Luật Nhà ở: Gỡ những 'điểm nghẽn' trong triển khai các dự án bất động sản
Luật Nhà ở được sửa đổi và sớm ban hành ngày 1/8 đã quy định rõ về trình tự, thủ tục triển khai các dự án phát triển nhà ở.
"Điểm nghẽn" lớn nhất hiện nay trong triển khai các dự án bất động sản là cơ chế chính sách chưa động bộ dẫn đến thực trạng cung không đủ cầu, các dự án không được phê duyệt trong khi nhu cầu nhà ở rất lớn. Ông Nguyễn Thế Điệp, Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng, điều này đang gây ra hệ quả làm giá nhà tăng cao, nhà giá rẻ khan hiếm, khiến người thu nhập thấp khó chạm đến giấc mơ 'an cư'.
"Các thủ tục pháp lý hiện rất phức tạp, kéo dài. Để làm một dự án bất động sản, thủ tục có thể kéo dài từ 3-5 năm, thậm chí có dự án kéo dài từ 10-15 năm; kìm hãm đà phát triển của thị trường bất động sản".
Hiện nay, trình tự thủ tục triển khai các dự án bất động sản phải qua rất nhiều bước, liên quan đến những quy định pháp luật khác nhau của rất nhiều luật. Dẫn đến trong trình tự thực hiện các bước cũng chưa được đồng bộ, thậm chí cách hiểu, cách áp dụng của các cơ quan quản lý cũng khác nhau. Ông Vương Duy Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng chia sẻ.
"Những khó khăn này đã từng bước được giải quyết. Chúng ta đã biết tất cả các luật liên quan trực tiếp đến việc triển khai thực hiện các dự án bất động sản đã được nghiên cứu sửa đổi đồng thời để bảo đảm đồng bộ. Ví dụ Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai được sửa đổi đồng thời, tránh các quy định còn chồng chéo của 3 luật này trước đây.
Luật Nhà ở được sửa đổi và sớm ban hành thời gian tới cũng đã đưa vào một nội dung quy định trình tự, thủ tục các dự án phát triển nhà ở. Trong đó có quy định rõ ràng từng bước để triển khai dự án. Hy vọng với quy định này và được cụ thể hóa bằng Nghị định hướng dẫn chi tiết, Luật Nhà ở sẽ giải quyết được việc triển khai các dự án được đồng bộ, nhanh gọn, rút ngắn được các trình tự, thủ tục".
Trước lo lắng của nhiều doanh nghiệp bất động sản là tuy các luật sẽ có hiệu lực sớm từ 1/8, nhưng để luật đi vào thực tế sớm được hay không còn phải thông qua một bước rất quan trọng là việc triển khai các Nghị định và Thông tư hướng dẫn, trong khi thời gian còn lại rất ngắn, khối lượng công việc lại rất lớn. Về vấn đề này, ông Lê Văn Bình, Phó Vụ trưởng Vụ đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết.
"Tất cả các bộ như Bộ TN&MT, Xây dựng, Tài Chính, NN&PTNT, LĐTB&XH cùng các bộ ngành có liên quan có trách nhiệm tham mưu cho Chính phủ ban hành các Nghị định hay các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Vừa rồi, Chính phủ đã ban hành Nghị định 71 quy định về giá đất. Còn lại, chúng tôi đang hoàn thiện để trình Chính phủ; cơ bản các bộ ngành cũng đã hoàn thiện. Chắc chắn, Chính phủ sẽ hoàn thành việc ban hành các Nghị định trong tháng 7 này, để trong tháng 8 khi Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai có hiệu lực thì tất cả sẽ đồng bộ đi vào thực tiễn ngay".
Theo nhiều chuyên gia, đây là các đạo luật nền tảng để thực thi chủ trương, chính sách bảo đảm an sinh xã hội của đất nước; giữ vai trò trung tâm trong hệ thống pháp luật về nhà ở, thị trường bất động sản; có tác động bao trùm tới toàn bộ nền kinh tế.