Lợi nhuận ngân hàng tăng tốc
Lợi nhuận sau thuế của phần lớn ngân hàng trong quý II/2025 được dự báo khả quan hơn so với quý I, với tín dụng tăng trưởng cao và động lực chủ yếu đến từ đầu tư công.

Dòng vốn từ các ngân hàng lớn tập trung hỗ trợ tín dụng cho các dự án kinh tế trọng điểm
Tín dụng tăng tốc
Tại Hội nghị tổng kết công tác Đảng, hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2025, Ban lãnh đạo VietinBank cho biết, dư nợ tín dụng của Ngân hàng ước tăng 10% so với cuối năm 2024; nguồn vốn huy động ước tăng hơn 9% so với cuối năm 2024; lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro tiếp tục tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2024.
Được biết, lợi nhuận hợp nhất trước thuế trong quý I/2025 của VietinBank đạt 6.823 tỷ đồng, tăng gần 10% so với cùng kỳ năm 2024.
Mặc dù các thông tin cụ thể hơn về kết quả kinh doanh nửa đầu năm nay chưa được công bố, nhưng chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank nhận định, kế hoạch đầu tư công cao hơn đã thúc đẩy tăng trưởng tín dụng của VietinBank. Ngân hàng này đã tài trợ nhiều dự án hạ tầng và công bố sắp giải ngân 10.000 tỷ đồng cho một dự án kết nối khu vực. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản phục hồi cũng sẽ hỗ trợ tăng trưởng cho vay mua nhà, góp phần bù đắp rủi ro từ dòng vốn FDI suy yếu và hoạt động cho vay bán lẻ chậm lại.
Quả vậy, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank chia sẻ, trong thời gian qua, Ngân hàng đã cho vay rất nhiều dự án liên quan đến hạ tầng. Đáng chú ý, VietinBank sẽ ký kết một dự án trọng điểm vừa mang ý nghĩa kinh tế, vừa mang ý nghĩa chính trị bởi kết nối giữa các quốc gia với nhau. Hiện tại, các thủ tục nội bộ đã được hoàn tất, dự kiến quy mô có thể hơn 10.000 tỷ đồng và nếu tham gia tổng thể các dự án này thì có thể vượt con số đó.
“Chúng tôi tiếp tục đưa ra nhiều gói hỗ trợ với lãi suất hấp dẫn để hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, qua đó khẳng định vai trò ngân hàng thương mại nhà nước chủ lực. Dòng vốn của VietinBank đang bám sát định hướng của Chính phủ, tập trung hỗ trợ tín dụng cho các dự án kinh tế trọng điểm”, ông Trần Minh Bình nói.
Tại Vietcombank, Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Thanh Tùng cho hay, tính đến cuối tháng 6/2025, tài sản Ngân hàng ước đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 1,8% so với cuối năm 2024. Tổng dư nợ cấp tín dụng đối với nền kinh tế sau khi hỗ trợ VCBNeo ước tăng hơn 5% so với cuối năm 2024. Cơ cấu tín dụng tiếp tục chuyển dịch theo hướng chất lượng, hiệu quả, bền vững. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 1%, thấp nhất trong số các tổ chức tín dụng quy mô lớn. Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu đạt khoảng 219%, cao nhất hệ thống ngân hàng. Thu nợ ngoại bảng đạt xấp xỉ 1.900 tỷ đồng, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2024. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) được kiểm soát tốt và dự kiến giảm so với cuối năm 2024.
“Vietcombank tiếp tục giữ vị trí số 1 thị trường về quy mô vốn hóa và lợi nhuận, là ngân hàng thương mại dẫn đầu về chất lượng và hiệu quả hoạt động”, ông Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh.
Tương tự VietinBank, đầu tư công được nhận định đã hỗ trợ Vietcombank tăng trưởng tín dụng. Tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2025 của Vietcombank có thể đạt 13% so với cùng kỳ, được hỗ trợ bởi đẩy mạnh cho vay các dự án hạ tầng. Cho vay khách hàng doanh nghiệp lớn tiếp tục là động lực chính, trong khi mảng cho vay bán lẻ phục hồi chậm hơn do môi trường kinh tế còn nhiều bất định. Mặc dù các doanh nghiệp FDI chiếm khoảng 10% dư nợ của Vietcombank, nhưng tác động từ chính sách thuế quan sẽ ở mức hạn chế, do nhóm khách hàng này có khả năng tài chính mạnh.
