Lo cho nguồn nhân lực ngành logistics

Mặc dù được đánh giá là ngành dịch vụ có tiềm năng phát triển lớn, có vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế, nhưng nguồn nhân lực của ngành logistics (dịch vụ hậu cần) chỉ đáp ứng khoảng 40% nhu cầu.

Theo kết quả khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), 50% số doanh nghiệp logistics có nhu cầu cần tuyển dụng thêm 15 - 20% nhân viên. Trong khi đó, số lao động được đào tạo bài bản về dịch vụ logistics chỉ chiếm khoảng 5 - 7% số lao động hiện đang làm việc trong lĩnh vực này.

Khó tuyển dụng nhân lực chất lượng cao

Sáng ngày 20/6, tại Hội thảo: Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao logistics và Chuỗi cung ứng toàn cầu trong xu thế chuyển đổi số", TS Bùi Thái Quang, Viện trưởng Viện Hải quan - Thuế - Kho bạc, cho rằng hiện nay phát triển kỹ năng nguồn nhân lực là một trong ba chiến lược mang tính đột phá cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Trong đó, Logistics được xác định là ngành dịch vụ quan trọng của nền kinh tế quốc dân, hỗ trợ kết nối và phát triển kinh tế.

Tốc độ phát triển hằng năm của ngành logistics Việt Nam đạt từ 14-16%, quy mô 40-42 tỷ USD/năm. Logistics hiện đang là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam. Sự lên ngôi của các xu hướng vận chuyển và chuỗi cung ứng mới trong nền kinh tế số đã giúp Việt Nam trở thành 1 trong 29 trung tâm logistics thuộc Chương trình hộ chiếu Logistics thế giới.

Việt Nam sẽ thiếu hơn 200.000 nhân lực chất lượng cao ngành logistics.

Việt Nam sẽ thiếu hơn 200.000 nhân lực chất lượng cao ngành logistics.

Còn theo bảng xếp hạng Agility 2024, thị trường logistics Việt Nam đứng thứ 10/50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tại Đông Nam Á, Việt Nam đứng sau 3 nước Malaysia, Indonesia và Thái Lan, xếp trên Philippines, Myanmar và Campuchia.

Hiện các nhu cầu về cảng, kho bãi và giao nhận hàng hóa đang ngày càng tăng. Lĩnh vực này đang tiếp tục có những nhu cầu phát triển kỹ năng nguồn nhân lực, đặc biệt là để đáp ứng xu hướng số hóa.

Mục tiêu của Việt Nam đến 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%-20%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP.

PGS.TS Đoàn Hồng Lê, Trường Đại học Duy Tân chia sẻ: Việt Nam đang có hơn 3.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó 89% là doanh nghiệp trong nước, 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Tuy nhiên, nhân lực logistics vẫn chưa đáp ứng đủ.

“Dự báo tới năm 2030, ngành logistics cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực, trong đó có hơn 200.000 nhân lực chất lượng cao. Vì vậy, việc xây dựng năng lực lao động và gắn kết doanh nghiệp trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được đặt ra rất bức thiết”, ông Lê cho hay.

Chia sẻ về thực trạng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics, hầu hết các doanh nghiệp cho biết, hiện nay doanh nghiệp rất khó tuyển dụng lao động chất lượng cao.

Năm 2023 quy mô thị trường logistics toàn cầu đạt gần 9.000 tỷ USD, dự kiến sẽ tăng lên 18,23 nghìn tỷ USD năm 2030.

Ông Nguyễn Xuân Hùng, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Dịch vụ Vận tải đường sắt Ratraco, cho hay, trong những năm gần đây thương mại điện tử (TMĐT) phát triển mạnh, nhưng Việt Nam đang thiếu hoạt động cung cấp dịch vụ logistics, trong khi xu hướng logistics tại các nước trên thế giới đã thay đổi rất nhiều.

“Dịch vụ cung cấp logistics của Việt Nam vẫn chủ yếu làm theo phương thức truyền thống. Hiện nay logistics chủ yếu tập trung 40% tổng giá trị hàng hóa phân phối qua kênh bán lẻ (truyền thống), chỉ có 5-6% phân phối qua kênh điện tử. Tuy nhiên, xu hướng TMĐT xuyên biên giới phát triển rất nhanh nên thị trường lao động trong lĩnh vực này đang thiếu”, ông Hùng cho hay.

Trong khi đó, để đáp ứng nhu cầu phát triển, doanh nghiệp phải tự tuyển dụng và đào tạo, theo ông Hùng, sinh viên mới ra trường khi về doanh nghiệp phải 6 tháng đến 1 năm mới làm được việc. Doanh nghiệp phải tổ chức rất nhiều lớp đào tạo ngắn hạn về nghiệp vụ cho nhân viên.

Chất lượng nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu

Theo nhận định của các chuyên gia, tại Việt Nam hiện vẫn đang có sự mất cân đối giữa các lĩnh vực đào tạo, ngành nghề, nhất là ở những ngành nghề mới, đòi hỏi lực lượng nhân lực có kỹ năng như logistics hay gần đây là chíp bán dẫn, khi các doanh nghiệp FDI đang có định hướng đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực này.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực logistics, hay chíp bán dẫn gần như mới chỉ có vài trường có ngành đào tạo nhưng với số lượng rất ít. Việc mất cân đối trong vấn đề tuyển sinh, đào tạo dẫn đến mất cân đối cung ứng nhân lực cho các ngành kinh tế.

“Hiện nay tuyển sinh học đúng chuyên ngành logistics rất khó. Đào tạo chưa gắn liền với thực tiễn như kết hợp với doanh nghiệp, các mô hình, phương pháp giảng hiện nay chủ yếu là giảng 'chay'. Hiện nay mới có trường Đại học Hàng Hải có trung tâm đào tạo logistics do Nhật Bản tài trợ. Ngoài ra, chương trình đào tạo mỗi trường một kiểu”, TS Bùi Quý Thuấn, Trường Đại học Phenikaa thông tin.

Từ thực trạng trên, dẫn đến việc nhiều sinh viên khi vào làm việc tại doanh nghiệp không phân loại được các loại hàng hóa. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đánh giá, ngành Logistics chưa được "Việt hóa" để phụ huynh, học sinh thực sự hiểu đây là ngành gì.

"Ví dụ với các ngành công nghệ ôtô, sửa chữa ôtô, điện tử... nhắc đến tên ngành, người dân đã hiểu ngay ngành này là làm gì. Nhưng ngành Logistics ở Việt Nam vẫn là mô hình mới mẻ, trong khi nhu cầu nhân lực dành cho ngành này càng ngày càng cao", một doanh nghiệp nói.

Để xây dựng nguồn nhân lực trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam, nhiều ý kiến cho rằng cần sự tham gia và cam kết tích cực của các bên liên quan bao gồm Chính phủ, chính quyền địa phương, các doanh nghiệp logistics và các trường dạy nghề. Đặc biệt, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên trách với doanh nghiệp nhằm xác định chính xác nhu cầu lao động và tuyển dụng. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị thuộc lĩnh vực logistics…

Ông Bùi Thái Quang nêu rõ, yêu cầu về chất lượng trình độ chuyên môn và kỹ năng của nhân lực logistics ngày càng cần nâng cao. Đặc biệt nguồn lao động có kiến thức chuyên môn sâu về ngành, kỹ năng ngoại ngữ, ứng dụng công nghệ thông tin, kỹ năng giao tiếp, đàm phán... sẽ là yếu tố then chốt giúp nâng cao năng lực của doanh nghiệp.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//thi-truong/lo-cho-nguon-nhan-luc-nganh-logistics-1100532.html