Luật Hóa chất (sửa đổi): Xác định rõ loại hình dự án được hưởng hỗ trợ đầu tư đặc biệt
Góp ý về dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), nhiều đại biểu đã đề cập đến vấn đề ưu đãi đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp hóa chất.
Cần ưu đãi đầu tư, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp hóa chất
Sáng 7/2/2025, tiếp tục phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi).
![Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung làm việc](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_35_51421319/370f3c8e05c0ec9eb5d1.jpg)
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung làm việc
Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với định hướng giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) như tên gọi của Luật; quy định về chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất; trách nhiệm xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất; ưu đãi đối với lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm, về sử dụng hóa chất; đăng ký và quản lý hóa chất mới, hóa chất nguy hiểm trong sản phẩm, hàng hóa; xây dựng kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất và kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với sự cố hóa chất cấp tỉnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thống nhất với nhiều nội dung đã được các cơ quan tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật, một số ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật đã được các cơ quan tiếp thu.
Liên quan đến ưu đãi đầu tư, ông Hoàng Thanh Tùng cho biết, khoản 1 Điều 7 của dự thảo luật hiện nay đang được tiếp thu theo hướng dự án đầu tư trong lĩnh vực hóa chất với một số điều kiện thì được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt theo quy định của Luật Đầu tư và quy định của luật khác có liên quan.
"Về nguyên tắc, chúng tôi đồng tình và đề nghị cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đối chiếu với chủ trương của Đảng, các nghị quyết có liên quan để xác định rõ phạm vi và các dự án, loại hình dự án được hưởng chế độ hỗ trợ đầu tư đặc biệt" - ông Tùng nói.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, với những quy định như tại Điều 7, đề nghị phải có đánh giá để cần thiết phải sửa trong Luật Đầu tư. Bởi vì, khoản 2 Điều 20 của Luật Đầu tư hiện nay đã được sửa đổi, cập nhật đến thời điểm này thì không bao hàm những dự án đầu tư đang quy định trong Luật Hóa chất này và nếu như vậy thì quy định tại Điều 7 sẽ không thực hiện được, vì chỗ này có liên quan đến Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp mà Quốc hội sẽ thông qua tại kỳ họp tới cùng với Luật Hóa chất (sửa đổi).
![Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_35_51421319/2a9024111d5ff401ad4e.jpg)
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay nêu với những ưu đãi đặc biệt về thuế thu nhập doanh nghiệp cho các dự án đầu tư được hưởng các ưu đãi đặc biệt chỉ viện dẫn đến khoản 2 Điều 20 của Luật Đầu tư.
Chúng ta có quy định hỗ trợ đầu tư đặc biệt ở Luật này nhưng Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp không quy định được hưởng ưu đãi, cũng không có giá trị. "Chúng tôi đề nghị phải có sự phối hợp với đồng bộ giữa các cơ quan Chính phủ với các cơ quan của Quốc hội trong việc hoàn thiện pháp Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp" - ông Tùng lưu ý.
Ông Tùng cũng cho biết, tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phát hành một văn bản gửi Chính phủ, đề nghị Chính phủ phải rà soát, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất về chính sách giữa các dự án luật cùng trình Quốc hội.
Bởi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp khi trình Kỳ họp thứ 8 là thu hẹp phạm vi và các đối tượng được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thu hẹp rất lớn, từ khoảng 100 nhóm ngành nghề ưu đãi theo địa bàn và theo ngành nghề xuống còn khoảng 30 nhóm.
Như vậy, đã lược bỏ rất nhiều những đối tượng khác cho nên nếu không sửa đồng bộ ở trong các luật và một số dự án luật khác cùng trình Kỳ họp thứ 8, trong đó có Luật Hóa chất thì mở rộng phạm vi ưu đãi ra, tức là đi theo 2 hướng hoàn toàn ngược lại nhau và cứ như vậy, tính thống nhất hệ thống pháp luật không đảm bảo, đồng thời, sẽ triệt tiêu lẫn nhau, triệt tiêu các quy định trong các luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cũng bày tỏ quan điểm liên quan đến vấn đề ưu đãi đầu tư cho lĩnh vực công nghiệp hóa chất, đây là một lĩnh vực rất quan trọng có ý nghĩa đối với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của chúng ta trong thời gian sắp tới.
Theo ông Lê Quang Mạnh, việc chúng ta thiết kế các ưu đãi dẫn chiếu sang Luật Đầu tư là đúng nguyên tắc, phù hợp, tại vì chúng ta thiết kế hệ thống luật để làm sao tránh trùng lắp và đồng bộ. Tuy nhiên, Luật Đầu tư hiện nay không chỉ có vấn đề về ưu đãi thuế, ngoài vấn đề ưu đãi về thuế còn có các ưu đãi khác, hiện nay quá trình thiết kế các ưu đãi này chưa thực sự đi được vào cuộc sống, vì có sự không đồng bộ giữa các luật.
