Lối thoát cho Mỹ trong cuộc đua tài nguyên hiếm với Trung Quốc

Một hướng đi khác cho Mỹ để đối phó với tình trạng thiếu đất hiếm – đó là tái chế, một ý tưởng không mới nhưng đang được 'hồi sinh'.

Khi Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh giành vị thế thống trị về kinh tế, công nghệ và địa chính trị, các nguyên tố và kim loại quan trọng dùng trong thiết bị điện tử dân dụng, công nghiệp và quân sự đang trở thành “quân tốt” trong cuộc cạnh tranh rộng lớn hơn. Trong số này, chuỗi cung ứng đất hiếm – lĩnh vực mà Trung Quốc đang nắm lợi thế – là ví dụ rõ nét nhất.

Tuần qua, Bộ Quốc phòng Mỹ đã mua cổ phần lớn tại MP Materials – công ty vận hành mỏ đất hiếm duy nhất đang hoạt động tại Mỹ. Tuy nhiên, vẫn còn một hướng đi khác để đối phó với tình trạng thiếu đất hiếm – đó là tái chế, một ý tưởng không mới nhưng đang được “hồi sinh”.

Pin xe điện đã qua sử dụng đang tạo ra một phân khúc tái chế mới đầy tiềm năng. Ảnh minh họa: TTXVN

Pin xe điện đã qua sử dụng đang tạo ra một phân khúc tái chế mới đầy tiềm năng. Ảnh minh họa: TTXVN

*Tiềm năng to lớn của ngành tái chế

Tái chế hiện nay đã vượt xa hình ảnh thu gom lon, chai nhựa và giấy báo. Thế hệ doanh nghiệp tái chế mới, gồm cả công ty lâu đời và công ty khởi nghiệp (startup), đang phát triển công nghệ thu gom và xử lý lượng rác thải điện tử ngày càng lớn – từ máy tính, điện thoại, máy chủ, máy thu hình, thiết bị y tế đến các thiết bị công nghệ thông tin (IT) khác.

Đặc biệt, pin xe điện đã qua sử dụng, tuốc-bin gió và tấm pin Mặt Trời đang tạo ra một phân khúc tái chế mới đầy tiềm năng. Không chỉ riêng đất hiếm, bất kỳ thiết bị điện tử nào không thể tái sử dụng hay tận dụng linh kiện đều có thể được tái chế để thu hồi vàng, bạc, đồng, niken, thép, nhôm, lithium, cobalt và nhiều kim loại khác phục vụ sản xuất. Các nguyên tố đất hiếm như neodymium, praseodymium, terbium và dysprosium – vốn cần thiết cho từ máy bay chiến đấu đến máy khoan – cũng đang được những công ty tái chế nhắm đến. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng kim loại và đất hiếm truyền thống – phần lớn đến từ Trung Quốc – đang bị gián đoạn bởi thuế quan, chính sách thương mại và yếu tố địa chính trị, thị trường tái chế rác thải điện tử đang trở thành nguồn thay thế quan trọng để đáp ứng nhu cầu điện hóa ngày càng cao. Ông John Mitchell, Chủ tịch Hiệp hội Điện tử toàn cầu, nói: “Chúng ta nhập khẩu rất nhiều thiết bị điện tử có chứa vàng, nhôm và thép. Điều đó mở ra cơ hội lớn cho tái chế, đặc biệt khi hàng hóa bị đánh thuế cao”. Tầm quan trọng của đồng càng được nhấn mạnh khi giá kim loại này tăng vọt hồi đầu tháng 7/2025 sau tuyên bố của Tổng thống Trump về việc áp thuế 50% lên đồng nhập khẩu. Trong khi Mỹ hiện nhập gần một nửa lượng đồng tiêu dùng, việc phát triển mỏ mới trong nước mất khoảng 30 năm, khiến đồng tái chế trở thành lựa chọn hấp dẫn. Theo công ty dữ liệu năng lượng Wood Mackenzie, đến năm 2050, khoảng 45% nhu cầu đồng toàn cầu sẽ được đáp ứng từ tái chế – tăng so với mức 1/3 hiện nay. Nhiều công ty nước ngoài đã đầu tư vào nhà máy tái chế tại Mỹ. Năm 2022, công ty Wieland (Đức) khởi công dự án 100 triệu USD tại bang Kentucky, còn Aurubis – một công ty Đức khác – đầu tư 800 triệu USD xây nhà máy tại bang Georgia.

Công nhân nữ làm việc tại một nhà máy tái chế rác thải điện tử ở Osorno, Tây Ban Nha. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Công nhân nữ làm việc tại một nhà máy tái chế rác thải điện tử ở Osorno, Tây Ban Nha. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

*Thời kỳ kinh tế số thúc đẩy rác điện tử

Từ những năm 1990, khi kinh tế số hình thành, số lượng thiết bị điện tử bùng nổ và dẫn tới lượng rác thải khổng lồ. Xu hướng này còn được thúc đẩy bởi năng lượng tái tạo, xe điện, trí tuệ nhân tạo (AI) và hệ thống dữ liệu. Theo ước tính của Liên minh Viễn thông quốc tế và Viện nghiên cứu UNITAR, năm 2022, thế giới tạo ra kỷ lục 62 triệu tấn rác điện tử – tăng 82% so với năm 2010. Con số này có thể đạt 82 triệu tấn vào năm 2030.

