Luật về vốn nhà nước tại doanh nghiệp: Cần có cơ chế bảo vệ tài sản Nhà nước

Đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm các chủ thể quản lý vốn nhà nước, bảo đảm minh bạch và hiệu quả trong đầu tư, sử dụng tại doanh nghiệp.

Luật phải tạo sự linh hoạt trong quản lý vốn đầu tư công tại doanh nghiệp

Sáng 13/5, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Đây là một trong những đạo luật then chốt nhằm bảo đảm hiệu lực thực thi chính sách quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh và áp lực chuyển đổi mô hình hoạt động của doanh nghiệp nhà nước.

Góp ý cho dự thảo, đại biểu Trần Anh Tuấn (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh) đánh giá cao việc tiếp thu ý kiến và sửa đổi của cơ quan soạn thảo. Dự thảo lần này đã thể hiện rõ tinh thần phân cấp cho Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty và cơ quan đại diện chủ sở hữu. Tuy nhiên, để đảm bảo tính hiệu lực và phù hợp thực tiễn, đại biểu cho rằng cần tiếp tục sửa đổi theo hướng mở rộng phạm vi đầu tư và phân cấp triệt để hơn nữa.

Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: VPQH

Đại biểu Trần Anh Tuấn, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: VPQH

Về khoản 1 Điều 25, dự thảo quy định trích không quá 50% Quỹ đầu tư phát triển để bổ sung vốn điều lệ cho doanh nghiệp là điểm mới tích cực. Tuy nhiên, khoản 12 về phạm vi đầu tư lại chỉ gói gọn trong 5 lĩnh vực, gồm: công ích thiết yếu, quốc phòng an ninh, công nghệ số, đầu tư hạ tầng và các lĩnh vực then chốt. Theo đại biểu Tuấn, quy định này quá chặt và chưa phù hợp với nhu cầu vốn thực tế của nhiều doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực thương mại, du lịch, khu công nghiệp.

"Nếu chỉ giới hạn trong 5 lĩnh vực thì việc trích 50% quỹ cũng không có nhiều ý nghĩa. Cần mở rộng thêm phạm vi, đồng thời phân cấp mạnh cho cơ quan đại diện chủ sở hữu để quyết định danh mục đầu tư phù hợp với đặc thù từng địa phương, từng ngành", ông nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng cho rằng các quy định hiện nay vẫn quá nặng về thủ tục. Việc xin chủ trương từ Thủ tướng cho từng phương án đầu tư hoặc tăng vốn điều lệ khiến doanh nghiệp bị chậm trễ và không theo kịp thị trường. Vì vậy, dự thảo luật cần quy định rõ hơn quyền tự chủ của cơ quan đại diện chủ sở hữu và Hội đồng thành viên.

"Nguồn vốn nhà nước tại doanh nghiệp có thể gồm ngân sách, tài sản công, quỹ đầu tư phát triển và các nguồn hợp pháp khác. Những nguồn ngoài ngân sách cần được trao quyền sử dụng chủ động cho cơ quan chủ sở hữu hoặc Hội đồng thành viên, thay vì mọi việc đều phải trình lên cấp cao", đại biểu Trần Anh Tuấn đề xuất.

Cần làm rõ trách nhiệm giữa Hội đồng thành viên và Chủ tịch công ty

Đồng tình với nhiều nội dung trong dự thảo, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội Đồng Tháp) đặc biệt nhấn mạnh đến yêu cầu minh bạch về đối tượng áp dụng, nguyên tắc đầu tư và phân định rõ vai trò của các chủ thể quản lý vốn.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, việc xác định đối tượng điều chỉnh không chỉ bao gồm doanh nghiệp 100% vốn nhà nước mà cả những doanh nghiệp có phần vốn nhà nước từ 50% trở lên hoặc dưới 50% nhưng vẫn thuộc diện Nhà nước đầu tư thì phần vốn ấy phải được kiểm soát nghiêm túc.

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: VPQH

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: VPQH

Về nguyên tắc quản lý vốn nhà nước, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu rõ: "Không thể xem vốn của Nhà nước là vốn của doanh nghiệp. Đây là vốn của Nhân dân, phải được quản lý chặt chẽ. Doanh nghiệp chỉ là nơi được ủy thác sử dụng, và phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước".

Từ đó, đại biểu Phạm Văn Hòa yêu cầu cần làm rõ quyền và trách nhiệm của Hội đồng thành viên và Chủ tịch công ty. Dự thảo hiện vẫn còn để ngỏ cách diễn đạt theo hướng "hoặc" giữa hai chủ thể này, điều đó dễ dẫn đến tình trạng đùn đẩy trách nhiệm hoặc vận dụng tùy tiện.

"Cần quy định rõ: việc nào do Hội đồng thành viên quyết, việc nào do Chủ tịch công ty quyết, đặc biệt trong các hoạt động đầu tư, huy động vốn, cho vay, quyết toán và phân phối lợi nhuận sau thuế. Chỉ khi quy trách nhiệm rõ ràng thì mới tăng tính minh bạch và hiệu quả quản lý vốn nhà nước", ông Hòa phát biểu.

Ngoài ra, đại biểu cũng kiến nghị cần rà soát quy định về việc doanh nghiệp nhà nước đầu tư ngoài ngành, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. "Không nên cấm cứng, nhưng cũng không thể mở toàn diện. Phải tùy trường hợp, doanh nghiệp nào đủ năng lực và có kiểm soát chặt thì mới được phép đầu tư".

Ông Hòa nhấn mạnh, bất động sản là lĩnh vực tiềm năng, lợi nhuận cao nhưng cũng đầy rủi ro, đã có những bài học lớn về thất thoát tài sản công. Do đó, cần có giới hạn và cơ chế giám sát phù hợp để vừa tạo điều kiện phát triển, vừa bảo vệ nguồn vốn nhà nước.

Một vấn đề đáng chú ý khác được ông Hòa nêu là công tác hậu kiểm. Khi thanh tra chuyên ngành bị loại bỏ theo Luật Thanh tra mới, cần xác lập rõ vai trò của cơ quan kiểm tra trực tiếp vốn nhà nước tại doanh nghiệp. "Không có thanh tra thì kiểm tra phải làm tốt. Cần luật hóa cơ chế kiểm tra thường xuyên để bảo đảm trách nhiệm giải trình và giám sát hiệu quả", đại biểu Phạm Văn Hòa kiến nghị.

Với các góp ý từ thực tiễn và kinh nghiệm quản lý, hai đại biểu nhấn mạnh yêu cầu đổi mới căn bản tư duy quản lý vốn nhà nước. Luật lần này không chỉ là một khung pháp lý, mà phải là đòn bẩy để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực công, thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước hoạt động minh bạch, hiệu quả và có sức cạnh tranh.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội Đồng Tháp): Không thể xem vốn của Nhà nước là vốn của doanh nghiệp. Đây là vốn của Nhân dân, phải được quản lý chặt chẽ. Doanh nghiệp chỉ là nơi được ủy thác sử dụng và phải chịu trách nhiệm trước Nhà nước.

Hoàng Nhưỡng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/luat-ve-von-nha-nuoc-tai-doanh-nghiep-can-co-co-che-bao-ve-tai-san-nha-nuoc-387344.html