Quay lại vấn đề về ưu đãi thuế mà Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, ông Mạnh thông tin, trong quá trình làm với cơ quan soạn thảo là Bộ Tài chính, chúng tôi cũng đã đề cập rất nhiều đến các ưu đãi trong các lĩnh vực khác nhưng cơ quan chủ trì soạn thảo vẫn khẳng định quan điểm của Chính phủ là thu hẹp lại phạm vi của các lĩnh vực được ưu đãi thuế.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách mong muốn khi thiết kế Điều 7, ngoài nội dung để Luật Đầu tư quy định là phù hợp, nhưng nên có thêm nguyên tắc về các ưu đãi hay các biện pháp hỗ trợ khác để thúc đẩy ngành công nghiệp hóa chất có thể phát triển được trong thời gian tới. "Ví dụ, việc sử dụng quỹ hỗ trợ đầu tư cũng là một kênh rất hay để có thể hỗ trợ cho các địa phương khắc phục ô nhiễm về môi trường khi đầu tư các dự án hóa chất trọng điểm tại địa phương" - ông Mạnh gợi ý.
Đảm bảo chất lượng của dự án luật trình Quốc hội
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát để đảm bảo ý kiến của các đại biểu Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp này và tại Thông báo Kết luận số 4255 ngày 17/9/2024 được tiếp thu và giải trình đầy đủ, thuyết phục; tiếp tục rà soát để đảm bảo thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu đặt ra khi sửa đổi luật và đảm bảo chất lượng của dự án luật trình Quốc hội.
Ngoài ra, các cơ quan cần tiếp tục rà soát để đảm bảo thống nhất và tính khả thi trong hệ thống pháp luật và lưu ý quan hệ với các luật, nhất là Luật Đầu tư, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Quảng cáo, Luật Bảo vệ Môi trường và Luật Phòng thủ dân sự; đảm bảo việc thực hiện chủ trương đổi mới của Đảng, Quốc hội trong công tác xây dựng Luật. Thực hiện nghiêm các quy định của Nghị quyết 27 và Quy định 178.
![Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_07_35_51421319/367534f40dbae4e4bdab.jpg)
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh
Đối với những nội dung còn ý kiến khác nhau thì các cơ quan cần cân nhắc, nghiên cứu theo hướng đề xuất của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, giao Chính phủ quy định để đảm bảo linh hoạt và phù hợp với chủ trương đổi mới trong xây dựng luật, không quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ, không luật hóa nghị định, thông tư.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng lưu ý tiếp tục rà soát thêm để thể chế hóa đầy đủ hơn Kết luận 36 của Bộ Chính trị về xây dựng và triển khai lộ trình cấm sử dụng các loại hóa chất độc hại, ô nhiễm nguồn nước và Kết luận 81 của Bộ Chính trị về yêu cầu thực hiện đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng công bằng.
Bên cạnh đó, cần rà soát thêm các quy định liên quan đến cơ chế cấp phép nhanh đối với hóa chất mới sử dụng trong trường hợp khẩn cấp để đảm bảo việc quản lý hóa chất, yêu cầu an toàn hóa chất nhưng đồng thời đáp ứng nhu cầu cấp thiết.
"Tinh thần chung là đảm bảo giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí, tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp nhưng đảm bảo được quản lý theo mục tiêu đối với lĩnh vực đặc biệt này" - Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Mặt khác, tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định liên quan đến xây dựng, tổ chức thực hiện chiến lược phát triển công nghiệp để đảm bảo tương thích, phù hợp với pháp luật về quy hoạch, không để xảy ra vướng mắc khi thực hiện vấn đề quy hoạch hóa chất.
Ngoài các nội dung trên, các thành viên trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng tham gia nhiều ý kiến cụ thể vào các điều, khoản trong luật, đề nghị cơ quan thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo Luật tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến.
Do vậy, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ để hoàn thiện dự thảo Luật và các tài liệu liên quan, thực hiện các công việc theo quy định. Hoàn chỉnh hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội xem xét, quy định.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra để hoàn thiện báo cáo tiếp thu, giải trình dự thảo Luật.
Tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự chủ động, tích cực của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Công Thương, các Bộ, cơ quan hữu quan trong việc nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật và các tài liệu báo cáo giải trình được chuẩn bị cơ bản đầy đủ.