Loại Nga khỏi SWIFT, biện pháp trừng phạt của phương Tây có thể phản tác dụng
Giới chuyên gia đánh giá quyết định chặn Nga khỏi hệ thống SWIFT có thể khiến phương Tây hứng chịu những tác động dội ngược lại.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tuyên bố các ngân hàng Nga sẽ bị chặn khỏi hệ thống liên ngân hàng quốc tế SWIFT. EU, Anh, Canada và Mỹ đã nhất trí thực hiện biện pháp này để phản đối chiến dịch đặc biệt của Nga tại Ukraine.
Bà Suranjali Tandon, Phó giáo sư tại Viện Chính sách và Tài chính Công quốc gia Ấn Độ, cho rằng để dự đoán tác động của lệnh cấm trên, cần phải đánh giá số lượng ngân hàng đang sử dụng SWIFT và quy mô của các giao dịch được thực hiện thông qua hệ thống này.
Hiệp hội Viễn thông Tài chính Liên ngân hàng Toàn cầu (SWIFT) là một tổ chức độc lập có trụ sở tại Bỉ, là một hệ thống nhắn tin nội bộ giữa hơn 11.000 ngân hàng và tổ chức tài chính tại hơn 200 quốc gia.
Một số ngân hàng lớn của Nga, trong đó có Sberbank và VTB, nhiều khả năng sẽ bị ngắt kết nối khỏi hệ thống trong những ngày tới. Các nhà lãnh đạo phương Tây cũng khẳng định đã áp dụng các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn Ngân hàng Trung ương Nga sử dụng các khoản dự trữ quốc tế để giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt.
Ngân hàng Vnesheconombank của Nga (VEB) tuyên bố rằng sau khi bị ngắt kết nối với SWIFT, quốc gia này sẽ chuyển sang hệ thống nhắn tin tài chính (SPFS) của Ngân hàng Trung ương Nga và các kênh thay thế.
Chưa rõ lợi hay hại nhiều hơn
Phó Giáo sư Tandon cho hay năm 2014, Nga đã bắt đầu chuyển sang hệ thống thanh toán thay thế tên là SPFS. Vì vậy, các lệnh trừng phạt hiện tại có thể không đạt được tác động như dự tính. Theo trang web của Ngân hàng Trung ương Nga, ít nhất 331 ngân hàng, cả trong nước và nước ngoài, đã tham gia sử dụng hệ thống SPFS.
Mặt khác, việc Nga bị loại khỏi SWIFT cũng làm chậm lại hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu và dòng vốn giữa nước này và các đối tác thương mại. Theo chuyên gia Tandon, điều này sẽ gây phản tác dụng đối với mọi quốc gia duy trì thương mại hoặc phụ thuộc vào nguồn cung cấp năng lượng từ Nga, trong đó có các nước EU.
Theo các nhà quan sát quốc tế, tình hình sẽ càng trở nên trầm trọng hơn trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn còn yếu ớt do đại dịch COVID-19 và các biện pháp phong tỏa chống dịch. Trong khi đó, các nền kinh tế Mỹ và châu Âu đang trải qua lạm phát tăng vọt với giá năng lượng phi mã. Bên cạnh đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo việc Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất sắp tới có thể dẫn đến một làn sóng khủng hoảng nợ đối với các nền kinh tế thế giới thứ ba.
Thách thức thế thống trị của SWIFT
Theo Christopher Bovis, Giáo sư luật kinh doanh quốc tế tại Đại học Hull, không loại trừ khả năng Nga chuyển sang sử dụng hệ thống thanh toán tài chính riêng. Động thái này sẽ khuyến khích các quốc gia không liên kết với SWIFT khác tìm kiếm giải pháp thay thế đối với các hệ thống thanh toán do phương Tây kiểm soát. Tình thế trên có thể đặt ra thách thức với vai trò thống trị của SWIFT trong thị trường tài chính thế giới.
Một số nhóm nước cũng có thể tạo dựng nền tảng riêng, điển hình như là nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) với tổng dân số 3,23 tỷ người, chiếm hơn 40% dân số thế giới.
Người đứng đầu Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga Alexander Shokhin hôm 25/2 đã đề xuất nhóm BRICS lập hệ thống thanh toán riêng. Ông Sergio Rossi, giáo sư kinh tế vĩ mô và kinh tế tiền tệ tại Đại học Fribourg (Thụy Sĩ) đánh giá phương án này khá khả thi trong điều kiện áp lực trừng phạt ngày càng tăng đối với Nga.
