Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi): Đột phá mô hình hai cấp

Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình bày Tờ trình dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). Theo đó, Dự án luật đã đề xuất chuyển đổi sang mô hình chính quyền hai cấp, tinh gọn bộ máy và đẩy mạnh phân quyền. Với mục tiêu thể chế hóa chủ trương của Đảng, dự thảo Luật hứa hẹn tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thúc đẩy phát triển địa phương và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu mới của đất nước.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình bày Tờ trình dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã trình bày Tờ trình dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

Tinh gọn bộ máy, phân quyền mạnh mẽ

Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, việc sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương là cần thiết để thể chế hóa các quan điểm chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, đặc biệt là mô hình chính quyền địa phương hai cấp, gồm cấp tỉnh và cấp xã, không còn cấp huyện. Mục tiêu là xây dựng một bộ máy chính quyền thống nhất, thông suốt, hiệu lực và hiệu quả từ trung ương đến cấp xã, đồng thời đảm bảo chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân.

Dự thảo Luật được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn, phù hợp với quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2025 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Chính phủ cho rằng dự thảo Luật kế thừa các nguyên tắc tổ chức và phân định thẩm quyền của luật hiện hành, đồng thời sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu mới, cụ thể hóa các định hướng tại Nghị quyết số 60-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh và tiếp tục sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Dự thảo Luật gồm 7 chương, 54 điều, tập trung vào bốn nhóm vấn đề chính. Thứ nhất, sửa đổi các quy định về phân định đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp, bao gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố), cấp xã (xã, phường, đặc khu ở hải đảo) và giữ nguyên quy định về đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt do Quốc hội quyết định thành lập. Chính quyền địa phương cấp tỉnh và cấp xã đều tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân để đảm bảo hoạt động thống nhất và thông suốt.

Thứ hai, dự thảo Luật đẩy mạnh phân quyền, phân cấp và ủy quyền giữa các cấp chính quyền. Đối với cấp tỉnh, ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn hiện hành, Chính phủ đề xuất bổ sung quy định trao thêm quyền ban hành cơ chế, chính sách trong các lĩnh vực quy hoạch, tài chính, ngân sách và đầu tư, nhằm tăng tính chủ động. Đối với cấp xã, chính quyền sẽ đảm nhận các nhiệm vụ, quyền hạn của cả cấp huyện và cấp xã hiện nay, đồng thời được phép ban hành văn bản quy phạm pháp luật để quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền, một quy định mới nhằm tăng tính tự chủ. Chính phủ cũng nhấn mạnh rằng, cấp tỉnh có trách nhiệm đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho cấp xã, đặc biệt ở các phường trong quản lý đô thị và các đặc khu để đảm bảo độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trên vùng biển, hải đảo.

Thứ ba, theo dự thảo Luật điều chỉnh tổ chức chính quyền địa phương, ở cấp tỉnh, cơ cấu tổ chức cơ bản được giữ nguyên, chỉ tăng số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với việc sáp nhập đơn vị hành chính. Ở cấp xã, Hội đồng nhân dân sẽ có hai ban là Ban Pháp chế và Ban Kinh tế - Xã hội, còn Ủy ban nhân dân được tổ chức các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác, hoặc bố trí công chức chuyên môn để tham mưu, quản lý ngành, lĩnh vực, phù hợp với quy mô dân số và diện tích của đơn vị hành chính, theo quy định của Chính phủ.

Thứ tư, về hiệu lực thi hành và chuyển tiếp, Chính phủ đề xuất luật có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, đồng thời quy định các nội dung chuyển tiếp để đảm bảo hoạt động liên tục của các cơ quan, tổ chức khi chuyển đổi từ mô hình ba cấp sang hai cấp. Các quy định này bao gồm tổ chức chính quyền địa phương tại phường ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng trong nhiệm kỳ 2021-2026, sửa đổi các luật liên quan đến chính quyền đô thị, và giải quyết các vấn đề phát sinh để bảo đảm quyền lợi của người dân và doanh nghiệp.

