Lời mời lụa là của họa sĩ Bùi Tiến Tuấn
Bùi Tiến Tuấn là họa sĩ đặc biệt của nền mỹ thuật Việt Nam đương đại. Anh được ghi nhận là người đã dụng công hồi sinh và cách tân tranh lụa Việt Nam khi dòng tranh này bị thoái trào vào thập niên đầu của thế kỷ 21.
Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn sinh năm 1971 tại Hội An, Quảng Nam. Anh tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật TP.HCM năm 1989, sau đó trở thành giảng viên của trường đại học này. Song song với việc giảng dạy mỹ thuật, Bùi Tiến Tuấn cũng miệt mài sáng tác. Từ năm 1998 đến nay, không kể các triển lãm nhóm, Bùi Tiến Tuấn đã có hàng chục triển lãm cá nhân được tổ chức trong và ngoài nước.

Họa sĩ Bùi Tiến Tuấn - Ảnh: NVCC
Suốt chặng hành trình 30 năm với hội họa, Bùi Tiến Tuấn đã tạo nên một dấu ấn lớn khi chọn cho mình một hướng đi rất riêng, không chỉ với “thương hiệu” tranh lụa mà còn ở nhiều dòng tranh khác như sơn dầu, giấy dó, sơn mài, gần đây là tranh acrylic khổ lớn.
Bùi Tiến Tuấn là một trong số ít họa sĩ có công hồi sinh và cách tân tranh lụa Việt Nam, khi dòng tranh này dần rơi vào thoái trào. Trong nhiều thập kỷ, nghệ thuật tranh lụa bị thương mại hóa, những bức tranh được vẽ sơ sài rồi bán như hàng lưu niệm. Tranh lụa dần bị nhạt nhòa, chìm khuất giữa các dòng tranh khác do quan niệm cũ kỹ, nặng lối mòn tuyên truyền. Ngay trong trường mỹ thuật, tranh lụa cũng bị xem nhẹ. Chính vào thời điểm này, Bùi Tiến Tuấn (cùng một số ít họa sĩ khác) xuất hiện, mang đến những nét cọ mới trên lụa, tạo nên dấu ấn riêng biệt, thay đổi hoàn toàn góc nhìn của công chúng về dòng tranh độc đáo này.
Nhìn lại hành trình 30 năm sáng tác của Bùi Tiến Tuấn, có thể thấy anh không chỉ thành công với tranh lụa. Tranh của người họa sĩ tài hoa này không chỉ có chủ đề là những thiếu nữ thị thành phù phiếm, yêu kiều mà còn là phong cảnh Hội An thơ mộng, hiện thực trần trụi của đường phố, tinh thần hậu biểu hiện, và cả những tác phẩm trừu tượng. Dù thể hiện trên chất liệu, vật liệu hay đề tài nào, Bùi Tiến Tuấn cũng luôn cho thấy sự quyến rũ trong từng tác phẩm, đồng thời giữ được bản sắc và phong cách riêng của mình.

