Loài cá quý như nhân sâm, chỉ có ở Hoàng Liên Sơn, muốn săn bắt cũng phải dùng cách độc nhất vô nhị

Nếu như bình thường người ta hay câu, bẫy cá suối thì loại cá quý hiếm này lại phải 'chuốc say' bằng loại bột vô cùng đặc biệt mới có thể bắt được chúng.

Cá đắng là loài cá quý hiếm sống trên suối Sàng Mà Pho ở trên dãy Hoàng Liên Sơn, thuộc xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ tỉnh Lai Châu. Loài cá này được ví như "lộc trời", nhân sâm nước vì vừa là thức ăn, vừa được xem như vị thuốc đại bổ.

Suối cá đắng ở Lai Châu

Suối cá đắng ở Lai Châu

Cá đắng có kích thước khá nhỏ, chỉ cỡ bằng ngón tay hoặc to hơn một chút. Lưng cá màu đen bóng, bụng cá màu trắng, vây xen lẫn sọc đỏ, có vài nét khá giống với cá bống thông thường. Loài cá này từ thịt tới ruột đều có vị đắng, nguyên nhân là vì từ ngày xưa có những khe núi chảy qua những trảng bạt ngàn cây hoàng liên (một loại cây thuốc quý, có vị đắng) khiến cho nước và rêu mọc nơi đây có vị đắng. Khi cá đắng ăn vào, toàn thân nó cũng có vị đắng nhưng kèm theo đó là vô số công dụng tốt cho sức khỏe.

Cá đắng trưởng thành

Cá đắng trưởng thành

Tất nhiên, để bắt được loài cá đắng quý hiếm này không phải là chuyện đơn giản. Muốn đến nơi có cá đắng phải chạy xe máy hàng tiếng đồng hồ để đi vào trong rừng sâu. Chưa hết, cá đắng là loài rất khôn, lại có số lượng ít nên khó có thể dùng cần câu dụ chúng. Người dân nơi đây thường dùng một loại bột vỏ cây có nhựa có độc tính không cao không hại đến sức khỏe con người, khi hòa vào dòng suối tạo thành màu đỏ thẫm như máu. Cá bơi qua "nếm" phải nước này lập tức say và ngoi lên trên mặt nước, đợi đến lúc tỉnh thì cũng đã nằm gọn trong giỏ của người đi "săn" cá rồi.

Cá đắng thường được nấu canh hoặc nướng lên để giữ nguyên giá trị dinh dưỡng của chúng. Thịt cá thanh mát, vị đắng tràn vào đầu lưỡi rồi nhanh chóng tan thành vị ngọt lạ, vô cùng hấp dẫn. Cá đắng có thể xem là "đặc sản" của Hoàng Liên Sơn, ai cũng muốn được thử qua một lần khi đến đây. Tuy nhiên, hiện tại số lượng loài này đang sụt giảm nhiều nên phải cực kì may mắn và chịu khó trải nghiệm mới có thể được thưởng thức nó.

Một người dân ở bản Sin Súi Hồ kể ngày xưa có những khe núi chảy qua những trảng bạt ngàn cây hoàng liên (một loại cây thốc quý) nên nước khe, rêu đá cũng có vị đắng

Theo SHTT&ST

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/loai-ca-quy-nhu-nhan-sam-chi-co-o-hoang-lien-son-muon-san-bat-cung-phai-dung-cach-doc-nhat-vo-nhi/20231113081716601