Lực mua cuối phiên giúp chứng khoán Mỹ tăng điểm, giá dầu có tháng giảm sâu nhất trong 3 năm

Cả Dow Jones và S&P 500 kết phiên trong sắc xanh nhờ lực mua tăng vọt vào cuối ngày, xóa sạch được phần lớn mức giảm trước đó sau thông tin nền kinh tế Mỹ suy yếu trong quý 1/2025…

Kết phiên 30/4, chỉ số Dow Jones tăng 141,74 điểm (+0,35%) lên 40.669,36 điểm; S&P 500 thêm 8,23 điểm (+0,15%) thành 5.569,06 điểm, còn Nasdaq Composite giảm nhẹ 14,98 điểm (-0,09%) xuống 17.446,34 điểm.

Trước đó, Dow Jones có thời điểm trượt 1,9%, S&P 500 mất 2,3% và Nasdaq rớt sâu tới 2,9%.

Trong số 11 lĩnh vực thuộc S&P 500, hàng tiêu dùng thiết nằm trong nhóm tăng mạnh nhất (+0,7%) nhờ cú bứt phá của cổ phiếu công ty thực phẩm Mondelez với đà đi lên 3,8% sau báo cáo lợi nhuận quý vượt dự báo.

Cổ phiếu Meta Platforms cũng leo hơn 4% nhờ kết quả kinh doanh tích cực, còn Microsoft vọt gần 6% khi doanh thu vượt dự đoán, được thúc đẩy bởi làn sóng gia tăng chi tiêu vào các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI).

Trái lại, Super Micro Computer giảm mạnh 11,5% do thông báo cắt giảm dự báo doanh thu quý. Snap, công ty mẹ của ứng dụng Snapchat, lao dốc 12,4% vì không đưa ra dự báo tài chính cho quý, nối dài chuỗi doanh nghiệp từ nhiều lĩnh vực rút lại triển vọng kinh doanh.

Khối lượng giao dịch trên các sàn chứng khoán Mỹ đạt 16,97 tỷ cổ phiếu, thấp hơn mức trung bình 19,57 tỷ trong 20 phiên vừa qua.

Trong một phiên giao dịch dày đặc thông tin kinh tế, Bộ Thương mại Mỹ cho biết GDP sơ bộ quý 1 chỉ ra rằng nền kinh tế đã thu hẹp 0,3%, trái ngược với kỳ vọng tăng trưởng 0,3% như khảo sát của Reuters.

Một báo cáo khác về chi tiêu tiêu dùng hàng tháng, yếu tố chiếm hơn 2/3 hoạt động kinh tế, ghi nhận mức tăng 0,7% trong tháng 3, vượt qua dự báo tăng 0,5%, khi doanh nghiệp và người tiêu dùng đẩy mạnh mua sắm để tránh bị đánh thuế cao hơn trong thời gian tới.

Những dữ liệu mới đây tiếp nối chuỗi báo cáo trong tháng cho thấy triển vọng kinh tế Mỹ ngày càng trở nên bất ổn, đặc biệt là khi tác động từ các chính sách thuế và thương mại khó đoán của chính quyền Trump bắt đầu rõ rệt hơn.

Thứ Tư cũng đánh dấu cột mốc 100 ngày kể từ khi Tổng thống Donald Trump nhậm chức.

Trong một chỉ số về thị trường lao động, khu vực tư nhân chỉ tạo thêm 62.000 việc làm trong tháng 4, thấp hơn nhiều so với dự báo 115.000 và giảm so với 147.000 việc làm trong tháng 3.

Ở chiều tích cực, một chỉ số lạm phát cho thấy áp lực giá cả đã hạ nhiệt trong tháng trước, qua đó phần nào xoa dịu lo ngại về tình trạng “đình lạm”, tức là nền kinh tế tăng trưởng chậm lại nhưng giá cả vẫn tăng cao.

Các nhà giao dịch hiện cũng đang kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất tổng cộng 1 điểm phần trăm trước cuối năm, dù loạt phát biểu gần đây từ Chủ tịch Fed Jerome Powell và một số quan chức khác ám chỉ Fed sẽ cực kỳ thận trọng trong việc điều chỉnh chính sách.

Dù thị trường đã phần nào hồi phục sau cú sụt “kinh hoàng” hậu tuyên bố áp thuế đối ứng của chính quyền Trump vào ngày 2/4, nhưng tính cả tháng, Dow Jones vẫn giảm 3,17%, S&P 500 mất 0,76% và Nasdaq tăng 0,85%.

GIÁ DẦU LAO DỐC

Trên thị trường năng lượng, giá dầu giảm mạnh sau khi Arab Saudi phát tín hiệu sẽ tăng sản lượng trong bối cảnh chiến tranh thương mại đang làm suy yếu triển vọng về nhu cầu nhiên liệu.

Hợp đồng tương lai dầu Brent giảm 1,13 USD, tương đương 1,76%, xuống 63,12 USD/thùng, giá dầu WTI của Mỹ giảm 2,21 USD, tương đương 3,66%, xuống 58,21 USD/thùng. Cả tháng, giá dầu Brent mất tới 15%, còn dầu WTI lao dốc 18%, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 11/2021.

Hiện tại, Arab Saudi, một trong những nhà sản xuất hàng đầu thế giới, không sẵn sàng hỗ trợ giá dầu bằng cách cắt giảm sản lượng thêm nữa, mà thay vào đó là chuẩn bị tinh thần đối mặt với giai đoạn giá thấp kéo dài.

“Điều này gây nên lo ngại rằng chúng ta có thể sắp bước vào một cuộc chiến sản lượng mới. Phải chăng Arab Saudi đang muốn gửi thông điệp rằng họ sẽ giành lại thị phần? Hãy cùng chờ xem”, chuyên gia phân tích cấp cao Phil Flynn của Price Futures Group) nhận xét.

Theo nguồn tin của Reuters, nhiều thành viên OPEC+ sẽ tiếp tục đề xuất tăng sản lượng trong tháng 6. Nhóm dự kiến sẽ họp vào ngày 5/5 để thảo luận về kế hoạch sản xuất.

“Chiến tranh thương mại trực tiếp làm giảm nhu cầu dầu và hạn chế hoạt động đi lại của người tiêu dùng. Kết hợp với việc OPEC+ đang gỡ bỏ các biện pháp cắt giảm sản lượng, nguy cơ dư cung ngày càng lên cao”, chuyên gia chiến lược đầu tư Pavel Molchanov tại Raymond James cảnh báo.

Những lo ngại về suy yếu kinh tế toàn cầu tiếp tục đè nặng lên giá dầu.

Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng các chính sách thuế quan của chính quyền Donald Trump có thể khiến kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái ngay trong năm nay. Niềm tin của người tiêu dùng Mỹ cũng chạm mốc thấp nhất trong gần 5 năm vào tháng 4.

Kim Nguyễn

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/luc-mua-cuoi-phien-giup-chung-khoan-my-tang-diem-gia-dau-co-thang-giam-sau-nhat-trong-3-nam-post559684.html