Một thoáng xuân thì - tranh lụa của Bùi Tiến Tuấn
Mùa xuân 2025, trong thư gửi đồng nghiệp, giới báo chí và các nhà sưu tầm về triển lãm mới nhất của mình, Bùi Tiến Tuấn viết:
"Kể từ triển lãm cá nhân gần nhất năm 2021, sau khi thế giới trải qua đại dịch COVID-19, cá nhân tôi, với tư cách là một nghệ sĩ, thấy mình sống chậm lại với những chiêm nghiệm về đời sống, đặc biệt là cuộc sống thị thành sôi động đương thời. Trong sự chiêm nghiệm ấy, tôi luôn hồi tưởng về ký ức với những sáng tác suốt thập niên 1990 và những năm đầu thiên niên kỷ. Những hình ảnh hồi tưởng ấy không ngừng đan xen với những thước phim về đô thị phồn hoa không ngừng lột xác đang diễn ra trong tâm tưởng tôi. Tôi dùng ngôn ngữ nghệ thuật để biểu lộ thế giới đang căng đầy trong tâm hồn mình.
Chính vì vậy, sau 4 năm, tôi mới quyết định trình làng solo lần thứ 12 với tên gọi "Bùi Tiến Tuấn - Một hành trình". Tôi hy vọng các nhà sưu tập, giới chuyên môn và khán giả yêu nghệ thuật sẽ thấy thêm nhiều khía cạnh khác của tôi: ngoài Tuấn của "tân mỹ nhân" trên lụa, mọi người sẽ thấy Tuấn của thời kỳ hậu sinh viên với sự trăn trở về hiện thực thị thành cùng những "hình nhân đường phố", Tuấn nhuộm thắm và lật trở suy tư trên chất liệu giấy dó, Tuấn vừa trắc ẩn vừa phiêu bồng nơi "hội chợ phù hoa" với những bức tranh acrylic khổ lớn... Nghĩa là công chúng sẽ được nhìn thấy một bức tranh rộng lớn hơn, nhiều mảng ghép hơn, toàn cảnh hơn về hành trình sáng tạo của Tuấn".

Tĩnh vật (sơn dầu) của Bùi Tiến Tuấn
Tuy triển lãm của Bùi Tiến Tuấn còn vài ngày nữa mới khai mạc, nhưng "lời mời lụa là" của anh đã khiến giới mỹ thuật và giới sưu tầm xôn xao. 90 bức tranh với đa dạng chủ đề và chất liệu sẽ giúp công chúng yêu hội họa có dịp chiêm ngưỡng một cách trọn vẹn hành trình 30 năm sáng tác của người họa sĩ tài hoa.
"Nhìn lại hơn 90 năm của hành trình tranh lụa Việt Nam, ta thấy Bùi Tiến Tuấn khá giống với bậc tiền bối Nguyễn Phan Chánh (1892-1984) ở khía cạnh tạo dựng chân dung cho những nhân vật đời thường. Những người phụ nữ trong tranh của cả hai dường như chiếm trọn không gian của bức tranh, đôi khi lấn át, thay thế mọi sự vật, mọi thứ khác. So với cấu trúc phổ biến kiểu "thiên - địa - nhân" của một bức tranh lụa truyền thống (ngoại trừ tranh thờ, tranh vẽ vua quan), Bùi Tiến Tuấn chỉ lấy con người làm trung tâm, đôi khi không cần đến "thiên" hoặc "địa".
Phụ nữ trong tranh Bùi Tiến Tuấn thường không mang dấu vết của thôn quê và công việc nhà nông, mà thường là dân thị thành, chuộng thời trang, đôi khi có vẻ phù phiếm, thích hưởng thụ. Họ yêu mến và đề cao bản thân, tự lập trong suy nghĩ và hành động. Vì tự lập nên nỗi niềm, sự hân hoan, thậm chí sự cô đơn của họ cũng rất khác với những người phụ nữ lao động, tảo tần vì cuộc sống. Vì vậy mà bảng màu tranh lụa của Bùi Tiến Tuấn cũng khác, thời trang hơn, tân kỳ hơn, tạo nên sự phá cách", Giám tuyển Lý Đợi nhận xét.

