Lương 50 triệu đồng/tháng nhưng lao động Việt Nam không thể 'chen chân'

Có 749 lượt lao động Việt Nam ứng tuyển vào hơn 9.000 vị trí việc làm chất lượng cao nhưng chưa có ai trúng tuyển.

Theo Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, từ đầu năm đến 31-5, Trung tâm đã tiếp nhận thông báo tuyển dụng lao động từ 3.983 doanh nghiệp với 9.209 vị trí việc làm. Đây là các vị trí tuyển dụng mà doanh nghiệp dự kiến sẽ sử dụng lao động nước ngoài.

Tuy nhiên, theo Nghị định số 70/2023/NĐ-CP, trong thời gian ít nhất 15 ngày (trước ngày đơn vị sử dụng lao động dự kiến báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài), đơn vị sử dụng lao động phải thực hiện thông báo công khai tuyển dụng người lao động Việt Nam vào các vị trí việc làm mà đơn vị dự kiến tuyển người lao động nước ngoài trên Cổng thông tin điện tử của Cục Việc làm hoặc Trung tâm dịch vụ việc làm tỉnh/thành.

 Người lao động tìm việc tại sàn giao dịch việc làm

Người lao động tìm việc tại sàn giao dịch việc làm

Cũng theo Trung tâm Dịch vụ việc làm TPHCM, trong tháng 6-2024 có gần 900 vị trí, chức danh công việc là quản lý, chuyên gia, lao động chuyên môn kỹ thuật còn trong thời hạn tuyển dụng người lao động Việt Nam, mức lương trung bình là 50 triệu đồng/tháng. Song, 5 tháng qua chỉ có 749 lượt lao động Việt Nam ứng tuyển và chưa có lao động Việt Nam nào trúng tuyển vào hơn 9.000 vị trí việc làm chất lượng cao nêu trên.

Anh T.V.L (kỹ sư cơ khí, quận 1, TP HCM) cho hay có khá nhiều nhu cầu tuyển lao động kỹ thuật các doanh nghiệp đưa ra anh có thể đáp ứng được. Dù cũng đang có nhu cầu chuyển đổi công việc nhưng anh L. không chọn ứng tuyển vào các doanh nghiệp này. Bởi lẽ theo anh L. khi đã đưa thông tin tuyển dụng lên hệ thống dịch vụ công quản lý lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam thì doanh nghiệp đã định sẵn sẽ tuyển dụng, sử dụng người lao động nước ngoài. "Do đó, dù đầu tư tham gia phỏng vấn kỹ lưỡng đến đâu cũng sẽ bị đánh rớt"- L. nhìn nhận.

Tại buổi đối thoại giữa Sở Lao động- Thương binh và Xã hội TP HCM và doanh nghiệp vừa qua, đại diện doanh nghiệp đã chia sẻ thực tế là để được sử dụng lao động người nước ngoài, doanh nghiệp sẽ phải đăng tuyển dụng lao động người Việt Nam trên các cổng dịch vụ công theo quy định. Sau đó phải giải trình lý do không tuyển được lao động người Việt Nam, phải tuyển người lao động nước ngoài. Tuy nhiên, quy trình này chỉ là hình thức, thực tế không hẳn là doanh nghiệp đang tuyển dụng các vị trí đăng tuyển nhưng vẫn làm vì để hồ sơ xin cấp phép lao động được "đẹp" hơn.

Theo quy định, chuyên gia nước ngoài vào Việt Nam làm việc phải có trình độ, bằng cấp chuyên môn, kinh nghiệm phù hợp với vị trí tuyển dụng. Tuy nhiên, thực tế họ do công ty mẹ đưa qua, có ngoại ngữ, có kinh nghiệm nhưng không hẳn có trình độ, bằng cấp chuyên môn gắn với vị trí việc làm. Vậy nên, công việc thực tế của họ làm không hẳn là công việc theo bằng cấp (Chẳng hạn họ tốt nghiệp ngành môi trường nhưng làm quản lý dự án...)

Mặt khác, khi đầu tư vào Việt Nam, doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài cũng muốn sử dụng các chuyên gia từ công ty mẹ cử sang, một mặt vì họ có nhiều kinh nghiệm trong phát triển các dự án nước ngoài, có thể áp dụng tại Việt Nam. Mặt khác, còn liên quan đến việc thực hiện công tác quản lý, báo cáo về công ty mẹ... "Do đó, dù người lao động Việt Nam có thể đáp ứng được yêu cầu về bằng cấp chuyên môn nhưng xét về ngoại ngữ, kinh nghiệm phát triển dự án hay sự liên kết với công ty mẹ thì không thể cạnh tranh với lao động nước ngoài"- đại diện doanh nghiệp lý giải.

Theo Người Lao động

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/luong-50-trieu-dongthang-nhung-lao-dong-viet-nam-khong-the-chen-chan-post1647607.tpo