Lợi nhuận Nhựa Bình Minh hồi phục sau 3 quý tụt dốc

Mặc dù vẫn sụt giảm so với mức đỉnh của cùng kỳ năm ngoái nhưng lợi nhuận của Nhựa Bình Minh trong quý 2/2024 đã cải thiện hơn 3 quý liền trước.

Nhựa Bình Minh có tình hình tài chính lành mạnh.

Nhựa Bình Minh có tình hình tài chính lành mạnh.

CTCP Nhựa Bình Minh (mã BMP) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2024 với tổng doanh thu đạt 1.153 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Biên lợi nhuận cải thiện nhẹ từ mức 42,8% lên 43,8%. Doanh thu tài chính cũng sụt giảm một nửa so với cùng kỳ, về mức 17 tỷ đồng.

Các loại chi phí đều được tiết giảm hơn so với cùng kỳ, trong đó chi phí bán hàng giảm mạnh 32% về mức 117 tỷ đồng.

Kết quả, công ty lãi sau thuế hơn 280 tỷ đồng, giảm 5% so với quý 2/2023. So với ba quý liền trước, con số này đã có sự tăng trưởng đáng kể.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Nhựa Bình Minh mang về 2.156 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 22% so với cùng kỳ năm ngoái; lợi nhuận sau thuế 470 tỷ đồng, giảm 18%.

Năm 2024, doanh nghiệp lên kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu 5.540 tỷ đồng, tăng 6,5% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế dự kiến 1.030 tỷ đồng, gần như đi ngang so với thực hiện năm ngoái. Như vậy sau nửa năm, công ty đã thực hiện được 39% mục tiêu doanh thu và 46% mục tiêu lợi nhuận năm.

Tại thời điểm cuối quý 2/2024, tổng tài sản của Nhựa Bình Minh ở mức gần 3.100 tỷ đồng, giảm nhẹ so với hồi đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn vẫn là tiền gửi ngân hàng với 1.300 tỷ đồng, tăng hơn 100 tỷ đồng so với đầu năm. Tiền mặt và các khoản tương đương tiền giảm một nửa sau 6 tháng, còn hơn 450 tỷ đồng.

Bên kia bảng cân đối kế toán, nợ phải trả của công ty ở mức 434 tỷ đồng, giảm hơn 100 tỷ đồng so với đầu năm, gồm 55 tỷ đồng vay ngắn hạn. Các khoản nợ khác là phải trả người bán (98 tỷ đồng), phải trả người lao đồng (89 tỷ đồng), phải nộp Nhà nước (85 tỷ đồng)…

Trên thị trường, cổ phiếu BMP kết phiên 16/7 ở mốc 96.400 đồng/cp, giảm 13% trong gần một tháng qua. Sau giai đoạn leo dốc trong năm 2023 nhờ kết quả kinh doanh vượt trội, BMP đã đi xuống khi doanh nghiệp ngành nhựa không còn thuận lợi. Tuy nhiên đây vẫn là một trong những cổ phiếu đắt giá nhất trên sàn hiện nay. Vốn hóa của Nhựa Bình Minh đạt gần 7.900 tỷ đồng.

Ngoài tình hình kinh doanh, tài chính ổn định, cổ phiếu Nhựa Bình Minh còn được ưa thích bởi lịch sử trả cổ tức tiền mặt cao. Tháng 6 vừa qua, công ty đã chi gần 500 tỷ đồng để chia cổ tức còn lại của năm 2023, với tỷ lệ 61% (tức 1 cổ phiếu nhận 6.100 đồng). Trước đó, doanh nghiệp đã tạm ứng cổ tức năm 2023 đợt 1 tỷ lệ 65% (6.500 đồng/cp) vào cuối năm ngoái. Tổng tỷ lệ chi trả lên tới 126% (1 cổ phiếu nhận 12.600 đồng).

Năm 2022, Nhựa Bình Minh cũng dành gần như toàn bộ lợi nhuận để chia cổ tức với tỷ lệ 84%.

Hiện, Nawaplastic - thành viên của Tập đoàn SCG (Thái Lan) là cổ đông lớn nắm hơn 45 triệu cổ phiếu BMP, tương ứng 55% vốn của doanh nghiệp nhựa.

Phạm Ngọc

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/loi-nhuan-nhua-binh-minh-hoi-phuc-sau-3-quy-tut-doc-31272.html