Lớn lên cùng tình yêu văn hóa dân tộc
Chàng trai Hồ Ngọc Thái - người dân tộc Cor đam mê bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống.
“Văn hóa là cội nguồn của dân tộc, như là hơi thở của cuộc sống. Mình là người Cor phải am hiểu văn hóa của dân tộc Cor để rồi truyền lại cho con cháu sau này. Có như vậy mới giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống”. Đó là lời bộc bạch của chàng trai người dân tộc Cor Hồ Ngọc Thái (35 tuổi), ở thôn Bắc, xã Trà Sơn (Trà Bồng).
Niềm đam mê lớn dần theo năm tháng
Anh Hồ Ngọc Thái dáng người nhỏ nhắn nhưng toát lên vẻ rắn chắc, lanh lợi của chàng trai miền sơn cước. Anh Thái sinh ra và lớn lên trong “cái nôi” văn hóa của người Cor Trà Bồng. Nói như thế là bởi anh may mắn có cha ruột là một trong những người đánh chiêng giỏi của làng, còn cha vợ của anh là ông Hồ Văn Biên - người được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Từ nhỏ, anh Thái đã được tiếp cận các di sản văn hóa truyền thống của dân tộc Cor, đặc biệt là học cách đánh từng điệu chiêng của các nghệ nhân, già làng. Anh Thái biết đánh cồng chiêng từ rất sớm, khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Anh Thái kể rằng, ngày còn nhỏ, mỗi khi làng có lễ hội hay lễ cúng, buổi tối, cha anh cùng các chú bác trong làng tụ tập đánh cồng chiêng, tập dợt các bài chiêng để đánh trong lễ hội. Anh như bị mê hoặc bởi âm thanh vang vọng, rộn ràng mà linh thiêng của tiếng cồng, tiếng chiêng. Anh Thái cùng các bạn nhỏ trong làng tối nào cũng chạy theo ngồi dựa vào cửa hay ở sân nhà xem các bậc cha chú biểu diễn. Khi lớn hơn, anh được cha ruột và cha vợ hướng dẫn cách đánh từng bài chiêng, hiểu về nhịp điệu và ý nghĩa của từng bài chiêng cho từng lễ cúng. Ban đầu, do còn nhỏ, vóc người anh cũng gầy nhỏ nên để cầm được chiếc chiêng nặng rất khó khăn, cầm một lát đã mỏi nhừ tay, lại còn phải dùng 1 tay để đánh chiêng, sức còn yếu nên anh đánh chiêng không thể vang vọng, hào hùng được. Thế nhưng, với lòng kiên trì và niềm đam mê cháy bỏng, anh dần dần thuần thục, biết cách cầm chiêng sao cho đỡ mỏi, đánh đúng nhịp điệu, trở thành một trong những người trẻ tuổi hiếm hoi của làng có thể đánh được nhiều bài chiêng của người Cor từ lễ cúng đến ngày hội làng...

Anh Hồ Ngọc Thái (bên trái) cùng cha vợ là nghệ nhân ưu tú Hồ Văn Biên (giữa) và người dân trong làng làm cây nêu truyền thống của đồng bào Cor.
Bằng sự nỗ lực không ngừng, anh Thái trở thành một trong những thành viên trẻ tuổi nhất của làng được tham gia biểu diễn cồng chiêng trong các lễ hội, liên hoan nghệ thuật trong huyện, trong tỉnh. Sự kiện đặc biệt nhất trong cuộc đời anh là vào năm 2009, khi chỉ mới 19 tuổi, anh đã vinh dự được cùng cha vợ là nghệ nhân ưu tú Hồ Văn Biên, tham gia Giao lưu văn hóa - nghệ thuật quốc tế tại đảo Jeju (Hàn Quốc). “Đối với tôi, chuyến giao lưu văn hóa - nghệ thuật quốc tế tại Hàn Quốc là kỷ niệm không thể nào quên. Khi đó, tôi còn trẻ mà được các bác tin tưởng cho tham gia, cảm thấy vinh dự và tự hào lắm. Khi đứng trên sân khấu biểu diễn cồng chiêng trước người nước ngoài, tôi càng thêm tự hào về văn hóa dân tộc mình”, anh Thái nhớ lại.
"Mỗi lần được tham gia biểu diễn trong các lễ, hội ở địa phương tôi học hỏi được rất nhiều điều hay và rất vui khi được trình diễn những bài chiêng đặc sắc của dân tộc Cor. Tôi rất tự hào về truyền thống văn hóa của dân tộc và cứ thế tình yêu với văn hóa dân tộc cứ lớn dần trong tôi”.
