Lộc rừng ngày mưa
Cơn mưa rừng ào ào đổ xuống, ốc từ những kẽ đất, đá thi nhau ngoi lên mặt đất để kiếm ăn và sinh sản... Đây cũng là thời điểm, bà con các xã Thành Lâm, Thành Sơn... (Bá Thước) tranh thủ vào rừng săn ốc đá (hay còn gọi là ốc núi, ốc thuốc). Công việc thời vụ này đã đem lại thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình sống dưới tán rừng. Tuy nhiên, việc này tương đối vất vả và tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.
![Người dân địa phương thường luộc hoặc nướng ốc đá, ăn rất ngon.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_361_51442518/3be84063742d9d73c43c.jpg)
Người dân địa phương thường luộc hoặc nướng ốc đá, ăn rất ngon.
Săn ốc đá dưới rừng Pù Luông
Sau cơn mưa chiều, dưới tán rừng Pù Luông xào xạc tiếng nước chảy từ những con suối nhỏ. Dưới mái nhà sàn, anh Nguyễn Văn Thao và vợ là chị Lê Thị Ái, ở thôn Lặn, xã Thành Lâm nhanh chóng kết thúc bữa cơm chiều rồi tất bật thay quần áo chuẩn bị cho chuyến đi rừng.
Anh Thao nói, ốc đá chỉ bò ra ngoài nhiều khi trời vừa mưa xong, rừng còn ẩm ướt; hết mùa mưa hoặc khi chớm xuất hiện gió heo may là ốc đá gần như mất dấu. Mùa đông hay nắng nóng bắt ốc này rất khó vì chúng vùi sâu dưới đất và các thảm lá cây mục. Những người dân sống ven rừng vẫn có thể kiếm được ốc nhưng phải chịu khó soi vào ban đêm. Nếu mưa liên tục khi tiết trời lạnh, ốc ngoi lên mặt đất trong khoảng thời gian rất ngắn để lấy ô-xy rồi lặn mất hút.
“Nghề này, mình không cần đầu tư gì cả, chỉ cần bộ quần áo đi rừng, chiếc rổ nhựa, bao tải, chai nước, dao quắm, thêm cái đèn pin là có thể hành nghề. Tuy nhiên, chuyến đi rừng săn ốc đá sẽ rất vất vả vì phải vào sâu trong rừng, chui vào hang đá hay lật những mảng lá cây mục nát để mò. Chưa kể, nhiều lúc người đi săn ốc cũng phải đối mặt với nhiều nguy hiểm rình rập khi chẳng may gặp rắn, rết và các loại sâu độc trong rừng”, chị Ái chia sẻ.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_361_51442518/31d5b25f86116f4f3600.jpg)
Để tránh những rủi ro có thể xảy ra, người dân đi săn ốc bao giờ cũng đi theo tốp, thường là từ 3 - 4 người trở lên để giúp đỡ nhau lúc không may sảy chân trượt ngã, phòng khi thú rừng tấn công...
Men theo con đường nhỏ hướng về những dãy núi đá, những người đi rừng dựng xe máy, buộc chặt dây giày và trùm áo kín đầu để tránh cây lá cào vào mặt. Họ luồn sâu vào lõi rừng Pù Luông. Sau mưa, cây cối xanh tốt, rậm rạp, nước đọng ở cành lá văng ra thấm đẫm áo quần. Bị đánh thức, muỗi rừng bay rào rào, vắt cũng ngo ngoe bật tanh tách như lễ hội. Trèo qua những tảng đá lởm chởm, trơn trượt, mọi người tới một bãi đất bằng. Tại đây, những con ốc dẹt, to bằng chén nhỏ uống trà bò ra rất nhiều, có con bò trên mặt đất, có con bám vào lá, thân cây mục. Nếu không để ý rất khó nhận ra vì vỏ ốc cứng, màu sọc trắng, xám xen kẽ gần giống lá mục. Anh Thao chia sẻ: “Nhặt ốc khi chúng vẫn bám trên nhành cây, mỏm đá là dễ nhất, bởi ốc đá khi có tiếng động sẽ nhả miệng rơi xuống lẫn vào đám lá mục, rất khó tìm”.
Món đặc sản đãi khách
Đối với đồng bào dân tộc thiểu số sống dưới chân núi Pù Luông, ốc đá không chỉ làm thức ăn mà được coi như một vị thuốc quý. Theo anh Thao, ốc đá chủ yếu ăn lá cây rừng và món khoái khẩu là cây thuốc lá vai. Thuở xưa, trong lúc tân dược khó mua, người dân dùng ốc để chữa chứng mờ mắt hay mắt bị kéo màng bằng cách đốt ốc đá cháy thành tro, pha loãng, lọc lấy nước để tra mắt, rửa mặt. Ngoài ra còn dùng ốc để chữa một số bệnh về đường ruột. Trước đây, bà con thường bắt ốc nướng và ăn chống đói tại chỗ mỗi khi vào rừng mưu sinh nhưng gần đây mới biết gom, mang bán như một thứ hàng hóa.
