Lực lượng mũi nhọn trên các trận tuyến khó khăn nhất của đất nước

Đầu những năm 50 của thế kỷ XX, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã đến thời điểm quyết liệt. Với tầm nhìn chiến lược về vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, Bác Hồ đã chỉ đạo Đảng đoàn Ban Thanh vận Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam tổ chức đội thanh niên tập trung dài ngày để phục vụ kháng chiến và kiến quốc, lấy tên là Đội Thanh niên xung phong (TNXP) công tác.

Quyết định lịch sử ấy đã khai sinh ra Đội Thanh niên xung phong công tác Trung ương đầu tiên tại Núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, gồm 3 Liên phân đội với 225 cán bộ, đội viên.

Liên phân đội TNXP 312 thuộc Đội TNXP công tác Trung ương tại Nà Cù - Bắc Kạn tháng 5-1951.

Liên phân đội TNXP 312 thuộc Đội TNXP công tác Trung ương tại Nà Cù - Bắc Kạn tháng 5-1951.

Đầu tháng 8-1950, Đội TNXP công tác Trung ương xuất quân phục vụ Chiến dịch Biên giới, đã lập công xuất sắc, được Bác Hồ gửi thư khen, được Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tuyên dương: “Đội TNXP công tác đã nêu cao tinh thần tích cực xung phong, triệt để tuân theo kỷ luật chiến trường, tổ chức chặt chẽ, gương mẫu trong mọi nhiệm vụ…”

Tháng 3-1951, khi đến thăm đơn vị TNXP 312 đang làm nhiệm vụ tại khu rừng cầu Nà Cù (thuộc huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Cạn), Bác Hồ đã tặng bốn câu thơ, nhưng thực chất đây là lời giáo huấn của lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) và cho cả thế hệ trẻ Việt Nam:

“Không có việc gì khó

Chỉ sợ lòng không bền

Đào núi và lấp biển

Quyết chí ắt làm nên”.

Bác Hồ nói chuyện với anh chị em TNXP làm nhiệm vụ sửa đường phục vụ Chiến dịch Biên giới năm 1951.

Bác Hồ nói chuyện với anh chị em TNXP làm nhiệm vụ sửa đường phục vụ Chiến dịch Biên giới năm 1951.

Kể từ đó cho đến trước ngày đi xa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có gần 20 lần chỉ đạo, khen ngợi, biểu dương, uốn nắn những lệch lạc trong hoạt động của TNXP. Trong đó, đặc biệt là bài viết ngày 30-4-1954 với tựa đề: “Những trường học lớn và tốt”, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định TNXP là một trong ba trường học rất lớn và rất tốt để đào tạo cán bộ phục vụ kháng chiến thắng lợi và kiến quốc thành công.

Ngày 12-1-1967, tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Đại hội thi đua các Đội TNXP chống Mỹ, cứu nước.

Ngày 12-1-1967, tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm Đại hội thi đua các Đội TNXP chống Mỹ, cứu nước.

Ngày 12-1-1967, dự Đại hội thi đua lực lượng TNXP chống Mỹ, cứu nước, Người khẳng định: “Bác rất vui lòng khen ngợi các cháu thanh niên gái và trai đang cố gắng vượt qua mọi khó khăn lập nhiều thành tích. Bác mong các cháu đoàn kết chặt chẽ, dũng cảm lao động và chiến đấu, giữ gìn sức khỏe, cố gắng học tập, lập nhiều thành tích chống Mỹ cứu nước để xứng đáng là thanh niên anh hùng của dân tộc anh hùng”.

Ðại tướng Võ Nguyên Giáp và Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ thăm TNXP làm đường Trường Sơn.

Ðại tướng Võ Nguyên Giáp và Thiếu tướng Phan Trọng Tuệ thăm TNXP làm đường Trường Sơn.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đỉnh cao là chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, gần 30 ngàn TNXP cả nước đã mở đường, phá bom, cánh thương, tải đạn, phục vụ đắc lực cho bộ đội chiến đấu, giành nhiều thắng lợi; góp phần đánh thắng thực dân Pháp, đem lại hòa bình cho miền Bắc, tạo cơ sở cho cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong thời kỳ đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, hàng chục ngàn TNXP đã tham gia khôi phục, hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng nhiều công trình kinh tế, xã hội quan trọng, tạo tiền đề cơ sở vật chất cho hậu phương lớn miền Bắc, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược.

Đội TNXP tích cực tham gia sản xuất, san đồi làm đường chống Mỹ, cứu nước.

