Lợi ích kép từ nông nghiệp đô thị

Phủ xanh không gian sống, giảm phát thải nhà kính, cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm tại chỗ an toàn... Đó là tác dụng rất lớn từ nông nghiệp đô thị.

Nông nghiệp đô thị góp phần quan trọng cho nhu cầu thực phẩm “sạch” của người dân và cải thiện môi trường. Ảnh: Q.Định.

Nông nghiệp đô thị góp phần quan trọng cho nhu cầu thực phẩm “sạch” của người dân và cải thiện môi trường. Ảnh: Q.Định.

Hạn chế tình trạng “rau 2 luống, lợn 2 chuồng”

Trao đổi trong cuộc họp bàn về giải pháp phát triển nông nghiệp đô thị (NNĐT) tổ chức tại TPHCM, TS Nguyễn Đăng Nghĩa - nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và môi trường phía Nam cho biết, những năm qua, quá trình đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ đặt ra vấn đề phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp phù hợp với điều kiện đất đai, môi trường ở khu vực đô thị. Theo ông Nghĩa, các mô hình NNĐT tại Việt Nam đang diễn ra theo 2 hướng, đó là mô hình nông nghiệp chính quy, tổ chức sản xuất tập trung tại các không gian rộng như các trang trại, các vùng sản xuất chuyên canh ở ngoại thành và mô hình nông nghiệp phi chính quy, do các hộ gia đình tận dụng không gian hạn hẹp nơi sinh sống để tự trồng trọt, chăn nuôi.

Tuy nhiên, hiệu quả của các mô hình này còn chưa cao, nhất là mô hình nông nghiệp phi chính quy. “Với điều kiện quỹ đất nhỏ thì để phát triển NNĐT bền vững, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp là yếu tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí cho người dân khi được sử dụng những sản phẩm do chính họ sản xuất ra” - ông Nghĩa nhận định.

Còn theo GS.TS Nguyễn Văn Bộ - nguyên Giám đốc Viện khoa học Nông nghiệp Việt Nam, nói đến NNĐT có thể hiểu dành cho cả nông nghiệp trong nội đô và vùng ven đô. Theo nghĩa rộng bao gồm cả sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và lâm nghiệp; bảo quản, chế biến và thương mại nông sản; xử lý ô nhiễm môi trường và cuối cùng là tạo thêm công ăn việc làm. Tại Việt Nam, tuy chưa có các đề án hay chương trình cụ thể cấp quốc gia về NNĐT nhưng các tỉnh, thành phố đã bắt đầu có các chính sách cho phát triển NNĐT. “Ngoài đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm tại chỗ, một lý do khác cho sự cần thiết phát triển NNĐT chính là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Nếu ở nông thôn từng có tình trạng “Rau 2 luống, lợn 2 chuồng” thì NNĐT chính là giải pháp phòng tránh tốt nhất ngộ độc thực phẩm vốn đang tăng nhanh” - ông Bộ nhấn mạnh.

Cần chiến lược bài bản

TS.Nguyễn Đăng Nghĩa gợi ý, NNĐT có thể canh tác tại bất kỳ nơi nào trong thành phố, ngoại ô, tại các khu vườn công cộng, trên mái các tòa nhà hay diện tích trống của nhà ở, nông trại ngoài trời, nhà kính… miễn đảm bảo các điều kiện về ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm và dưỡng chất. “Được sản xuất và phân phối tại chỗ nên thực phẩm từ NNĐT ít tốn phí vận chuyển, đóng gói, lưu trữ. Khi đến tay người tiêu dùng rất tươi ngon, giàu dinh dưỡng và có giá cạnh tranh do giảm được các tầng nấc trung gian. NNĐT cũng không bị tổn hại bởi bão lụt, hạn hán, sự thay đổi của thời tiết, vì thế, người canh tác cũng được lợi nhiều hơn” - ông Nghĩa nói.

Tuy nhiên, theo GS.TS Nguyễn Văn Bộ, NNĐT ở nước ta hiện đang phát triển mang tính tự phát. Đến nay chưa có một chủ trương, chính sách chính thức nào của Nhà nước liên quan đến NNĐT. Hiện, TPHCM mới phê duyệt “Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị vào cuối năm 2023. Riêng Hà Nội cũng mới chỉ phê duyệt “Đề cương Đề án nông nghiệp đô thị” mà chưa có đề án chính thức. Chính vì vậy, có thể nói, chưa hề có quy hoạch, chiến lược, đề án hay chương trình nào cho phát triển NNĐT ở Việt Nam.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, quá trình đô thị hóa đang tiếp tục diễn ra mạnh mẽ kể cả quy mô và tốc độ. Vì vậy phát triển NNĐT nên được đầu tư một cách nghiêm túc như nhiều nước trên thế giới đang thực hiện.

Chia sẻ về kinh nghiệm của một quốc gia, TS Vũ Thị Quyền - Trưởng ngành Công nghệ Sinh học khoa công nghệ ứng dụng, Đại học Văn Lang cho hay, tổng dân số Thái Lan sống ở khu vực đô thị chiếm khoảng trên 52% vào năm 2021. Xác định tầm quan trọng của NNĐT, Thái Lan đã thúc đẩy phát triển “vườn rau đô thị” hay “nông nghiệp đô thị” từ trước đó 10 năm bằng Quỹ Nông nghiệp bền vững phối hợp với Quỹ Trung tâm Truyền thông phát triển, Quỹ Đô thị. Đến 2019, Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã Thái Lan đã thúc đẩy hỗ trợ nhanh sự phát triển của NNĐT nhằm nâng cao khả năng tự cung cấp lương thực của người dân thành thị.

“Bên cạnh đó, Thái Lan cũng đã lập kế hoạch để triển khai mô hình “Niềm tin sức khỏe vì lợi ích của nông nghiệp đô thị” nhằm nâng cao sức khỏe con người và thúc đẩy thực hành NNĐT. Sự quan tâm, đầu tư bài bản mà NNĐT của nước này hiện đã có độ phủ rất cao và đang đóng vai trò quan trọng cho nhu cầu của người dân” - bà Quyền thông tin.

QUỐC ĐỊNH

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/loi-ich-kep-tu-nong-nghiep-do-thi-10283379.html