Lưu ý khi sử dụng đồ hộp để tránh bị ngộ độc
Trong những tháng gần đây đã xảy ra một số vụ ngộ độc Botulinum khiến nhiều bệnh nhân nguy kịch. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), độc tố Botulinum rất độc, chỉ một lượng chưa đến 0,1mg đã có thể gây tử vong. Vi khuẩn gây độc Botulinum có đặc điểm chỉ phát triển trong môi trường thiếu không khí và không phát triển được trong môi trường chua (pH5%).
Các thực phẩm khi chế biến có lẫn một vài bào tử vi khuẩn do quy trình sản xuất không bảo đảm sạch, sau đó được đóng gói kín vào chai, lọ, hộp, lon, túi mà không đủ độ chua, độ mặn như trên hoặc không được tiệt trùng thì sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và tiết ra độc tố Botulinum. Khi ăn phải thực phẩm nhiễm Botulinum, chúng sẽ nhanh chóng lan vào máu và gắn vào các dây thần kinh, gây các triệu chứng ngộ độc. Độc tố Botulinum ngăn chặn các chức năng thần kinh và có thể dẫn đến tê liệt cơ và hô hấp.
Để phòng tránh ngộ độc Botulinum, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) khuyến cáo, người dân không nên tự đóng gói kín các thực phẩm trong hộp, chai, lọ, túi hút chân không… và để kéo dài trong điều kiện không phải đông đá. Với những đồ ăn đóng hộp hoặc ngâm chua chế biến sẵn trên thị trường, khi mua về cần được bảo quản an toàn với nhiệt độ dưới 30°C, tốt nhất từ 10 đến 21°C. Ngay sau khi mở nắp hộp để sử dụng nên bảo quản thức ăn trong tủ lạnh và sử dụng trong vòng 2-3 ngày. Khi ăn các thực phẩm lên men như dưa muối, măng, cà muối..., cần bảo đảm phải có độ chua, mặn. Khi thực phẩm hết chua thì không nên ăn. Không sử dụng đồ hộp bị rò rỉ, phồng, nứt hoặc khi mở hộp thấy hiện tượng có bọt, biến màu hay mùi vị khác thường.
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/luu-y-khi-su-dung-do-hop-de-tranh-bi-ngo-doc-445334.html