Đội TNXP tích cực tham gia sản xuất, san đồi làm đường chống Mỹ, cứu nước.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, lớp lớp TNXP ở miền Bắc đã bất chấp hy sinh gian khổ, đứng vững trước sự đánh phá ác liệt của địch trên các tuyến đường, tại các “tọa độ lửa” như: Hoàng Mai, núi Nấp, Hàm Rồng, Truông Bồn, đèo Đá Đẽo, Cổng Trời, Đồi 37, đường Hai mươi Quyết thắng… Tiêu biểu cho sự hy sinh dũng cảm của TNXP trên các cung đường, trọng điểm trên là 13 liệt sĩ Tiểu đội 2 tại Truông Bồn (tỉnh Nghệ An), 10 liệt sĩ nữ TNXP tại Ngã ba Đồng Lộc (tỉnh Hà Tĩnh), 8 nam nữ TNXP tại “Hang Tám cô” (tỉnh Quảng Bình)…

Ở chiến trường miền Nam và Khu V, lực lượng TNXP đã anh dũng kiên trường, bám địa bàn, sát cánh cùng Quân giải phóng, vừa phục vụ chiến đấu, vừa trực tiếp chiến đấu: Xây dựng đường sá, kho tàng, hầm hào; vận chuyển, bảo vệ hàng hóa, thương binh và tử sĩ; tiêu diệt và bắt sống hàng ngàn tên địch, thu nhiều vũ khí. Tiêu biểu là các Liên đội 5, 7, 9 phục vụ các sư đoàn chủ lực Quân giải phóng trong hàng trăm trận đánh.

Trên tuyến đường 1C huyền thoại, TNXP đã dũng cảm chiến đấu, vận chuyển 10.000 tấn quân trang, tiếp nhận đưa về mũi Cà Mau trên 10 ngàn quân, phối hợp cùng bộ đội chiến đấu bắn rơi 100 máy bay, diệt 50 xe tăng và tàu sắt, diệt hàng ngàn tên địch giữ vững thông suốt tuyến đường huyết mạch từ Khu IX về Trung ương Cục.

Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tổ quốc, lực lượng TNXP cả nước lại tiếp tục lên đường tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu, góp phần bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, cùng nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, viết nên trang sử anh hùng của TNXP trong kháng chiến chống quân xâm lược.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi anh chị em công nhân đội vận tải Sông Gianh, Quảng Bình đã góp phần tích cực vận chuyển hàng ra tiền tuyến năm 1968.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi anh chị em công nhân đội vận tải Sông Gianh, Quảng Bình đã góp phần tích cực vận chuyển hàng ra tiền tuyến năm 1968.

Sinh thời, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nhấn mạnh: “Tôi luôn coi TNXP như bộ đội, vì trong phẩm chất của TNXP có phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ...". Đại tướng khẳng định: “Trong kháng chiến, nhất là chiến dịch, nếu không có TNXP, bộ đội sẽ gặp khó khăn. Bởi công tác hậu cần, nhất là công tác xây dựng các tuyến đường chiến lược và bảo đảm giao thông thông suốt từ hậu phương ra tiền tuyến là vô cùng khó khăn và cực kỳ quan trọng, quan trọng không kém công tác chỉ đạo, chỉ huy chiến đấu hằng ngày, hằng giờ. Lực lượng TNXP đã thực sự đem tinh thần “xung phong” mà Bác Hồ dạy, xung phong trên các chiến trường, góp phần cùng Quân đội lập nên những chiến công oanh liệt và cùng xây đắp nên truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng...”.

Thanh niên các dân tộc Tây Nguyên cùng bộ đội kéo pháo để đánh chiếm các đỉnh cao ở Pleiku trong chiến dịch Tây Nguyên, mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Thanh niên các dân tộc Tây Nguyên cùng bộ đội kéo pháo để đánh chiếm các đỉnh cao ở Pleiku trong chiến dịch Tây Nguyên, mở màn cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.

Phát biểu tại cuộc mít tinh kỷ niệm 45 năm Ngày truyền thống lực lượng TNXP, năm 1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã đánh giá: “Ra đời trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Pháp, theo tư tưởng lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vai trò và tính chất của TNXP là những người trẻ tuổi đi đầu, sẵn sàng vượt qua mọi gian khổ, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc, vì nhân dân được thể hiện rõ rệt trong mọi nhiệm vụ được giao. Không phải chỉ có sự gan dạ, tinh thần lao động bền bỉ mà còn phải nói đến những sáng kiến, những suy nghĩ táo bạo và lòng trung thành vô hạn đối với Tổ quốc đã giúp cho TNXP lập nên những kỳ tích, xứng đáng là lực lượng mũi nhọn trên các trận tuyến khó khăn nhất của đất nước suốt 2 cuộc kháng chiến chống ngoại xâm, thể hiện khí phách và tinh hoa của dân tộc Việt Nam”.

HỒNG LÊ (tổng hợp)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202307/ky-niem-73-nam-ngay-truyen-thong-luc-luong-thanh-nien-xung-phong-viet-nam-15-7-1950-15-7-2023-luc-luong-mui-nhon-tren-cac-tran-tuyen-kho-khan-nhat-cua-dat-nuoc-984711/