Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là điểm nhấn trong 'bộ tứ chiến lược'

Doanh nghiệp cần hành lang pháp lý rõ ràng, ưu đãi trọng điểm, cơ chế tài chính minh bạch để phát huy vai trò trong nền kinh tế đổi mới sáng tạo.

Chiều ngày 13/5, Quốc hội tiến hành thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo. Trong đó nhiều đại biểu quan tâm đến các chính sách đảm bảo minh bạch để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ trong khối doanh nghiệp tư nhân khi Nghị quyết 68 được coi là một trong những trụ cột để kinh tế tư nhân phát triển.

Cần khung pháp lý minh bạch, ưu đãi đúng trọng tâm

Chia sẻ bên lề hành lang Quốc hội chiều ngày 13/5, đại biểu Trịnh Xuân An (Đoàn Đồng Nai) nhấn mạnh: Khoa học công nghệ là động lực then chốt cho đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo, nhiều quy định dành cho doanh nghiệp khoa học công nghệ còn chưa rõ ràng.

Đạ biểu Trịnh Xuân An - Đoàn Đồng Nai

Đạ biểu Trịnh Xuân An - Đoàn Đồng Nai

Ông đề nghị cần làm rõ khái niệm, tiêu chí, ưu đãi tài chính, cơ chế chuyển giao công nghệ và quyền sở hữu sản phẩm nghiên cứu. Đặc biệt, cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp khoa học công nghệ khu vực công và tư tham gia sâu vào các dự án, kể cả dưới 20 tỷ đồng, thông qua cơ chế chỉ định thầu, đặt hàng, giao nhiệm vụ.

Đặc biệt, Luật cần tránh tình trạng ưu đãi cào bằng, thay vào đó, tập trung đầu tư có trọng điểm cho doanh nghiệp khoa học công nghệ nòng cốt, có hàm lượng nghiên cứu cao và đóng góp lớn cho nền kinh tế”- Đại biểu Trịnh Xuân An nói.

Trong dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo, phần quy định về đổi mới sáng tạo (Chương 4) tuy đã đề cập đến mục tiêu, chu trình và phương pháp, nhưng vẫn chưa thể hiện rõ ràng nội hàm đổi mới sáng tạo trong từng cấp độ. Bản thân khoa học công nghệ đã bao hàm đổi mới sáng tạo, song luật cần cụ thể hóa rõ hơn để tránh tình trạng chung chung, mơ hồ.

Đơn cử như "đổi mới sáng tạo trong nền kinh tế" còn mập mờ, chưa phân định rõ giữa các cấp độ: quốc gia, vùng, địa phương và doanh nghiệp. Trong khi đó, đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp là yêu cầu nội tại, họ buộc phải tự triển khai. Nếu luật không làm rõ được phần này thì sẽ thiếu dấu ấn và khó triển khai vào thực tiễn”- Đại biểu Trịnh Xuân An nêu.

Ông góp ý, về chuyển đổi số, cần xác định đây không chỉ là một nhiệm vụ đơn lẻ, mà phải được lồng ghép xuyên suốt trong toàn bộ chu trình khoa học và công nghệ. Điều này cũng cần được quy định cụ thể hơn trong luật.

Ngoài ra, cơ chế tài chính phải được thiết kế có phân loại, có trọng tâm và không thể cào bằng. Doanh nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao, tỷ trọng đầu tư lớn và đóng góp thực chất cho nền kinh tế cần được hưởng ưu đãi rõ ràng về tài chính, vốn, hạ tầng… Vì vậy, cần xác định rõ nhóm doanh nghiệp khoa học công nghệ trọng điểm để tập trung nguồn lực hỗ trợ, thay vì dàn trải khiến chính sách kém hiệu quả.

Thực tiễn quốc tế cho thấy, nhiều quốc gia chỉ cần vài tập đoàn dẫn dắt cũng có thể tạo đột phá. Việt Nam cũng cần hướng tới đầu tư có chọn lọc, có chiều sâu để tạo sức bật thực sự cho khu vực doanh nghiệp khoa học công nghệ.

Thể chế hóa kịp thời Nghị quyết 68 về kinh tế tư nhân

Phát biểu thảo luận tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Hậu Giang) nhấn mạnh sự cần thiết phải thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân trong dự thảo Luật Khoa học, Công nghệ và Đổi mới sáng tạo.

