Lưu ý khi tập luyện ở người mắc bệnh ung thư thực quản

Ung thư thực quản là căn bệnh khá phổ biển ở cả hai giới, bệnh thường phát triển thầm lặng, ở giai đoạn đầu không có nhiều dấu hiệu rõ ràng dễ gây lầm tưởng với những bệnh lý thông thường khác.

1. Vai trò của tập luyện đối với người bệnh ung thư thực quản

Thông thường phẫu thuật là phương pháp điều trị ung thư thực quản phổ biến, đặc biệt là ở giai đoạn sớm. Vậy người sau phẫu thuật ung thư thực quản luyện tập thế nào?

Hầu hết các trường hợp phẫu thuật ung thư thực quản cần nằm viện khoảng một tuần sau phẫu thuật. Bệnh nhân thường cảm thấy mệt mỏi và kém năng động hơn bình thường.

Chế độ tập luyện với bệnh nhân ung thư thực quản là vận động nhẹ nhàng, luyện tập thể dục vừa sức để tăng cường sức khỏe.

Người thân cần khuyến khích bệnh nhân tập đi bộ một chút mỗi ngày và tham gia vào hoạt động thể chất nhiều hơn.

Sau thời gian phục hồi sức khỏe người bệnh cần tập luyện thường xuyên. Việc tập thể dục không chỉ an toàn và khả thi trong quá trình điều trị ung thư, mà còn có thể cải thiện mức độ hoạt động về thể chất và chất lượng cuộc sống.

Nghỉ ngơi quá nhiều có thể dẫn đến tê liệt một số chức năng cơ thể, yếu cơ và giảm phạm vi chuyển động. Vì vậy, trong quá trình điều trị ung thư và sau đó người bệnh ung thư thực quản cần tập thể dục thường xuyên. Điều này sẽ giúp cải thiện thể chất, cải thiện sự cân bằng, cải thiện lưu lượng máu đến chân của bạn và giảm nguy cơ đông máu. Bớt phụ thuộc vào người thân trong các hoạt động thường ngày.

Ngoài ra, luyện tập thường xuyên sẽ giúp bệnh nhân ung thư nói chung, bệnh nhân ung thư thực quản nói riêng nâng cao niềm tin vào cuộc sống, giảm nguy cơ lo lắng và trầm cảm, cải thiện khả năng tương tác xã hội, giảm các triệu chứng mệt mỏi, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Đi bộ kết hợp với chạy chậm rất tốt cho người bệnh sau điều trị ung thư.

Đi bộ kết hợp với chạy chậm rất tốt cho người bệnh sau điều trị ung thư.

2. Những bài tập tốt cho người bệnh ung thư thực quản

Người bệnh ung thư thực quản cần tập luyện vật lý trị liệu hô hấp như đã luyện tập trước mổ và vận động sớm khi có sự đồng ý của bác sĩ.

Điều này sẽ giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông, giảm nguy cơ gặp biến chứng nguy hiểm sau cắt thực quản như viêm phổi hay tắc mạch.

Khi được xuất viện, người bệnh cần tiếp tục duy trì lịch vận động và tập hít thở mỗi ngày theo khuyến cáo của bác sĩ. Dưới đây là một số bài tập gợi ý cho người bệnh ung thư thực quản.

Tập thở chậm, sâu

Cũng giống như yoga, tư thế ngồi và toàn cơ thể được thoải mái và thả lỏng. Lưu ý, đầu gối phải vuông góc với cơ thể. Sau đó, đặt 1 tay lên trên ngực và 1 tay lên bụng. Bắt đầu hít vào bằng mũi sao cho tay ở phần bụng được đẩy, tay trên ngực không di chuyển. Hãy cố gắng hít sâu nhất có thể.

Khi thở ra, hãy ép cơ bụng để không khí thoát ra bên ngoài một cách tối đa nhất. Nên thực hiện trong khoảng 5 đến 10 phút mỗi lần và khoảng 3 đến 4 lần mỗi ngày.

