Luật hóa Nghị quyết 42 và những mâu thuẫn pháp lý cần giải quyết
Quốc hội cũng đã biểu quyết thông qua việc luật hóa Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu cho các tổ chức tín dụng vào Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi), một cú hích mạnh cho kỳ vọng hạ tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% và giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, việc nâng cấp các nội dung của một nghị quyết tập trung vào các giải pháp ngắn hạn thành luật dài hạn đòi hỏi các cơ chế hỗ trợ để hạn chế các xung đột với các luật hiện hành.

Việc luật hóa Nghị quyết 42 được kỳ vọng hạ tỷ lệ nợ xấu xuống dưới 3% và giảm chi phí vốn cho doanh nghiệp. Ảnh: LÊ VŨ
Sáu năm thí điểm cho thấy Nghị quyết 42 rút ngắn thời gian thu hồi một khoản vay từ ba năm xuống chưa đầy mười tháng, xử lý các tình huống mà luật hiện hành chưa chạm tới. Thế nhưng ngay khi nghị quyết hết hiệu lực vào đầu năm 2024, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của toàn hệ thống đã bật tăng hơn 5%, buộc ngân hàng tăng trích lập dự phòng rủi ro và siết chặt chất lượng tín dụng. Điều đó chứng minh hệ thống phụ thuộc khá lớn vào giải pháp ngắn hạn này. Luật hóa Nghị quyết 42 là sự xác nhận cho một cơ chế thí điểm đã chứng minh hiệu quả, cũng là mệnh lệnh thị trường để tránh vòng lặp nợ xấu - trích lập - lãi suất cao.
Nghị quyết 42 - Một làn đường khẩn cấp giải quyết nợ xấu ngắn hạn
Nghị quyết 42 được thiết kế như một làn khẩn cấp trên cao tốc: mở ra trong năm năm (2017-2022, sau đó gia hạn trong năm 2023) để giải tỏa ách tắc trong vấn đề giải quyết nợ xấu tồn đọng, rồi tự đóng lại khi hệ thống luật gốc được hoàn thiện.
Trước đó, muốn thu hồi một nhà xưởng hay mảnh đất thế chấp, ngân hàng phải khởi kiện ra tòa, chờ phán quyết có hiệu lực, rồi thi hành - có thể mất thời gian đến vài năm. Nghị quyết 42 cho phép thu giữ tài sản bảo đảm trực tiếp nếu hợp đồng bảo đảm có điều khoản quy định vấn đề này, rút thời gian xuống còn 3-6 tháng. Số liệu cho thấy tỷ lệ hợp tác của người đi vay cũng cao hơn, tăng từ 20% lên hơn 40% khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, giúp nhanh chóng bàn giao tài sản ngay sau thông báo, để tránh việc xử lý theo Nghị quyết 42 sẽ khiến người vay bị bất lợi trong việc kiểm soát giá trị thanh lý.

Quá trình xử lý nợ xấu của ngân hàng cũng thường bị tắc lại nhiều trong giai đoạn trước khi Nghị quyết 42 được ban hành, liên quan đến các bản án hình sự. Rất nhiều dự án bất động sản dở dang và khối tài sản bị kê biên từng khiến ngân hàng chờ đợi trong tuyệt vọng. Nghị quyết 42 buộc cơ quan điều tra hoàn trả tài sản sau khi kết thúc điều tra và cho phép chuyển nhượng dự án ngay cả khi chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nhờ vậy, chỉ riêng năm 2023 hàng loạt dự án dang dở được chuyển chủ, giúp xử lý đáng kể lượng nợ xấu của ngân hàng.
Nghị quyết 42 lần đầu cho phép bán nợ dưới giá gốc, xóa lo ngại rủi ro pháp lý cho các nhân viên ngân hàng, đặc biệt là các ngân hàng quốc doanh, liên quan đến việc bán các tài sản của Nhà nước dưới giá gốc, từ đó kích hoạt thị trường nợ thứ cấp. Khối lượng giao dịch nợ của VAMC và các quỹ đầu tư tăng 2,5 lần so với giai đoạn 2012-2016.
Trong giai đoạn thí điểm Nghị quyết 42, nếu có những xung đột với các luật hiện hành thì hầu như cơ quan chức năng đều định hướng xử lý theo tinh thần của nghị quyết. Tuy nhiên, khi luật hóa Nghị quyết 42 thì sẽ có một số vấn đề sẽ cần phải giải quyết.