Riêng Mỹ tạo ra gần 8 triệu tấn rác điện tử vào năm 2022, nhưng chỉ khoảng 15–20% được tái chế đúng cách. Theo IBISWorld, doanh thu ngành tái chế rác thải điện tử đạt 28,1 tỷ USD năm 2024 và có thể tăng trưởng bình quân 8% mỗi năm. Với các thiết bị lưu trữ dữ liệu như điện thoại thông minh (smartphone), máy tính, máy chủ… việc xóa thông tin nhạy cảm trước khi tái chế là bắt buộc, để đảm bảo an toàn thông tin và tuân thủ quy định môi trường. Dịch vụ này (gọi là ITAD) hiện do nhiều công ty lớn và chuyên biệt cung cấp, như Waste Management, Sims Lifecycle Services hay Electronic Recyclers International. Giám đốc điều hành (CEO) Dave Daily của công ty dịch vụ tái chế sản phẩm điện tử Full Circle Electronics cho biết doanh nghiệp của ông đang chứng kiến lượng rác điện tử tăng nhanh, phần nào do các cá nhân và doanh nghiệp “đẩy nhanh chu kỳ nâng cấp thiết bị” nhằm né tác động của thuế. Full Circle Electronics cũng cung cấp linh kiện không thể tái sử dụng cho các bên tái chế kim loại. Những vật liệu như bàn phím, dây điện, bo mạch… sau khi phân loại sẽ được tách lấy kim loại và đất hiếm, tiếp tục quay vòng trong chuỗi cung ứng.

*Khôi phục chuỗi cung ứng nội địa

Ngay từ trước các chính sách của chính quyền Tổng thống Trump nhằm phục hồi sản xuất nội địa, nhiều startup đã phát triển công nghệ tái chế rác điện tử.

Trung Quốc hiện kiểm soát khoảng 90% chuỗi cung ứng đất hiếm toàn cầu, đặc biệt là nam châm đất hiếm – thành phần quan trọng trong xe điện, thiết bị bay không người lái (drone), thiết bị y tế, vũ khí… Tháng 4/2025, Trung Quốc giới hạn xuất khẩu 7 loại đất hiếm để đáp trả chính sách thuế của Mỹ, khiến Ford buộc phải đóng cửa nhà máy do thiếu nam châm. Gần đây, Trung Quốc cấp phép tạm thời 6 tháng cho một số công ty cung ứng lớn của Mỹ, nhưng nguồn cung vẫn chưa thể khôi phục hoàn toàn. Để đối phó, Chính phủ Mỹ tăng đầu tư vào khai thác và tái chế trong nước. Ngoài việc Bộ Quốc phòng đầu tư vào MP Materials, Chính phủ Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Joe Biden từng cấp 45 triệu USD cho công ty này. Tháng Tư vừa qua, Bộ Nội vụ Mỹ cũng phê duyệt dự án khai thác đất hiếm Colosseum tại California, có thể trở thành mỏ thứ hai của nước này. Cùng lúc, nhiều startup tái chế cũng vào cuộc. Công ty khởi nghiệp Illumynt có công nghệ chiết xuất đất hiếm từ ổ cứng cũ của các trung tâm dữ liệu. Western Digital, Microsoft và các đối tác cũng đang hợp tác thu hồi kim loại quý từ thiết bị lưu trữ hết hạn. Công ty Canada Cyclic Materials phát triển công nghệ chiết xuất đất hiếm từ động cơ xe điện, tuốc-bin gió và máy MRI. Họ đang đầu tư hơn 20 triệu USD để xây nhà máy tại Arizona (Mỹ). Cuối năm ngoái, Glencore đã ký hợp đồng nhiều năm để cung cấp đồng tái chế cho Cyclic. Pin lithium-ion hết hạn cũng là nguồn tài nguyên hấp dẫn với các công ty tái chế, vì chứa lithium, đồng, cobalt, nickel, mangan và nhôm – những vật liệu quan trọng cho pin xe điện. Tuy nhiên, một số ưu đãi thuế theo Đạo luật Giảm Lạm phát (IRA) đang bị đe dọa cắt giảm. Việc đầu tư vào lĩnh vực này cũng tiềm ẩn rủi ro. Glencore từng chi hơn 327 triệu USD vào startup tái chế pin Li-Cycle ở Toronto, Canada, nhưng công ty này gặp khủng hoảng tài chính và nộp đơn xin phá sản hồi tháng 5/2025, buộc Glencore phải đưa ra đề nghị mua lại dự án trị giá ít nhất 40 triệu USD.

Minh Trang/Bnews/vnanet.vn

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/loi-thoat-cho-my-trong-cuoc-dua-tai-nguyen-hiem-voi-trung-quoc/380289.html