Ông Rossi nói: “Hệ thống này có thể cung cấp giải pháp thay thế hữu hiệu cho hệ thống thanh toán SWIFT. Nó cũng có thể thúc đẩy tạo ra đồng tiền chung cho các nước BRICS, chỉ được sử dụng cho việc thanh toán ngoại thương của họ, mỗi nước tham gia tiếp tục sử dụng đồng tiền nội tệ cho tất cả các giao dịch nội địa”.
Hơn nữa, khả năng các nước BRICS thiết lập hệ thống thanh toán độc lập để cạnh tranh với SWIFT thực sự đã diễn ra thời gian qua. Tuy nhiên, việc tạo ra hệ thống như vậy tại thời điểm này phụ thuộc vào nhu cầu chính trị của các nước BRICS.
Theo giáo sư Rossi, nhiều nước ở châu Âu và châu Á sẽ quan tâm đến cơ chế thanh toán bằng đồng tiền quốc gia bởi lẽ các nước này có khối lượng trao đổi ngày càng tăng với Nga, cả về thương mại và tài chính.
Nga đã áp dụng các biện pháp phi đô la hóa nền kinh tế trong một thời gian khá dài, chuyển sang thanh toán bằng đồng nội tệ với các quốc gia châu Á, Trung Đông và Mỹ Latinh, trong đó có Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ và Venezuela.
"Nếu có một hệ thống thanh toán như vậy, nó có thể được sử dụng để lách các lệnh trừng phạt và chính việc lách các lệnh trừng phạt có thể đẩy nhanh việc tạo ra cơ chế này", giáo sư kinh tế vĩ mô Rossi lưu ý.
Đẩy Nga và Trung Quốc gần nhau hơn
Hiện tại, Trung Quốc cũng không ngồi yên. Bắc Kinh đã phát triển Hệ thống thanh toán liên ngân hàng xuyên biên giới (CIPS), một giải pháp riêng thay thế SWIFT. Được ra mắt vào tháng 10/2015, CIPS đã tăng 80% về giá trị trong năm 2018. Đến năm 2019, CIPS đã xử lý các giao dịch trị giá 135,7 tỷ nhân dân tệ mỗi ngày. Trong khi đó, SWIFT xử lý khoảng 5.000 - 6.000 tỷ USD mỗi ngày. Tuy nhiên, hệ thống liên ngân hàng xuyên biên giới của Trung Quốc đang tiếp tục tăng trưởng.
Chuyên gia Suranjali Tandon nói: "Nga và Trung Quốc đã thử nghiệm sức mạnh tổng hợp trong phát triển các hệ thống thanh toán thay thế. Các biện pháp trừng phạt gần đây có thể khuyến khích áp dụng hệ thống thanh toán chung".
Hai chuyên gia Bovis và Rossi cũng cho rằng trong hoàn cảnh hiện tại, khả năng các tổ chức tài chính Nga tham gia CIPS là rất cao.
Theo ông Rossi, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Nga chắc chắn sẽ đẩy nhanh khả năng tiếp cận CIPS của nước này, miễn là các giao dịch nước ngoài của Nga được hoặc có thể được tính bằng đồng tiền Trung Quốc, tức là đồng nhân dân tệ.
Nhiều khả năng Moskva và Bắc Kinh sẽ hợp lực để thiết lập hệ thống thanh toán chung giữa hai loại tiền tệ, qua đó tất cả các giao dịch bằng đồng rúp hoặc đồng nhân dân tệ sẽ được thực hiện bằng phương thức thanh toán tổng hợp theo thời gian thực (RTGS). Đây là tiêu chuẩn công nghệ thông tin trong các hệ thống giao dịch của phương Tây vì nó làm giảm rủi ro thanh toán cho tất cả các bên liên quan.
Theo Tiến sĩ Alexander Azdagan, Trung Quốc cũng có những lý do địa chính trị nhất định để hợp tác với Nga khi Mỹ và các đồng minh NATO đang tiếp tục gây sức ép với nước này về nhiều vấn đề.
Nhà phân tích địa chính trị Azdagan cho rằng: “Càng có nhiều vấn đề địa chính trị, căng thẳng quan hệ quốc tế cũng như những điểm tương đồng với Nga thì Trung Quốc càng có động lực để tiến dần về phía Nga”.