Luật - Những điểm mới: Cơ quan thanh tra được tổ chức theo 2 cấp
Luật Thanh tra năm 2025 quy định, hệ thống các cơ quan thanh tra được tổ chức theo 2 cấp gồm: Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh, thành phố. Luật mới cũng lược bỏ các quy định về Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra sở, Thanh tra huyện, tổ chức và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành.
Không phân biệt thanh tra hành chính, thanh tra chuyên ngành
Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt, Luật Thanh tra năm 2025 tiếp tục kế thừa và đổi mới trong quá trình sắp xếp hệ thống cơ quan thanh tra theo hướng tập trung, thống nhất, tinh gọn về một đầu mối theo 2 cấp ở Trung ương và địa phương, khắc phục những bất cập, hạn chế, chồng chéo, trùng lặp trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan thanh tra hiện nay.
Luật gồm 9 chương và 64 Điều, trong đó, hệ thống các cơ quan thanh tra được tổ chức theo 2 cấp gồm: Thanh tra Chính phủ và Thanh tra tỉnh, thành phố (gọi chung là Thanh tra tỉnh).

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Tiến Đạt. Ảnh: H.Ngọc
Bên cạnh đó, có các cơ quan thanh tra đặc thù, đó là: cơ quan thanh tra trong Công an, Quân đội, Ngân hàng Nhà nước (Thanh tra Bộ Quốc phòng, Thanh tra Bộ Công an, Thanh tra Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan thanh tra khác trong Quân đội, Công an nhân dân, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo quy định của Chính phủ); Thanh tra Cơ yếu; cơ quan thanh tra được thành lập theo điều ước quốc tế. Tổ chức và hoạt động cụ thể của Thanh tra Cơ yếu và cơ quan thanh tra được thành lập theo theo điều ước quốc tế, luật giao Chính phủ quy định.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, “so với Luật hiện hành, Luật Thanh tra năm 2025 đã lược bỏ các quy định về Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ, cơ quan thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra sở, Thanh tra huyện, tổ chức và hoạt động của cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành”.
Thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền trong hoạt động thanh tra, Luật chỉ quy định các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Các nội dung thuộc thẩm quyền của Chính phủ được quy định tại Nghị định, như: việc bổ nhiệm, miễn nhiệm thanh tra viên; xử lý chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động thanh tra; sửa đổi, bổ sung kế hoạch tiến hành thanh tra...
Luật Thanh tra cũng quy định thống nhất một hoạt động "thanh tra", không phân biệt thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành. Thanh tra Chính phủ, Thanh tra tỉnh và các cơ quan thanh tra khác tiến hành thanh tra theo một trình tự, thủ tục thống nhất quy định tại Luật và các nghị định hướng dẫn thi hành.
Luật quy định cụ thể về trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước trong thực hiện kết luận thanh tra; quy định cơ chế phối hợp và xử lý chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động thanh tra, kiểm toán nhà nước, điều tra, kiểm sát, kiểm tra.
Bổ sung nhiệm vụ phòng, chống lãng phí cho cơ quan thanh tra
Luật mới tăng cường mối quan hệ công tác giữa Thanh tra Chính phủ với các Bộ, ngành, giữa Thanh tra tỉnh với các Sở, ngành và UBND cấp xã; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, không để có "khoảng trống" pháp luật khi sắp xếp hệ thống các cơ quan thanh tra. Theo đó, Luật đã bổ sung nhiệm vụ cho các cơ quan thanh tra trong công tác phòng, chống lãng phí; bổ sung quy định về kiểm soát quyền lực trong hoạt động thanh tra, nhằm thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về phòng, chống lãng phí, về kiểm soát quyền lực.
Đồng thời, bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn cho Thanh tra Chính phủ, Tổng Thanh tra Chính phủ. Bổ sung quy định về thanh tra trực tuyến, từ xa; quy định mang tính nguyên tắc về kiểm tra chuyên ngành; quy định bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật, pháp lệnh, nghị quyết có liên quan đến thanh tra không còn phù hợp. Bổ sung phương án xử lý các trường hợp phát sinh sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy tại quy định chuyển tiếp.
Về kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra; chế độ, chính sách với thanh tra viên, Luật quy định, kinh phí hoạt động của cơ quan thanh tra do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi, phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chi cho hoạt động và nâng cao năng lực của cơ quan thanh tra. Chế độ, chính sách, phụ cấp với thanh tra viên do Chính phủ quy định.
Việc trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra thực nộp ngân sách nhà nước và cho phép cơ quan thanh tra được sử dụng nguồn kinh phí trích để bảo đảm cho hoạt động đặc thù của cơ quan thanh tra đã được quy định, thực hiện ổn định từ năm 2006 đến nay. Trong Thông tư liên tịch số 42 năm 2006 và hiện là Nghị quyết số 37/2023/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định, các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.
Hàng năm, các cơ quan thanh tra báo cáo khoản tiền thu hồi qua thanh tra thực nộp ngân sách nhà nước kèm theo dự toán sử dụng kinh phí gửi cơ quan tài chính cùng cấp để trình cơ quan có thẩm quyền bố trí kinh phí cho cơ quan thanh tra. Kinh phí trích được chi tiêu đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ; được kiểm soát chi qua Kho bạc Nhà nước và được thẩm định, kiểm tra, kiểm toán, quyết toán theo quy định của pháp luật.
Khoản kinh phí này có tác dụng giúp cơ quan thanh tra thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ công tác thanh tra, tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực - những lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, có tính chất như một số ngành nội chính; nhất là trong phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, tham nhũng, tiêu cực, đòi hỏi phải có sự bảo đảm từ ngân sách nhà nước để tăng cường năng lực và tạo sự chủ động cho cơ quan thanh tra.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Thanh tra Chính phủ sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức xây dựng các dự thảo Nghị định trình Chính phủ, bao gồm: Nghị định về hoạt động kiểm tra chuyên ngành; Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra quốc phòng; Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Công an nhân dân; Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra ngành Ngân hàng, bảo đảm các quy định của Luật sớm đi vào cuộc sống.