Hít thở bụng khi nằm

Người bệnh nằm ngửa trên một mặt phẳng, đầu gối hơi co lên. Đặt một tay lên ngực, một tay đặt ở phần xương sườn, lưu ý tay hoàn toàn thả lỏng. Hít một hơi thật sâu hết mức có thể, với tiến độ chậm rãi sao cho tay ở phía xương sườn được nâng lên. Trạng thái cơ thể hoàn toàn thoải mái.

Khi thở, hãy ép cơ bụng để đẩy hết luồng khí ra ngoài. Thở ra nhẹ nhàng và chậm rãi. Bài tập này nên tập luyện trong khoảng từ 5 đến 10 phút và mỗi ngày có thể thực hiện từ 3 đến 4 lần.

Đi bộ kết hợp với chạy chậm

Luyện tập thể chất cũng rất tốt cho người bệnh sau điều trị ung thư, luyện tập bao gồm tập thể dục và tập luyện sức mạnh cơ chi trên và dưới. Luyện tập cách quãng là xen kẽ các đợt ngắn (ví dụ: 30 giây) hoạt động cường độ cao với thời gian dài hơn (ví dụ: 2 phút) hoạt động với cường độ thấp hơn.

Người bệnh có thể đi bộ nếu khỏe hơn có thể chạy chậm. Nên kết hợp đi bộ với chạy chậm cùng kỹ thuật hít thở theo nhịp chạy và đi bộ (chạy ba bước hít vào và hai bước tiếp theo thở ra; đi bộ bốn bước hít vào và ba bước tiếp thở ra) sẽ giúp hệ hô hấp khỏe hơn.

Ngoài ra, người bệnh có thể kết hợp tập các động tác tay giúp tăng kích thước lồng ngực khi thở.

Người bệnh có thể tập các động tác tay giúp tăng kích thước lồng ngực khi thở.

Người bệnh có thể tập các động tác tay giúp tăng kích thước lồng ngực khi thở.

3. Những lưu ý khi tập luyện ở người ung thư thực quản

Khi tập luyện, bệnh nhân ung thư thực quản cũng cần chú ý đến cường độ tập luyện. Các bài tập vừa sức và không gây kiệt sức là lựa chọn được khuyến khích cho bệnh nhân nặng. Trong khi đó, những bệnh nhân ở giai đoạn nhẹ và trung bình có thể tập luyện các bài tập ở cường độ cao hơn. Nhưng dù ở mức độ nào, tập luyện cũng mang đến sự cải thiện đáng kể về sức khỏe.

Khi mới bắt đầu luyện tập, người bệnh nên bắt đầu với cường độ thấp. Trong quá trình, bệnh nhân có thể dành ra một khoảng thời gian để nghỉ ngơi, giải lao. Đồng thời, bệnh nhân nên tập phối hợp với các bài tập thở, chủ động ho và khạc đờm.

Không nên ăn quá no trong vòng 1 - 2 giờ trước khi tập. Nên uống nước đủ trong lúc tập.

Các bài tập thở là một phần quan trọng của quá trình phục hồi sau khi điều trị ung thư thực quản. Người bệnh cần thực hành các bài tập này theo khuyến cáo của bác sĩ.

Nếu khó thở xuất hiện trong lúc tập: Thở chậm lại, tập trung vào việc thở chúm môi với thời gian thở ra gấp đôi thời gian hít vào giúp nhanh chóng có đủ oxy cần thiết cho cơ thể.

Người bệnh cần gọi ngay cho bác sĩ nếu có các dấu hiệu bất thường sau:

Sốt trên 38.5 độ C.
Vết mổ đau nhiều, sưng, viêm đỏ, chảy dịch.
Không ăn uống được.
Người yếu, khó thở hoặc cảm thấy tim đập nhanh.
Tiêu chảy hoặc đi ngoài phân đen.
Cảm giác nóng rát ở cổ họng.
Ho dai dẳng.
Vàng da hoặc lòng trắng mắt.

DS Nguyễn Thị Hồng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/luu-y-khi-tap-luyen-o-nguoi-mac-benh-ung-thu-thuc-quan-169240612140953192.htm