Những xung đột pháp lý tiềm ẩn khi luật hóa
Khi đường khẩn cấp trở thành xa lộ chính thì mỗi ưu tiên của các nội dung được luật hóa từ Nghị quyết 42 phải khớp với hệ thống luật hiện hành; nếu không, ưu tiên mới sẽ bị chính bức tường pháp lý cũ chặn lại. Nội dung bên dưới sẽ liệt kê một số tình huống mâu thuẫn chính giữa các quy định quan trọng của Nghị quyết 42 đã được luật hóa và các quy định khác của pháp luật liên quan. Các mâu thuẫn này vốn dĩ đã tồn tại trong giai đoạn nghị quyết được triển khai thí điểm, do đó việc luật hóa sẽ phải tính đến việc thống nhất về quan điểm của các luật khi nhìn về các vấn đề này, và các nghị định hướng dẫn liên ngành đóng vai trò rất quan trọng.
Một trong những nội dung của Nghị quyết 42 đã được luật hóa trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng là việc trao quyền thu giữ tài sản bảo đảm trực tiếp cho ngân hàng nếu tài sản đó không đang trong tranh chấp được thụ lý nhưng chưa giải quyết. Tuy nhiên, nội dung này lại va chạm với các quy định của Bộ luật Dân sự 2015 (chỉ xử lý tài sản khi có phán quyết của tòa hoặc thỏa thuận) và quy định của Luật Thi hành án dân sự (tài sản tranh chấp thuộc thẩm quyền của cơ quan thi hành án). Việc Chính phủ sẽ ban hành nghị định hướng dẫn trước ngày có hiệu lực của các nội dung được luật hóa là ngày 15-10-2025 về định nghĩa thế nào là tài sản bảo đảm đủ điều kiện được thu giữ sẽ đóng vai trò rất quan trọng để có thể đánh giá khả năng dung hòa những mâu thuẫn nội tại có thể phát sinh với các luật hiện hành.
Tiếp theo là vấn đề hoàn trả tài sản bảo đảm đối với các tài sản liên quan đến các vụ án hình sự. Nội dung được luật hóa cho phép ngân hàng đề nghị cơ quan điều tra hoàn trả tài sản sau khi kết thúc điều tra nếu có quy định trong hợp đồng nhận bảo đảm ban đầu. Tuy nhiên rủi ro về cơ chế phối hợp giữa ngân hàng, vốn là một đơn vị kinh doanh, với cơ quan điều tra vẫn là một vấn đề cần giải quyết. Sự phối hợp này cần có một văn bản hướng dẫn liên ngành về các cơ sở để ngân hàng đưa ra yêu cầu cho cơ quan điều tra và xác định rõ thế nào là các tài sản không liên quan đến quá trình điều tra để hạn chế tình trạng xin cho về sau.
Một nội dung nữa cũng rất quan trọng đó là sự phối hợp liên ngành với các cơ quan chức năng như công an/UBND. Nội dung luật hóa đã đưa ra các định hướng để phù hợp với mô hình quản lý hành chính hai cấp được triển khai sắp tới. Tuy nhiên, hiện tại Luật Công an Nhân dân 2018 vẫn chưa có quy định về nhiệm vụ phối hợp của các đơn vị chức năng này. Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại xây dựng quy trình nội bộ về quá trình thu giữ tài sản bảo đảm cũng như có thông báo cho Ngân hàng Nhà nước. Đây cũng là một vấn đề cần có văn bản hướng dẫn để tránh những ách tắc có thể phát sinh.
Việc luật hóa Nghị quyết 42 mở cánh cửa xử lý nợ xấu nhanh, giảm chi phí vốn và khơi thông tín dụng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, các quy định khi luật hóa chỉ bền vững và khả thi trong thực tiễn khi được hỗ trợ tổng thể từ hệ thống các luật liên quan. Các quy định hướng dẫn chi tiết về sự phối hợp của các bộ ngành liên quan sẽ đóng vai trò rất quan trọng để tạo ra cơ chế hợp tác của các cơ quan tương lai và hạn chế việc chồng chéo các quy định.
(*) CFA