Luật phải có 'tuổi thọ' cao
Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn hiện vẫn còn một số vấn đề lớn có ý kiến khác nhau. Nhấn mạnh mục tiêu làm sao để luật có 'tuổi thọ' cao, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị, các cơ quan, đơn vị, cá nhân phải cộng đồng trách nhiệm rất cao để bảo đảm chất lượng luật, từ đó tạo được niềm tin trong nội bộ và Nhân dân.
Cần thiết duy trì quy hoạch chung với thành phố trực thuộc Trung ương
Quy định về quy hoạch chung của thành phố trực thuộc Trung ương (khoản 2 Điều 3 và Điều 21) là một nội dung còn có ý kiến khác nhau khi Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn tại Kỳ họp thứ Bảy. Một số ý kiến đề nghị tiếp tục lập quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung của thành phố trực thuộc Trung ương; quy hoạch chung của thành phố trực thuộc Trung ương là quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, cụ thể hóa và phải phù hợp với quy hoạch tỉnh. Một số ý kiến đề nghị đối với thành phố trực thuộc Trung ương chỉ lập một bản quy hoạch có tính chất định hướng bao hàm nội dung, yêu cầu của cả hai quy hoạch.
Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng cho biết, trong Thường trực Ủy ban Kinh tế đến nay vẫn còn có ý kiến khác nhau về nội dung này. Để có thêm cơ sở thực tiễn, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã có Công văn số 2985/UBKT15 gửi 5 thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị cho ý kiến. Tuy nhiên, cho đến nay, Thường trực Ủy ban Kinh tế chưa nhận được văn bản phúc đáp, do đó, dự thảo Luật đang thể hiện theo phương án của Chính phủ trình tại Kỳ họp thứ Bảy, tức là với các thành phố trực thuộc Trung ương sẽ có cả quy hoạch cấp tỉnh và quy hoạch chung.
“Trên cơ sở ý kiến của các thành phố trực thuộc Trung ương, Thường trực Ủy ban Kinh tế sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ Xây dựng, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan để nghiên cứu, hoàn thiện các quy định có liên quan để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế khẳng định.
Tán thành với phương án giữ quy hoạch chung của thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy lý giải, quy hoạch chung và quy hoạch cấp tỉnh của thành phố trực thuộc Trung ương có chức năng, nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau. Mặt khác, tỷ lệ bản đồ đối với các quy hoạch này cũng khác nhau. Quy hoạch của cấp tỉnh có tỷ lệ bản đồ cao nhất là 1/100.000, trong khi đó, quy hoạch chung của thành phố trực thuộc Trung ương chỉ có tỷ lệ bản đồ là 1/10.000, 1/25.000 để làm các quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng cho rằng, sự giống nhau giữa hai bản quy hoạch này có chăng là ở những phần có tính chất dẫn giải về điều kiện kinh tế - xã hội hay mô tả chung, còn hai công cụ quản lý này hoàn toàn khác nhau về quy mô, chức năng, nhiệm vụ. Do đó, việc duy trì quy hoạch chung với thành phố trực thuộc Trung ương là cần thiết.
Giải trình tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, vai trò của quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị lập cho thành phố trực thuộc Trung ương đã xác định rõ tại các pháp luật có liên quan. Trong đó, Luật Quy hoạch năm 2017 xác định rõ quy hoạch chung đô thị là bước cụ thể hóa hơn, chi tiết hơn quy hoạch tỉnh. Như vậy, quy hoạch chung xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương ngoài vai trò định hướng, phát triển không gian còn đóng vai trò xác định chỉ tiêu sử dụng đất cho thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng cho biết, quy hoạch cấp tỉnh cho thành phố trực thuộc Trung ương đang quy định tại Luật Quy hoạch năm 2017 chỉ quy định về phương án phát triển hệ thống đô thị và việc sắp xếp nội dung quy hoạch tỉnh đối với thành phố trực thuộc Trung ương. Với những yếu tố này thì nếu chỉ có quy hoạch cấp tỉnh sẽ không đủ cơ sở để các địa phương lập các quy hoạch phân khu, xác định dự án đầu tư xây dựng, cũng như quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan với các thành phố trực thuộc Trung ương. “Về cơ bản, quy hoạch cấp tỉnh và quy hoạch chung của thành phố trực thuộc Trung ương là khác nhau từ khái niệm, chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật áp dụng, nội dung quy hoạch, vai trò quản lý, lập dự án đầu tư, xây dựng, đến khác nhau về tỷ lệ bản đồ và thời gian dự báo”, Bộ trưởng Bộ Xây dựng nhấn mạnh.
Đánh giá kỹ ưu, nhược điểm của từng phương án
Việc phân cấp thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và quy hoạch đô thị và nông thôn, việc đơn giản hóa trình tự, thủ tục trong hoạt động lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị và nông thôn là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm khi cho ý kiến về dự thảo Luật tại Kỳ họp thứ Bảy.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, để bảo đảm tính chủ động trong triển khai thực hiện của các địa phương và phù hợp với định hướng phân cấp, phân quyền đã được quy định tại các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị, dự thảo Luật đã được chỉnh sửa theo hướng tiếp tục phân cấp thẩm quyền phê duyệt, giao thẩm quyền cho cấp tỉnh, cấp huyện, cơ quan quản lý khu chức năng phê duyệt đối với một số loại quy hoạch.
Nhưng, quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại I hiện là nội dung vẫn còn ý kiến khác nhau. Trong đó, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị tiếp tục quy định thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ đối với quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại I để phù hợp với vị trí, chức năng, vai trò của đô thị loại I cần được kiểm soát chặt chẽ về không gian, khu vực chức năng của đô thị.
Một số ý kiến đề nghị phân cấp cho UBND cấp tỉnh phê quyệt các quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại I do quy hoạch này là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, bảo đảm sự chủ động, đồng thời nâng cao tính chịu trách nhiệm của địa phương trong công tác điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương phù hợp với quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành, quy hoạch tỉnh đã được phê duyệt.
Nêu vấn đề quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại 1 hiện còn ý kiến khác nhau giữa việc để thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ hay phân cấp về cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị cần đánh giá ưu điểm, nhược điểm của từng phương án, nghiên cứu kỹ hơn nữa.
“Những vấn đề gì đã chín, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm, chứng minh thì chúng ta sẽ đưa vào luật để cho chắc chắn. Còn những vấn đề gì chưa chín, chưa rõ, chưa có thực tế kiểm nghiệm, chứng minh thì chúng ta tiếp tục nghiên cứu”. Nhấn mạnh yêu cầu này, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, phải làm sao để Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn có “tuổi thọ” cao. Các cơ quan, đơn vị, cá nhân phải cộng đồng trách nhiệm rất cao để bảo đảm chất lượng từng đạo luật, từ đó tạo được niềm tin trong nội bộ và Nhân dân.