Lô hội không chỉ làm đẹp da mà còn giúp thanh nhiệt, nhuận tràng
Lô hội là một loại cây rất quen thuộc, không chỉ làm đẹp da khi dùng ngoài mà còn có tác dụng thanh nhiệt, nhuận tràng... khi uống.
1. Tác dụng dược lý chính của lô hội
Lô hội còn gọi là nha đam, tượng đảm, du thông, lưỡi hổ, hổ thiệt, long tu (Bình Định).
Tên khoa học Aloe sp. Thuộc họ Hành tỏi Liliaceae.
Vị thuốc lô hội (Aloe) là dịch cô đặc của lá nhiều loài cây lô hội (có khi gọi là cây hổ thiệt - lưỡi hổ - vì lá giống lưỡi hổ).
Lô hội được dùng cả trong đông y và tây y.
Lô hội có nhiều loài khác nhau, thường có ở đông châu Phi (từ nam chí bắc đều có), Ấn Độ, châu Mỹ.
Tại nước ta, cây lô hội mọc hoang ở bờ biển các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Ở miền Bắc được trồng làm cảnh nhưng ít hơn.
Theo ThS.BS. Nguyễn Quang Dương - Trưởng khoa Ung bướu Bệnh viện Tuệ Tĩnh, lô hội có hai tác dụng dược lý:
Liều nhỏ (0,05-0,10g): Là một vị thuốc bổ, giúp tiêu hóa tốt, dùng trong các trường hợp ăn uống không tiêu vì nó kích thích nhẹ niêm mạc ruột và làm tăng nhu động ruột, không cho cặn bã ở lâu trong ruột.
Liều cao (0,15-2g): Là một thuốc tẩy mạnh, nhưng tác dụng chậm, gây sung huyết ở các cơ quan trong ổ bụng, nhất là ruột già.
Theo tài liệu cổ, lô hội vị đắng, tính hàn, vào 4 kinh can, tỳ, vị và đại tràng; có tác dụng sát khuẩn, thông tiện, thanh nhiệt, lương can; dùng chữa cam tích, kinh giản, táo bón ở trẻ em.
2. Đơn thuốc nhuận tràng có lô hội
Viên nhuận tràng gồm: Bột lô hội 0,08g, cao mật bò tinh chế 0,05g, phenoltalein 0,05g, bột cam thảo 0,05g, tá dược vừa đủ một viên.
Dùng chữa táo bón, khó tiêu vì thiếu nước mật, vàng da, yếu gan, yếu ruột. Ngày uống 1-2 viên vào bữa cơm chiều. Không dùng cho trẻ em dưới 15 tuổi.
3. Gel tươi lô hội giúp đẹp da
Gel tươi lô hội cung cấp độ ẩm, chống khô da, nẻ da, tẩy tế bào chết, tái tạo tế bào da, cung cấp vitamin và dưỡng chất làm da mịn màng; diệt khuẩn, chống mụn nhọt; chống tia cực tím.
- Chống sạm da do nắng: Bôi gel tươi lô hội lên mặt và tay trước khi ra nắng.
- Chống độc tố của côn trùng: Sau khi bị muỗi, kiến đốt… bôi ngay gel tươi lô hội sẽ hết đau, hết ngứa.
- Chữa bỏng nông do nhiệt: Bôi ngay gel tươi lô hội lên nơi bị bỏng, sau đó 30 phút lại bôi 1 lần.
- Tẩy da khô, sạch mụn, chống nẻ, đẹp da: Thoa gel tươi lô hội lên da mặt, để yên trong 20 phút rồi rửa sạch trước khi ngủ (ngày 1 lần, liên tục 5-10 ngày).
- Chữa vết thâm đen hoặc nhiều mụn trên mặt: Trộn nước ép nghệ tươi với gel tươi lô hội (tỷ lệ 1 nước ép nghệ tươi + 2 gel tươi lô hội), đắp mặt nạ 20 phút, sau đó rửa sạch (3 ngày 1 lần, liên tục 5-10 lần).
- Chữa mụn: Trộn gel tươi lô hội với mật ong tỷ lệ 5 lô hội + 1 mật ong. Đắp mặt nạ 20 phút, sau rửa sạch (3 ngày 1 lần, liên tục 5-10 lần).
Lưu ý khi dùng lô hội
- Lô hội có tác dụng tẩy mạnh, vì vậy, nên giảm liều hoặc ngưng thuốc nếu có hiện tượng đi ngoài phân lỏng.
- Người đã bị đi ngoài phân lỏng thì không nên dùng lô hội.
- Nên thận trọng khi dùng cho người cao tuổi vì có thể gây tổn thương chính khí.
- Phụ nữ có thai và người tỳ vị hư nhược, bị trĩ không dùng.
- Dùng liều quá cao (8g) có thể gây ngộ độc chết người.