Lộc Bình: Khai thác tiềm năng, thế mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệpTin khácChung tay phòng chống HIV/AIDS trong bối cảnh dịch COVID-19THÔNG BÁO NỘI DUNG, CHƯƠNG TRÌNH KỲ HỌP THỨ BẢY (KỲ HỌP THƯỜNG LỆ CUỐI NĂM 2021) HĐND TỈNH KHÓA XVII NHI

Trong những năm qua, huyện Lộc Bình đã khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (CN-TTCN), từ đó tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Theo số liệu từ Cục Thống kê tỉnh, giá trị sản xuất CN-TTCN của huyện Lộc Bình trong 10 năm trở lại đây luôn xếp vị trí cao nhất trong các huyện, thành phố của tỉnh.

Lộc Bình là huyện có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, nổi bật là than. Không chỉ vậy, đây là huyện có thế mạnh phát triển lâm nghiệp. Trong đó, người dân trồng cây thông mã vĩ là chủ yếu, huyện cũng lựa chọn cây thông là loại cây trồng chính, hình thành vùng nguyên liệu tập trung khoảng 43.000 ha, chiếm trên 65% diện tích đất có rừng, sản lượng nhựa thông hằng năm lớn. Cùng đó, trên địa bàn huyện Lộc Bình, UBND tỉnh đã phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 đối với 4 cụm công nghiệp (CCN) là CCN Na Dương 1, 2, 3, 4, tại xã Đông Quan với tổng diện tích 150 ha. Chính những tiềm năng và thế mạnh trên đã thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào phát triển CN-TTCN ở huyện.

Công nhân Công ty Than Na Dương sửa chữa cụm cầu xe

Công nhân Công ty Than Na Dương sửa chữa cụm cầu xe

Thời gian qua, huyện Lộc Bình đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư vào phát triển CN-TTCN như: quan tâm, cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cơ sở đăng ký thành lập; thực hiện các cơ chế, chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư; hỗ trợ về hành lang pháp lý, thu hút, khuyến khích doanh nghiệp mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị, công nghệ thân thiện với môi trường. Cùng với đó, huyện cũng quan tâm thực hiện công tác quy hoạch, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất để doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh. Từ đó, nhiều doanh nghiệp đã nhanh chóng ổn định sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương, góp phần vào phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện.

Công ty Than Na Dương và Công ty Nhiệt điện Na Dương là hai đơn vị tiên phong và cũng là doanh nghiệp chủ lực trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp trên địa bàn huyện Lộc Bình. Hằng năm, Công ty Than Na Dương duy trì sản lượng ổn định khoảng 520.000 tấn than sạch (chiếm 90% tổng sản lượng khai thác than sạch của tỉnh). Lượng than khai thác của công ty được sử dụng làm nguyên liệu đầu vào cho Công ty Nhiệt điện Na Dương. Hiện nay, công ty đang tạo việc làm ổn định cho trên 500 lao động, trong đó, phần lớn là lao động tại huyện Lộc Bình với thu nhập trung bình đạt hơn 9 triệu đồng/người/tháng.

Tương tự, đối với ngành công nghiệp sản xuất và phân phối điện tại huyện Lộc Bình, thời gian qua sản lượng điện sản xuất của huyện từ 720 đến 770 triệu Kwh/năm, luôn chiếm trên 85% sản lượng điện sản xuất của tỉnh. Sản lượng điện thương phẩm của huyện chiếm từ 5 đến 7% sản lượng điện thương phẩm của tỉnh.

Ngoài ra, trong 4 năm trở lại đây, trên địa bàn huyện Lộc Bình đã có 2 doanh nghiệp gồm Công ty TNHH Songlee, Công ty TNHH Long Tân đầu tư vào sản xuất, chế biến các sản phẩm từ nhựa thông với quy mô lớn, công nghệ khoa học kỹ thuật cao.

Ông Chu Lâm Hỷ, Quản lý Công ty TNHH Songlee cho biết: Công ty sản xuất colophan xuất khẩu sang thị trường các nước: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, với quy mô sản xuất 60 tấn colophan/ngày. Trung bình mỗi năm, công ty sản xuất 13.000 tấn colophan ra thị trường, đem lại doanh thu khoảng 500 tỷ đồng/năm. Hiện công ty tạo việc làm cho hơn 50 lao động tại địa phương, với thu nhập trung bình đạt từ 5 đến 6 triệu đồng/người/tháng. Thời gian qua, chính quyền huyện Lộc Bình thường xuyên quan tâm, hỗ trợ, giải quyết những vướng mắc về chính sách cho công ty.

Cùng đó, trên địa bàn huyện Lộc Bình còn có 26 xưởng gỗ với quy mô gia đình, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhiều lao động địa phương. Không chỉ vậy, huyện đã khuyến khích các hộ mạnh dạn đầu tư vào chế biến thực phẩm như: sản xuất rượu, bún, bánh phở khô, bánh phở tươi với khoảng 150 cơ sở.

Theo số liệu từ Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện Lộc Bình, giá trị sản xuất CN – TTCN của huyện trong 5 năm trở lại đây có mức tăng trưởng khá cao, bình quân 12,33%/năm. Riêng năm 2020, giá trị sản xuất CN – TTCN đạt trên 2.500 tỷ đồng, tăng 2.000 tỷ đồng so với năm 2010. Ước năm 2021, tổng giá trị sản xuất CN – TTCN của huyện đạt khoảng 2.800 tỷ đồng.

Ông Vi Văn Thắng, Trưởng Phòng Kinh tế – Hạ tầng huyện cho biết: Thời gian tới, phòng tiếp tục tham mưu cho UBND huyện thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển công nghiệp trên địa bàn. Chú trọng phát triển công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghiệp sạch, an toàn, thân thiện với môi trường. Cùng với đó, khuyến khích phát triển công nghiệp vừa và nhỏ để tận dụng nguồn nguyên liệu, nhân công tại chỗ. Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, gia công, tái chế và sản xuất hàng hóa xuất khẩu, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp. Đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp, nhất là đầu tư xây dựng hạ tầng các CCN, hạ tầng hiện có trong quy hoạch và ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng, thế mạnh của huyện.

Giai đoạn 2021 – 2025, huyện Lộc Bình phấn đấu tốc độ tăng thêm bình quân giá trị ngành công nghiệp đạt từ 10 đến 12%/năm. Đồng thời, hoàn thành hạ tầng kỹ thuật và đưa vào hoạt động 1 CCN và tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư xây dựng các dự án năng lượng mới, năng lượng tái tạo có tiềm năng của huyện như: điện gió, điện sinh khối. Cùng đó, tạo điều kiện thuận lợi để phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng Nhà máy Nhiệt điện Na Dương II, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất của Công ty Than Na Dương để đáp ứng nhu cầu sử dụng khi Nhà máy Nhiệt điện Na Dương II đi vào hoạt động.

CẨM HÀ

THANH HUYỀN - TRIỆU THÀNH

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/kinh-te/cong-nghiep-thuong-mai/467165-loc-binh-khai-thac-tiem-nang-the-manh-phat-trien-cong-nghiep-tieu-thu-cong-nghiep.html