Loại quả dại giàu vitamin C hơn cam, giúp ngừa ung thư, kiểm soát đường huyết
Loại quả này có dạng hình cầu, vị chua và đắng nhẹ, có nhiều lợi ích sức khỏe, đặc biệt là ngăn ngừa ung thư và kiểm soát đường huyết.
Me rừng có tên gọi khác là chùm ruột núi, ngưu cam tử, du cam tử, dư cam tử, mận rừng. Tên khoa học: Phyllanthus emblica. Họ: Thầu dầu.
Ở nước ta, me rừng xuất hiện nhiều tại các tỉnh như Hòa Bình, Sơn La, Cao Bằng, Bắc Kạn… Me rừng rất sai quả, sản lượng có thể đạt từ hàng chục đến hàng trăm kg quả tươi/cây. Me rừng là loài cây từ nhỏ đến nhỡ, chiều cao có thể lên tới 10-18m, có vỏ thân màu xám xanh và hoa màu vàng – lục, dạng chùm. Các tán lá cây dài khoảng 40 cm, xòe ra tạo thành một mặt phẳng. Vỏ thân hóa nâu và bị bóc thành các vẩy. Lá không lông, rộng chỉ 3 mm, dài 1,25 – 2 cm. Quả non màu xanh lục nhạt, khi chín màu đỏ gạch, đường kính 1,8 -2,5 cm.
Quả me rừng có vị chua và đắng nhẹ, thường được dùng để chế biến các món ăn vặt vô cùng hấp dẫn.
Không chỉ vậy, quả me rừng còn có nhiều lợi ích đối với sức khỏe.
Theo Đông y quả me rừng có vị chua, ngọt, đắng, tính mát có tác dụng thu liễm giáng áp. Thường dùng chữa cảm mạo phát sốt, ho, đau cổ họng, miệng khô khát. Mỗi ngày dùng 10-30 quả sắc uống... Hoặc quả me rừng ướp muối, rồi phơi khô làm ô mai ngậm chữa ho, viêm họng, nôn mửa; Trị tiểu đường: Quả me rừng 15 - 20g, ướp với muối ăn hoặc nấu nước uống hằng ngày; Trị nước ăn chân: Lấy quả me rừng giã lấy nước bôi vào chỗ chân bị nước ăn; Chữa phù thũng: Quả me rừng 10 - 30g. Cũng có thể cho râu ngô, mã đề sắc cùng lấy nước uống nhiều lần trong ngày.
Theo Tây y, me rừng là một loại quả rất giàu vitamin và khoáng chất như chất xơ, vitamin C, crom, tanin… và nhiều loại acid đa dạng như acid Gallic, acid phyllemblic, emblicol….
Đặc biệt, hàm lượng vitamin C trong 100g me rừng là 921mg, cao gấp gần 20 lần cam (chỉ 53mg vitamin C cho 100g). Các kết quả nghiên cứu về hóa học còn cho thấy, quả me rừng giàu hợp chất phenolic, có tác dụng chống oxy hóa mạnh, tăng chuyển hóa lipid, giảm lipid máu, giảm cholesterol và bảo vệ gan. Theo các nhà khoa học, trong những năm gần đây, các hợp chất phenolic là một lớp chất được đặc biệt quan tâm nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực sức khỏe và dinh dưỡng. Ưu điểm đặc trưng lớp chất phenolic này bởi hoạt động chống oxi hóa mạnh và khả năng chống lại sự hoạt động của các gốc tự do trong quá trình trao đổi chất, kháng ung thư, chống bệnh tim mạch và một số bệnh mãn tính khác.
Ngoài ra me rừng có những lợi ích nổi bật như:
- Giảm lượng cholesterol: Trong một nghiên cứu vào năm 2012 được công bố ở tạp chí Dược học Ấn Độ cho thấy dùng quả me rừng để điều trị sẽ làm giảm mức triglyceride và cholesterol xấu, ngăn ngừa được sự tích tụ của mảng bám giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.
-Kiểm soát đường huyết: Chất xơ dồi dào trong me rừng giúp làm chậm tốc độ hấp thụ đường của cơ thể. Điều này có thể giúp kiểm soát hiệu quả lượng đường trong máu.
-Cải thiện tiêu hóa: Chất xơ trong quả me rừng giúp cơ thể điều chỉnh nhu động ruột và có thể giúp giảm các triệu chứng do các tình trạng như hội chứng ruột kích thích. Từ đó có tác dụng bảo vệ dạ dày, giữ cho hệ tiêu hóa hoạt động bình thường và đồng thời ngăn ngừa các vấn đề như viêm loét dạ dày. Ngoài ra me rừng còn làm giảm các triệu chứng ợ nóng, chướng bụng, đầy hơi,…
- Tốt cho mắt: Me rừng rất giàu vitamin A, là chìa khóa để cải thiện sức khỏe của mắt. Vitamin A không chỉ cải thiện thị lực mà còn có thể làm giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng do tuổi tác. Hàm lượng vitamin C trong loại quả này cũng giúp hỗ trợ sức khỏe của mắt bằng cách chống lại vi khuẩn, bảo vệ mắt khỏi viêm kết mạc và các bệnh nhiễm trùng khác.
-Tăng cường sức khỏe não bộ: Các chất dinh dưỡng và chất chống oxy hóa trong quả me rừng có thể mang lại lợi ích cho trí nhớ bằng cách chống lại các gốc tự do có thể tấn công và làm hỏng các tế bào não. Ngoài ra, nồng độ Vitamin C cao giúp cơ thể sản xuất norepinephrine - một chất dẫn truyền thần kinh được cho là cải thiện chức năng não ở những người mắc chứng mất trí nhớ.
Minh Hoa (t/h)