Lo ngại gia tăng các ca sốt rét ngoại lai

Hiện các ca sốt rét ngoại lai đang chiếm tỷ lệ khá cao trong số ca mắc, cần được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bảo vệ thành quả phòng chống sốt rét.

Điều trị ca mắc sốt rét tại cơ sở y tế.

Điều trị ca mắc sốt rét tại cơ sở y tế.

Ngày 25/4, tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới Phòng, chống sốt rét (25/4) do Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương tổ chức, TS. BS Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương cho biết: Năm 2024, Việt Nam ghi nhận 353 ca bệnh sốt rét, không có ca tử vong. Trong đó, có tới 111 trường hợp là các ca sốt rét ngoại lai đến từ nước ngoài (chiếm 31,4%), trong đó chủ yếu từ các nước châu Phi (94 trường hợp) và Lào (8 trường hợp). Riêng 4 tháng đầu năm 2025, cả nước ghi nhận 24 trường bệnh nhân sốt rét trong đó có tới 14 trường hợp sốt rét ngoại lai từ nước ngoài (chiếm 58,3%).

Theo đánh giá của các chuyên gia, các ca sốt rét ngoại lai đang chiếm tỷ lệ khá cao trong các ca sốt rét hiện nay.

Về tình hình kiểm soát bệnh sốt rét trong nước, theo TS. Hoàng Đình Cảnh, hiện cả nước đã có 48 tỉnh, thành phố được công nhận đã loại trừ bệnh sốt rét. Số trường hợp nhiễm ký sinh trùng sốt rét đã giảm gần 75% sau 5 năm (từ năm 2020-2024); số trường hợp sốt rét ở trẻ em dưới 5 tuổi và nhóm tuổi 6-15 tuổi cũng đã giảm sâu (giảm 86% và giảm 62% tương ứng các nhóm tuổi). Các địa phương có số bệnh nhân sốt rét cao trong những năm trước đây như Khánh Hòa, Lai Châu, Quảng Trị... đã giảm rất nhiều trong đầu năm 2025.

TS. BS Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.

TS. BS Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét – Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương.

Với những thành tựu này, Việt Nam đã đạt được mục tiêu Chiến lược quốc gia phòng chống và loại trừ bệnh sốt rét ở Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Cụ thể, Việt Nam đã khống chế tỷ lệ mắc sốt rét dưới 0,15 ca/1.000 dân; tỷ lệ tử vong do sốt rét dưới 0,02 ca/100.000 dân vào năm 2020 và loại trừ sốt rét vào năm 2030.

Theo TS. Hoàng Đình Cảnh, trong thời gian tới, Việt Nam cần tập trung công tác điều trị kịp thời các ca bệnh sốt rét ở khu vực còn đang lưu hành bệnh. Đồng thời, chủ động phòng chống sốt rét quay trở lại tại các tỉnh, thành phố đã loại trừ sốt rét. Đặc biệt, cần phát hiện sớm và điều trị kịp thời các trường hợp sốt rét ngoại lai.

Theo đó, sốt rét là căn bệnh nguy hiểm do muỗi truyền, chưa có vaccine nhưng có thể phòng ngừa và điều trị khỏi. Vì vậy, việc phòng chống muỗi truyền bệnh vẫn là biện pháp hữu hiệu nhất thông qua nhiều phương pháp khác nhau như diệt muỗi bằng hóa chất hoặc ngăn sự tiếp xúc giữa người và muỗi truyền bệnh như làm rèm ở các khoảng không gian còn trống, làm lưới chắn côn trùng để ngăn muỗi bay vào nhà đốt người, ngủ màn, kem xua muỗi...

Ngày Thế giới Phòng, chống sốt rét năm nay có chủ đề “Dồn tổng lực để loại trừ sốt rét: Tăng cường đầu tư; Đổi mới, sáng tạo; Quyết tâm hành động” thể hiện sự nỗ lực của hệ thống y tế và sự đồng lòng của toàn thể xã hội, khẳng định quyết tâm Việt Nam sẽ duy trì thành quả loại trừ sốt rét và đẩy lùi được bệnh sốt rét trước năm 2030

Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/y-te/lo-ngai-gia-tang-cac-ca-sot-ret-ngoai-lai-20250425155943464.htm