Lớp học giữa nhà tù thực dân

Trong lần đi sưu tầm tư liệu để viết lịch sử báo chí cách mạng tỉnh Gia Lai, tôi đã tình cờ đọc được cuốn hồi ký 'Trang đời' của ông Trần Văn Quế. Tập sách như một lời khẳng định đanh thép về lòng yêu nước, sự kiên trung bất khuất của người chiến sĩ cách mạng. Dù trong ngục tù với bao trận đòn dã man và chế độ lao tù khắc nghiệt nhưng vẫn không thể khuất phục ý chí cách mạng của những người cộng sản.

Nhà đày Buôn Ma Thuột (Ảnh: TTXVN)

Nhà đày Buôn Ma Thuột (Ảnh: TTXVN)

Ông Trần Văn Quế là cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng. Trong kháng chiến chống Pháp, ông từng giữ các chức vụ: Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum (1950-1951), Bí thư Đoàn Thanh niên Liên khu 5, Bí thư Thanh vận Liên khu 5. Sau ngày thống nhất đất nước, ông làm Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Cách mạng Trung Bộ. Những năm 1976-1986, ông là Thứ trưởng Thường trực Bộ Lâm nghiệp. Đặc biệt, trước Cách mạng Tháng Tám, ông Trần Văn Quế tham gia hoạt động cách mạng tại Quảng Nam, từng là học trò cũng là em vợ của ông Phan Thêm (Phan Khắc), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai. Ông Quế và ông anh vợ Phan Khắc từng bị Pháp bắt giam tại nhà tù Buôn Ma Thuột từ năm 1941 cùng sinh hoạt trong nhà lao với ông Võ Toàn (Võ Chí Công) và ông Nguyễn Chí Thanh. Sau đó, ông Quế cùng một số đồng chí đã vượt ngục thành công (ngày 28-2-1944) trở về quê nhà tiếp tục hoạt động chống Pháp. Sau này, ông được Khu ủy phân công về công tác trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai-Kon Tum.

Nhà tù (nhà đày) Buôn Ma Thuột do thực dân Pháp xây dựng từ năm 1930 trên thửa đất hình vuông, mỗi cạnh dài 200 m, tường cao dày bao bọc xung quanh. Nhà đày chia làm 6 lao, chủ yếu giam cầm, lưu đày biệt xứ đối với những nhà hoạt động cách mạng, những chiến sĩ cộng sản ở Trung Bộ, trên cao nguyên núi rừng trùng điệp, sơn lam chướng khí nhằm tiêu diệt ý chí đấu tranh chống Pháp của những người Việt yêu nước.

Lần đầu đến nhà đày Buôn Ma Thuột, ông Quế thật sự kinh ngạc với tường rào cao ngất đầy mảnh chai sắc nhọn cùng những tên lính đen nhẻm, đeo súng, bộ dạng hung dữ. Ông nghĩ, giữa chốn rừng thiêng nước độc này, chắc khó bề trốn thoát, có khi còn bỏ mạng ở chốn thâm sơn cùng cốc này không chừng. Người đầu tiên ông gặp trong nhà lao số 5 là anh rể Phan Khắc. Ông Quế rất mừng vì có người thân bên cạnh để trao đổi, tâm tình. Ông Phan Khắc bấy giờ cũng đã tập hợp được một số đảng viên cộng sản ở các địa phương khác bị lưu đày, nhưng tuyệt đối giữ bí mật về thân phận và chấp hành các quy tắc tổ chức. Các đồng chí là hạt nhân tổ chức Đảng bí mật trong nhà đày Buôn Ma Thuột lúc đó, ngoài ông Khắc còn có các ông: Trần Hữu Dực, Nguyễn Chí Thanh, Nguyễn Tuân, Đặng Thí, Nguyễn Hữu Khiếu… Ông Quế là tù nhân mới nên được ông Khắc nhắc nhở các nội quy, đặc biệt là không làm lộ danh tính của mình và các đồng chí trong tổ chức; giữ gìn tình đoàn kết anh em trong lao và các nhà lao khác trong sinh hoạt đời sống cũng như trong đấu tranh với bọn cai ngục.

Tổ chức cũng đã phân công các tù nhân có năng lực phụ trách các mặt công tác như: học văn hóa, chính trị, huấn luyện kỹ thuật quân sự, đời sống, rèn luyện kỹ năng vượt ngục… Giờ học tập của tù nhân do các thủ lĩnh trong nhà lao bí mật tổ chức là thời gian buổi tối, từ 18 giờ đến 20 giờ. Bấy giờ, ở nhà lao, cứ sau giờ cơm chiều vội vàng, các tù nhân chia theo từng nhóm nhỏ tụ tập ở góc khóm. Quý thầy phụ trách môn gì thì theo nhóm để giảng bài. Ở ngục Buôn Ma Thuột lúc này có đủ các lớp học, môn học như: Pháp văn, Trung văn, Lịch sử, Địa lý, Chính trị, kể cả môn Chủ nghĩa Mác-Lênin, cùng các lớp vận động, tuyên truyền, diễn thuyết, vận động quần chúng, tổ chức hoạt động bí mật… Nhờ những kiến thức trong nhà tù này đã giúp ông rất nhiều trong công tác. Các học trò là tù nhân rất ham học, cố gắng ghi nhớ và thầy luôn ôn bài và gọi học trò trả bài một cách bài bản nên có hiệu quả và tiến bộ. Nhiều thầy dù không chuyên sư phạm nhưng kiến thức rất vững, nhớ dai và phương pháp truyền đạt lôi cuốn khiến nhiều học trò không bỏ buổi học nào. Để tránh tai mắt của bọn cai ngục, mật thám, các thầy phải tránh né những phần nhạy cảm với nhiều thủ pháp cao tay để không lọt những nội dung mà chúng coi là “phản nghịch”. Khi những giờ thư giãn, học tập bên ngoài đã xong, tất cả tù nhân vào trong cùm nhà lao, trước khi ngủ thì đều được nghe đọc báo bằng tiếng Pháp (mỗi nhà lao đều được cấp tờ báo tiếng Pháp cho tù nhân đọc). Người nào giỏi tiếng Pháp thì nghe, còn không thì các thầy dịch tóm tắt để mọi người hiểu. Sau đó, mọi người bình luận vấn đề chính trị, xã hội, kinh tế trong và ngoài nước theo sự hiểu biết, nhận thức của mình. Cuối cùng, các thầy sẽ giảng giải lại và đúc kết vấn đề, khen ngợi những lời bình tâm huyết, đúng vấn đề của mọi người.

Thực dân Pháp muốn dùng nhà tù để đàn áp, đè bẹp ý chí đấu tranh của người chiến sĩ cộng sản, những nhà cách mạng chân chính. Tuy nhiên, tại nơi ngục tù tối tăm, tàn bạo của kẻ thù, những người yêu nước kiên cường đã bằng mọi cách biến nhà tù thành trường học, đào tạo và hoàn thiện kiến thức và phẩm chất cách mạng cho các chiến sĩ cộng sản để họ tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

BÙI QUANG VINH

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/lop-hoc-giua-nha-tu-thuc-dan-post258454.html