Chính phủ nhấn mạnh rằng, dự thảo luật quán triệt tư duy đổi mới trong xây dựng pháp luật, tháo gỡ các điểm nghẽn thể chế và tạo khung khổ pháp lý cho các vấn đề mới nhằm khơi thông nguồn lực và thúc đẩy phát triển địa phương. Việc phân quyền theo nguyên tắc “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm” được kỳ vọng sẽ phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp, tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển kinh tế - xã hội.

Đảm bảo thống nhất, khả thi

Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội tán thành việc sửa đổi cơ bản, toàn diện Luật Tổ chức chính quyền địa phương với các lý do như Chính phủ đã nêu trong Tờ trình. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng, hồ sơ dự án luật đáp ứng đầy đủ quy định, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét theo trình tự, thủ tục rút gọn. Dự thảo luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa yêu cầu tổ chức chính quyền hai cấp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện và tiếp tục sắp xếp cấp xã, theo Nghị quyết số 60-NQ/TW và các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi)

Tuy nhiên, Ủy ban đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh lý một số nội dung để đảm bảo tính thống nhất và khả thi. Trước hết, cần quy định cụ thể hơn về các trường hợp Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo, điều hành các nhiệm vụ thuộc thẩm quyền của cấp xã, nhằm tăng cường trách nhiệm của cấp tỉnh trong việc hỗ trợ cấp xã, theo khoản 4 Điều 11. Ủy ban cũng đề xuất cơ chế phân công, ủy quyền linh hoạt hơn, cho phép Ủy ban nhân dân cấp xã giao nhiệm vụ cho cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, hoặc công chức thuộc Ủy ban nhân dân cấp mình, đặc biệt ở các đơn vị hành chính có quy mô dân số và diện tích lớn sau sắp xếp, để kịp thời giải quyết hồ sơ, công việc của người dân và doanh nghiệp, theo Điều 13.

Thứ hai, Ủy ban nhấn mạnh cần rà soát, chỉnh lý các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp tại Chương IV để làm rõ chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền. Các nhiệm vụ, quyền hạn cần được phân định hợp lý giữa cấp tỉnh và cấp xã, đồng thời sửa đổi các luật và văn bản dưới luật liên quan để cụ thể hóa trong từng lĩnh vực chuyên ngành, đặc biệt là các luật được trình Quốc hội xem xét cùng kỳ họp.

Thứ ba, Ủy ban đề xuất cân nhắc, chỉnh lý các quy định về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, bao gồm số lượng và lĩnh vực phụ trách của các ban của Hội đồng nhân dân cấp xã tại điểm a khoản 3 Điều 29, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp xã tại Điều 30, nhiệm vụ quyết định chế độ chi ngân sách của Thường trực Hội đồng nhân dân tại điểm c khoản 13 Điều 31 và việc tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã tại khoản 3 Điều 39. Các quy định này cần phù hợp với thực tiễn địa phương và chủ trương tinh gọn bộ máy.

Ngoài ra, Ủy ban đề nghị rà soát kỹ quy định chuyển tiếp tại Điều 54 và các quy định liên quan để bao quát toàn bộ các trường hợp chuyển giao nhiệm vụ, quyền hạn, công việc từ cấp huyện khi chuyển sang mô hình hai cấp. Việc này nhằm tránh bỏ sót hoặc trùng lặp nhiệm vụ, đảm bảo tính liên tục, thông suốt trong hoạt động của chính quyền địa phương, và không ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, doanh nghiệp.

Ủy ban lưu ý rằng, dự thảo luật có nhiều điều, khoản liên quan trực tiếp đến các sửa đổi trong Hiến pháp năm 2013 và các luật khác đang được xem xét tại Kỳ họp thứ 9. Do đó, cơ quan soạn thảo cần bám sát các nội dung sửa đổi của Hiến pháp và các luật liên quan để đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ trong hệ thống pháp luật.

Dương Công Chiến

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/luat-to-chuc-chinh-quyen-dia-phuong-sua-doi-dot-pha-mo-hinh-hai-cap-163821.html