nhân bị xuất huyết não nặng, không thể can thiệp ngoại khoa mà phải điều trị nội khoa dài ngày, có khả năng để lại biến chứng.
Tai biến mạch máu não là bệnh lý gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam và trên thế giới với tỷ mắc ngày càng cao và có xu hướng trẻ hóa trong những năm gần đây. Gần đây, bệnh nhân trẻ tuổi tai biến mạch máu não vào điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lạng Sơn có xu hướng gia tăng, đặc biệt các dấu hiệu tai biến mạch máu não ở người trẻ ít được phát hiện sớm, dẫn đến chậm trễ thời gian vàng cấp cứu.
Theo thống kê từ đầu năm 2025 đến nay, các bác sĩ khoa Tâm thần - Thần kinh, Bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn, đã tiếp nhận khoảng 20% bệnh nhân tai biến mạch máu não là người trẻ tuổi, với nhiều thể bệnh như nhồi máu não, xuất huyết não.
Đây là con số đáng báo động trong bối cảnh ngày càng có nhiều người trẻ gặp vấn đề sức khỏe nghiêm trọng do lối sống thiếu lành mạnh, áp lực công việc kéo dài, stress, ít vận động, lạm dụng chất kích thích, thức khuya…
Các bác sĩ cảnh báo, tai biến mạch máu não nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời trong “giờ vàng” (4,5 giờ đầu sau khởi phát triệu chứng), nguy cơ tử vong cao. Nếu may mắn được cứu sống, bệnh nhân cũng có thể phải chịu di chứng lâu dài như liệt nửa người, méo miệng, rối loạn ngôn ngữ, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, công việc và trở thành gánh nặng cho gia đình.
Các bác sĩ khuyến cáo người trẻ cần chủ động phòng tránh bằng cách xây dựng lối sống khoa học: Không hút thuốc lá, hạn chế rượu bia, không lạm dụng thực phẩm chế biến sẵn, giữ tinh thần thoải mái, thường xuyên vận động thể chất và khám sức khỏe định kỳ.
Khi bản thân hoặc người xung quanh xuất hiện những dấu hiệu như méo miệng, liệt mặt, tê yếu tay chân một bên, môi lưỡi tê cứng, nói khó hoặc không nói được, nhìn mờ, đau đầu dữ dội… cần đưa đến cơ sở y tế có khả năng chẩn đoán và điều trị đột quỵ càng sớm càng tốt. Tuyệt đối không nên chờ đợi người bệnh tự hồi phục hay dùng các biện pháp dân gian truyền miệng, để tránh bỏ lỡ thời gian vàng trong điều trị.