Tuổi thần tiên 3 - tranh lụa của Bùi Tiến Tuấn
Ở một góc nhìn khác, người đồng nghiệp của Bùi Tiến Tuấn là họa sĩ Lương Lưu Biên nói: “Ở thời điểm hiện nay, lụa của Bùi Tiến Tuấn đã khẳng định mình để trở thành một đại diện tiêu biểu của hội họa đương đại miền Nam, sau hơn 20 năm say sưa với chất liệu này. Trước thời điểm đó, lụa chưa được coi trọng như vậy trong các chất liệu tạo hình, với việc sáng tác và giảng dạy của mình, anh đã góp phần như một trong vài họa sĩ quan trọng mang lại cuộc phục hưng cho lụa, một chất liệu dịu dàng, thanh thoát, gần gũi với tính cách Việt cũng như tinh thần phương Đông.
Bùi Tiến Tuấn có lối tạo hình sang trọng, lả lơi. Những form dáng được cách điệu, chắt lọc đến đơn giản mà gợi cảm, cộng với những tìm tòi bố cục luôn mới lạ và độc đáo... tất cả mang đến sự cân bằng cho tác phẩm, vừa dịu dàng, mềm mại lại vừa chắc khỏe, hiện đại. Những tác phẩm lụa của anh mong manh, trong trẻo, đôi khi táo bạo một cách hồn nhiên. Sinh ra ở Hội An, một phố thị du lịch nhộn nhịp, đa âm sắc, đa văn hóa, anh đã tiếp thu, cọ xát và gạn lọc được cho mình một tinh thần hội họa vừa truyền thống vừa đương đại.

Trừu tượng - Tranh sơn dầu của Bùi Tiến Tuấn
... Truyền thống trong việc tiếp nối những phương pháp vẽ lụa của các thế hệ trước, cũng như sử dụng chất liệu lụa truyền thống quê nhà, đương đại trong chủ đề, cách nhìn con người và lối tạo hình. Đó là những cô gái, thiếu nữ phố thị hiện đại, thơ ngây, mơ mộng được kéo dài một cách lười biếng, trễ nải, những bàn tay, ngón tay cong vút kiêu kỳ và điệu đàng. Bùi Tiến Tuấn với xuất thân, tính cách lãng mạn, đa tài của mình đã cùng với lụa gắn thành một thể hết sức đồng điệu và ăn ý. Tất cả làm nên một họa sĩ với một sự nghiệp nghệ thuật bền bĩ, sang trọng và lịch lãm trong dòng chảy nghệ thuật đương đại Việt Nam”.
Triển lãm Bùi Tiến Tuấn - Một hành trình diễn ra song song tại hai nơi, 92 Lê Thánh Tôn, Q.1 và 106 Nguyễn Văn Hưởng, TP.Thủ Đức (TP.HCM) từ 22.2 đến 9.3.2025.
Xác định rằng đây không phải là những phơi bày thô tục của nhục dục, hội họa của Bùi Tiến Tuấn không dừng lại ở sự gợi cảm đơn thuần, mà là sự tôn vinh thân thể trong không gian "sắc không" của vũ trụ. Những nét cọ của anh không hề có sự hối hả của dục vọng mà thấm đẫm sự tĩnh lặng của suy tư, của một sự chiêm nghiệm sâu xa về bản thể.
Người họa sĩ có thể nào lược bỏ đi tính dục hay sự gợi cảm trong tranh khỏa thân? Điều đó là bất khả. Bởi lẽ, thân thể con người tự nó đã mang trong mình một thứ ma lực cuốn hút, mà khi đặt trong nghệ thuật, nó trở thành một nguồn năng lượng thiêng liêng. Quan trọng không phải là cách người xem phán xét đúng sai, mà là cảm giác mà tác phẩm mang lại.
Một bức tranh khỏa thân thành công là khi nó đánh thức trong người xem một thế giới mộng tưởng, có lúc si mê cuồng vọng, có khi lại là sự mời gọi dịu dàng của bản năng nguyên sơ "Hãy ngồi xuống đây. Như loài thú hoang yêu nhau ngoài đồng /Dưới nắng ban mai, phô thân trần truồng, kiếp sống hoang sơ…" (Lê Uyên Phương).
Vì hội họa khỏa thân tự nó đã là một fantasme, chuyên chở những khát khao ẩn giấu của con người, phản ánh bản năng sâu thẳm trong thú vui trần thế. Đó không chỉ là hình ảnh, mà còn là những cảm xúc không thể gọi tên, những ham muốn vượt qua giới hạn của lý trí.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi
Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/loi-moi-lua-la-cua-hoa-si-bui-tien-tuan-229494.html