Ông cho rằng, để biến kinh tế tư nhân thành động lực quan trọng, cần có hành lang pháp lý rõ ràng, cho phép khu vực này tham gia sâu vào hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo đó, đại biểu đề nghị tại Điều 4, cần bổ sung quy định Nhà nước có chương trình tài trợ riêng cho doanh nghiệp, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân, để thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Thực tiễn quốc tế cho thấy nhiều quốc gia như: Đức, Hàn Quốc đã áp dụng hiệu quả chính sách này.

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Hậu Giang)

Đại biểu Nguyễn Tuấn Anh (Đoàn Hậu Giang)

Theo đại biểu, Điều 12 vẫn nghiêng về cơ chế xét chọn nhiệm vụ khoa học công nghệ, gây khó khăn cho doanh nghiệp tư nhân tiếp cận. Do vậy, cần thiết kế cơ chế đấu thầu, minh bạch, công khai, đảm bảo doanh nghiệp có năng lực được tham gia bình đẳng vào các nhiệm vụ cấp quốc gia.

Đồng thời, tại Điều 23, ông đề nghị làm rõ quy định về quyền sở hữu kết quả nghiên cứu sử dụng ngân sách nhà nước, đặc biệt với doanh nghiệp có yếu tố nước ngoài để tránh cản trở chuyển giao công nghệ và mâu thuẫn với cam kết quốc tế.

Đại biểu nhấn mạnh tinh thần kết nối giữa Nghị quyết 57 (coi khoa học công nghệ là nền tảng phát triển bền vững) và Nghị quyết 68 (trao vai trò động lực cho kinh tế tư nhân).

Do đó, luật cần thiết kế cơ chế “cởi trói”, trao quyền và tạo niềm tin cho doanh nghiệp đặc biệt là tư nhân khi tham gia vào hệ sinh thái khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của quốc gia”- đại biểu kiến nghị.

Luật phải là cú hích thực sự cho doanh nghiệp sáng tạo

Chia sẻ bên lề hành lang ngày 13/5, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) cho biết: Việc xây dựng dự Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo lần này là cần thiết. Trước đó, Nghị quyết 193/2025 của Quốc hội ra đời là nhằm thể chế hóa Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị. Tuy vậy, nếu luật được ban hành sẽ mang tính toàn diện hơn, giúp các cơ chế, chính sách đi vào thực tiễn tốt hơn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân

Hiện nay, cộng đồng doanh nghiệp cũng như các nhà khoa học, các tổ chức nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo, các startup… đang rất trông chờ vào sự ra đời của Luật này.

Ông Huân khẳng định khi nhắc đến Nghị quyết 57 thì cũng phải nhắc tới Nghị quyết 59, 66, 68 của Bộ Chính trị. Đây được gọi là “bộ tứ chiến lược” và phải đi cùng nhau mới phát huy hiệu quả các cơ chế, chính sách. Và nếu dự Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được thông qua tại Kỳ họp 9 này sẽ góp phần tạo đà, chắp cánh cho các doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh.

Dù vậy, nếu nhận thấy khi thông qua dự Luật mà có thể “dục tốc bất đạt”, chưa đạt yêu cầu như chủ trương, đường lối định hướng trong Nghị quyết 66 về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên mới, không bám được tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, công văn của chủ tịch Quốc hội… trong công tác xây dựng pháp luật tại Kỳ họp thứ 8 thì phải cân nhắc, tính toán.

Ai cũng mong luật được ban hành càng sớm càng tốt như tinh thần của Tổng Bí thư Tô Lâm là vừa chạy vừa xếp hàng, tuy nhiên nếu chạy “lộn xộn” thì chúng ta sẽ không đạt kết quả như yêu cầu” – đại biểu Huân nhìn nhận.

Đại biểu đoàn Bình Dương cho hay tới đây cơ quan soạn thảo sẽ tổng hợp ý kiến góp ý của các đại biểu tại phiên thảo luận tổ, hội trường để có những tính toán cụ thể. “Trường hợp vẫn chưa thông qua được thì chúng ta có thể phải lùi lại một bước” – ông Huân nói thêm.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/luat-khoa-hoc-cong-nghe-va-doi-moi-sang-tao-la-diem-nhan-trong-bo-tu-chien-luoc-387432.html