Bên cạnh đầu tư công là động lực chính cho tăng trưởng dư nợ cho vay, môi trường lãi suất thấp tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp tiếp tục là động lực chính của tín dụng trong quý II/2025. Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 26/6/2025, dư nợ tín dụng đạt 16.912.866 tỷ đồng, tăng 8,3% so với đầu năm (cùng kỳ năm trước tăng 4,85%); trong đó VND tăng 8,28%, ngoại tệ tăng 8,81%. Đây là mức tăng trưởng cao nhất từ năm 2023 trở lại đây.
Thận trọng nhưng vẫn lạc quan
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của các ngân hàng phản ánh triển vọng tăng trưởng tương ứng lành mạnh của nền kinh tế.
Ngành ngân hàng Việt Nam hiện đang vận hành trong bối cảnh thận trọng nhưng đầy lạc quan. Mục tiêu tăng trưởng GDP 8% hoặc cao hơn trong năm 2025 mà Chính phủ đề ra đặt ra yêu cầu lớn đối với hệ thống tài chính. Đáp lại kỳ vọng này, Ngân hàng Nhà nước đã đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 16% - một con số nổi bật trong khu vực, phản ánh nhu cầu vốn mạnh mẽ từ lĩnh vực sản xuất, thương mại đang bùng nổ và bất động sản dần hồi phục.
Trong diễn biến có liên quan, cuối tháng 6 vừa qua, S&P Global Market Intelligence công bố báo cáo xếp loại hiệu quả hoạt động của 50 ngân hàng niêm yết lớn nhất khu vực Đông Nam Á, bao gồm Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines và Việt Nam. Theo đó, các ngân hàng Việt Nam và Indonesia đang dẫn đầu bảng xếp hạng dựa trên hiệu quả kinh doanh năm 2024, trong đó có đến 6 ngân hàng Việt Nam lọt vào Top 10 xếp hạng.
“Sự tăng trưởng mạnh mẽ của các ngân hàng tại Indonesia và Việt Nam phản ánh triển vọng tăng trưởng tương ứng lành mạnh của nền kinh tế. Một loạt các đợt cắt giảm lãi suất chính sách đã giúp lãi suất và chi phí vay thấp hơn, hỗ trợ nhu cầu tín dụng”, Ivan Tan, chuyên gia phân tích tại S&P Global Ratings chia sẻ.
Với mục tiêu tăng trưởng GDP 8% hoặc cao hơn vào năm 2026, nền kinh tế quốc gia sẽ vượt quá 500 tỷ USD. Đáng chú ý, các ngân hàng Việt Nam phải tăng vốn điều lệ để cải thiện tỷ lệ đủ vốn đạt tiêu chuẩn quốc tế.
“Bình quân các ngân hàng Việt Nam tăng trưởng tín dụng ở mức khoảng 15% mỗi năm. Tốc độ tăng trưởng nhanh này đã gây căng thẳng cho tỷ lệ đủ vốn, hiện ở mức 12,5%, tính đến cuối năm 2024. Theo đó, một số ngân hàng đã chuyển hướng sang các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài nhằm củng cố vốn và chuyển giao các thông lệ quản lý rủi ro và kinh doanh tốt nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của ngân hàng”, Ivan Tan nói.
Xung quanh vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế cảnh báo, hiện nay, nợ xấu nội bảng của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tiệm cận mức 4%, trong khi tỷ lệ dư nợ xấu bao gồm cả nợ xấu bán cho VAMC, nợ xấu tiềm ẩn, nợ ngoại bảng còn cao hơn nhiều. Nếu tính gộp tất cả các loại nợ xấu trên, nợ xấu thực chất đang tạo ra áp lực lớn đối với an toàn hệ thống. Việc tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh trong năm 2025 là hệ quả của nhiều nguyên nhân tích tụ trong thời gian dài, bao gồm ảnh hưởng kéo dài của đại dịch Covid-19, thiên tai và đặc biệt là việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ của doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn trước đây.
“Đà tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ cũng đi kèm với không ít thách thức, chủ yếu xoay quanh lo ngại về chất lượng tài sản, đặc biệt là các khoản tiếp xúc với bất động sản và áp lực thanh khoản tại các tổ chức quy mô nhỏ... Do vậy, cần thận trọng, sẵn sàng các giải pháp hạn chế tác động đến kết quả kinh doanh 6 tháng cuối năm 2025”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.
Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà nhấn mạnh: “Để thực hiện mục tiêu vừa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo mục tiêu của Chính phủ, trong 6 tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành đồng bộ các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, cũng như khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Đồng thời, kịp thời triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ngân hàng”.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/loi-nhuan-ngan-hang-tang-toc-post372591.html