![Nghề bắt ốc đá tuy không khó nhưng khá vất vả và tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì phải đi sâu vào rừng già lúc trời tối.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_361_51442518/4e6ac0e0f4ae1df044bf.jpg)
Nghề bắt ốc đá tuy không khó nhưng khá vất vả và tiềm ẩn nhiều rủi ro, vì phải đi sâu vào rừng già lúc trời tối.
Ốc đá vốn sống trên cạn nên khi bắt về đổ ra cái bể nhỏ hoặc cái nong rộng có thể để cả tuần mà không lo bị hỏng. Thỉnh thoảng vẩy cho ốc ít nước và bột ngô, cơm nguội, hoa quả tươi... làm thức ăn. Tuy nhiên, ốc nuôi sẽ bị gầy và độ thơm ngon giảm hẳn do không được ăn thảo dược và lá cây.
Sau hơn 4 giờ đi rừng, vợ chồng anh Thao nhặt được hơn 10kg ốc đá. Ra khỏi bìa rừng, thương lái đã đợi và thu mua luôn cho các khu du lịch. Với giá ốc 50.000 - 70.000 đồng/kg như hiện nay, vợ chồng anh Thao cũng kiếm được gần 1 triệu đồng. "Mấy năm trở lại đây, nhu cầu thu mua ốc đá cao, bà con bắt được bao nhiêu thương lái cũng thu mua hết. Ốc đá được chúng tôi giao cho các cơ sở du lịch trên địa bàn huyện và một số huyện lân cận. Ốc đá ở Pù Luông được đánh giá có chất lượng thơm ngon hơn vì nơi đây có diện tích rừng già lớn, nhiều núi đá vôi - là môi trường lý tưởng cho ốc đá sinh sản và phát triển” - anh Thao cho hay. Thông qua facebook, từ đầu vụ năm nay, anh Hà Văn Tuấn, thương lái chuyên thu mua ốc đá cung cấp cho các nhà hàng và chợ huyện, người xã Lũng Niêm đã đăng bài thu mua ốc đá, cua đá ở khắp các hội, nhóm trên mạng xã hội.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_361_51442518/cfbe4534717a9824c16b.jpg)
Ông Phạm Văn Mạnh, Giám đốc Điều hành Ebino Pù Luông Resort & Spa, xã Thành Lâm cũng khẳng định, ốc đá là một trong những món ăn luôn được khách ưu tiên lựa chọn trong thực đơn của cơ sở, song rất tiếc không phải lúc nào cũng có. Không chỉ ăn tại khu nghỉ dưỡng, khách còn đặt ốc mang về làm quà. Một số món ngon từ ốc được nhiều du khách ưa chuộng như: hấp bia, bóp nộm, nướng sả, xào măng, nấu chuối đậu... Tuy nhiên, người dân bản địa lại ưu tiên món ốc luộc vì giữ được hương thơm của vị thuốc. Đặc biệt, nước chấm ốc đá không cần quá cầu kỳ, chỉ cần thêm ít gia vị tỏi, ớt và gừng, thêm tí sả băm nhỏ cho vào là có thể thưởng thức cái vị ngòn ngọt, thơm ngon, béo mà không ngậy của món ốc này. Món ăn sẽ đặc biệt dậy vị khi thưởng thức đặc sản này với tý rượu men lá Pù Luông cay nồng, thoảng hương lá rừng.
![Người dân địa phương thường luộc hoặc nướng ốc đá, ăn rất ngon.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_361_51442518/425bc9d1fd9f14c14d8e.jpg)
Người dân địa phương thường luộc hoặc nướng ốc đá, ăn rất ngon.
Theo người dân bản địa, ốc đá đang dần ít đi bởi nhu cầu tiêu dùng tăng cao, người đi săn tìm ngày càng nhiều. Để gìn giữ, bảo tồn sản vật này, chính quyền và người dân địa phương đang chung tay bảo vệ rừng tự nhiên; không khai thác tận diệt, bắt ốc bằng phương pháp thủ công. Nhiều người mong muốn ngành nông nghiệp có thể nghiên cứu, nhân rộng nuôi ốc đá để từng bước phát triển mô hình kinh tế, có khả năng cung ứng sản phẩm quanh năm, đáp ứng nhu cầu thị trường, góp phần tăng thu nhập cho người dân.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/loc-rung-ngay-mua-35485.htm