Luật Dược sửa đổi, bổ sung: Nhiều chính sách hỗ trợ phát triển ngành dược, bảo đảm thuốc chất lượng, giá hợp lý

Tại Điều 7 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược nêu lên 16 chính sách của Nhà nước về dược. Trong đó, có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để phát triển công nghiệp dược thành ngành công nghiệp mũi nhọn.

Bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, giá cả hợp lý

Theo đó, Điều 7 của Luật về Chính sách của Nhà nước về dược quy định: Bảo đảm cung ứng đủ, kịp thời thuốc có chất lượng, giá hợp lý cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân, phù hợp với cơ cấu bệnh tật và yêu cầu quốc phòng, an ninh, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, thảm họa, phòng, chống dịch bệnh.

Bảo đảm sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả; có chính sách phát triển hoạt động dược lâm sàng và cảnh giác dược; Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp dược thành ngành công nghiệp mũi nhọn;

Đối với các thuốc được mua từ nguồn vốn NSNN, vốn từ nguồn thu hợp pháp khác của cơ sở y tế công lập thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu và ưu đãi trong mua thuốc; về ưu tiên thủ tục hành chính.

Chiều 21/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Chiều 21/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Luật còn quy định, áp dụng các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ từ Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia, Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao quốc gia và các quỹ khác hỗ trợ cho hoạt động khoa học và công nghệ.

Kết hợp đầu tư NSNN với huy động các nguồn lực khác cho phát triển công nghiệp sản xuất vaccine, sinh phẩm, thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền, thuốc sản xuất từ nguồn dược liệu trong nước, thuốc generic đầu tiên sản xuất trong nước; nuôi trồng, sản xuất dược liệu; phát hiện, bảo tồn và ứng dụng khoa học, công nghệ trong nghiên cứu, phát triển nguồn gen dược liệu quý, hiếm, đặc hữu.

ĐBQH bấm nút biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

ĐBQH bấm nút biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Hỗ trợ, tạo điều kiện phát hiện, thử lâm sàng, đăng ký lưu hành,bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có liên quan và kế thừa đối với thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu được sản xuất trên cơ sở nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, cấp Bộ hoặc cấp tỉnh đã được nghiệm thu… Có chính sách bảo vệ bí mật trong bào chế, chế biến và dữ liệu thử nghiệm lâm sàng thuốc cổ truyền; đãi ngộ hợp lý đối với người hiến tặng bài thuốc cổ truyền quý cho Nhà nước; tạo điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề cho người sở hữu bài thuốc gia truyền được Bộ Y tế công nhận.

Khuyên khích nhà thuốc, quầy thuốc hoạt động xuyên ngày đêm

Khuyến khích phát triển hệ thống cung ứng thuốc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại và hiệu quả, bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ thuốc có chất lượng, đáp ứng nhu cầu sử dụng thuốc của Nhân dân; khuyến khích nhà thuốc, quầy thuốc hoạt động 24/24 giờ.

Huy động cơ sở y tế thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh quân dân y tham gia cung ứng thuốc và nuôi trồng dược liệu nhằm đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của Nhân dân tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện KT-XH đặc biệt khó khăn.

Phát triển công nghiệp dược trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn.

Phát triển công nghiệp dược trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn.

Bên cạnh đó, Luật còn có chính sách nâng cao chất lượng nguồn nhân lực dược, hỗ trợ hoạt động đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong nghiên cứu, phát triển, tiếp nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất, thử nghiệm thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc công nghệ cao, thuốc dược liệu và thuốc cổ truyền; Có chính sách giữ giá, giảm giá đối với thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, thuốc công nghệ cao, vaccine, thuốc hiếm được chuyển giao công nghệ sản xuất tại Việt Nam.

Chính sách kiểm soát số lượng giấy đăng ký lưu hành thuốc đối với các thuốc có cùng dược chất, dược liệu phù hợp với điều kiện KT-XH trong từng thời kỳ; Ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong các hoạt động về dược.

Tại Điều 8 về Chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược cũng quy định rõ: Thực hiện chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực dược theo quy định của pháp luật về đầu tư.

Đối với dự án đầu tư thành lập mới (bao gồm cả việc mở rộng dự án thành lập mới đó) trong phát triển công nghiệp dược có tổng vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư thì được áp dụng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt như đối tượng quy định tại điểm a khoản 2 Điều 20 của Luật Đầu tư.

Lê Bảo

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/luat-duoc-sua-doi-bo-sung-nhieu-chinh-sach-phat-trien-bao-dam-cung-ung-du-kip-thoi-thuoc-chat-luong-gia-hop-ly-169241121155225242.htm