Anh HỒ NGỌC THÁI
Từ đó, anh Thái càng quyết tâm học hỏi và trau dồi kiến thức văn hóa dân tộc mình. Anh tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, lễ hội, truyền dạy đánh cồng chiêng cho lớp trẻ tại làng. Mỗi lần huyện, xã tổ chức các sự kiện văn hóa, anh lại cùng đội nghệ thuật quần chúng tích cực luyện tập và biểu diễn. Những năm gần đây, huyện Trà Bồng tổ chức nhiều sự kiện văn hóa - nghệ thuật như Ngày hội văn hóa các dân tộc thiểu số của huyện, tham gia liên hoan cồng chiêng, đàn và hát dân ca các cấp, các nghệ nhân người Cor có nhiều cơ hội để thể hiện tài năng, niềm đam mê với văn hóa truyền thống, giữ gìn phát huy giá trị văn hóa dân tộc. Anh Thái vinh dự được cùng cha anh đại diện cho xã, cho thôn tham gia biểu diễn. “Mỗi dịp lễ hội, biểu diễn là mỗi lần tôi được giao lưu văn hóa, được trình diễn những bài chiêng đặc sắc của dân tộc Cor. Tôi cảm thấy rất đỗi tự hào, cứ thế tình yêu với văn hóa dân tộc cứ lớn dần trong tôi”, anh Thái xúc động nói.
Truyền lửa đam mê
Không chỉ giỏi đánh cồng chiêng, anh Thái còn dành thời gian tìm hiểu về nghệ thuật trang trí cây nêu - di sản văn hóa độc đáo của dân tộc Cor. Nghệ thuật trang trí cây nêu của người Cor đã được Bộ VH-TT&DL công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Cây nêu của người Cor không đơn thuần là một vật trang trí mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc, được dựng lên trong các nghi lễ quan trọng như cúng trâu, cúng tổ tiên. Những người trẻ thường không để ý đến việc làm cây nêu vì nó đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và tinh thần trách nhiệm cao. Nhưng với anh Thái, đây là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa dân tộc.

Anh Hồ Ngọc Thái (giữa) cùng Đội cồng chiêng xã Trà Sơn (Trà Bồng) biểu diễn tại Lễ hội Điện Trường Bà.
“Hồi nhỏ, mỗi lần trong làng có lễ cúng trâu, nhìn thấy ba và các bác trong làng làm cây nêu, tôi thấy rất thích, rất đẹp nên để ý cách làm. Dần dần, tôi được các cụ cho tham gia làm những công đoạn nhỏ, từ kết tua hoa bằng vỏ cây, xỏ cườm, cho đến khắc họa tiết trên thân cây. Tôi học để biết, sau này các cụ không còn làm được nữa thì thế hệ mình sẽ làm, rồi mình dạy lại cho con cháu...”, anh Thái tâm sự. Mới đây, huyện Trà Bồng đã tổ chức trưng bày cây nêu truyền thống của người Cor nhân kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng huyện. Mỗi xã làm một cây nêu tham gia triển lãm tại Quảng trường 28/8, và anh Thái là người trẻ duy nhất của xã được mời cùng các nghệ nhân dựng cây nêu đại diện cho xã Trà Sơn. Điều này là minh chứng cho sự đam mê và cống hiến không mệt mỏi của anh đối với văn hóa dân tộc Cor.
Không chỉ đam mê văn hóa, anh Thái còn là người có trách nhiệm với cộng đồng, được người dân ở địa phương quý mến. Hiện tại, anh đảm nhiệm vai trò Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bắc xã Trà Sơn. Công việc tuy bận rộn nhưng anh vẫn dành thời gian để duy trì các hoạt động văn hóa, truyền dạy cho lớp trẻ trong làng.
“Thấy con gái, con trai, con rể của mình đều có tình yêu với văn hóa dân tộc, mình cảm thấy rất vui. Mai này mình có già, có theo các cụ thì cũng yên tâm khi văn hóa dân tộc đã có thế hệ sau gìn giữ, lưu truyền...”, nghệ nhân Hồ Văn Biên phấn khởi chia sẻ. Trong thời đại hội nhập, khi nhiều người trẻ hướng về những loại hình nghệ thuật hiện đại, thì những người như anh Thái vẫn kiên trì giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống. Nhờ có những người trẻ đầy tâm huyết như anh Thái, văn hóa của dân tộc Cor không chỉ được bảo tồn mà còn lan tỏa, phát huy, góp phần tạo nên bản sắc riêng biệt và độc đáo của cộng đồng. Chàng trai Hồ Ngọc Thái không chỉ là một người yêu văn hóa mà còn là người truyền lửa đam mê văn hóa cho thế hệ trẻ. Giữa những bộn bề lo toan của cuộc sống, những con người như anh chính là những hạt nhân góp phần bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc cho hôm nay và mai sau.
Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/lon-len-cung-tinh-yeu-van-hoa-dan-toc-post317759.html