Lý do Mỹ vẫn áp thuế cao dù đồng minh Canada đã nhượng bộ
Ngày 10/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố áp mức thuế 35% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Canada, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/8. Động thái này được đưa ra sau khi Ottawa thực hiện các biện pháp trả đũa thương mại nhằm vào Washington.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp báo ở Nhà Trắng, Washington, D.C. Ảnh: THX/TTXVN
“Thay vì hợp tác với Mỹ, Canada đã lựa chọn đáp trả bằng chính sách thuế quan của mình,” Tổng thống Trump viết trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social, nhắn nhủ tới Thủ tướng Canada Mark Carney.
Ông Trump viện dẫn vấn đề buôn lậu fentanyl là lý do chính cho quyết định áp thuế cao đối với một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ. “Nếu Canada hợp tác với tôi để ngăn chặn dòng chảy của fentanyl, có lẽ chúng tôi sẽ xem xét điều chỉnh thông báo này,” ông cảnh báo, đồng thời không loại trừ khả năng gia tăng mức thuế vượt quá 35% nếu Canada tiếp tục có các động thái trả đũa.
“Nếu vì bất kỳ lý do gì Canada tăng thuế quan, thì mức tăng đó sẽ được cộng thêm vào mức thuế 35% mà chúng tôi đang áp dụng,” ông Trump nhấn mạnh. Một thông báo chính thức gửi tới chính phủ Canada cũng nêu rõ: “Hàng hóa sản xuất tại nước thứ ba nhằm lách thuế sẽ phải chịu mức thuế quan cao hơn.”
Hiện tại, hàng hóa nhập khẩu từ Canada đã phải đối mặt với mức thuế 25% được ông Trump áp đặt hồi đầu năm nay, với cáo buộc nước này liên quan đến các hoạt động buôn lậu fentanyl và vi phạm các điều khoản trong Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada (USMCA).
Trước khi có tuyên bố áp thuế mới từ Nhà Trắng, Bộ Tài chính Canada cho biết hai nước đã đồng ý nối lại đàm phán thương mại từ ngày 29/6 và hướng tới việc đạt được một thỏa thuận vào ngày 21/7.
Căng thẳng giữa hai đồng minh vốn dĩ khăng khít leo thang sau khi Canada khẳng định sẽ không đình chỉ việc áp thuế dịch vụ kỹ thuật số đối với các công ty công nghệ Mỹ. Đáp lại, Tổng thống Trump đe dọa chấm dứt toàn bộ các cuộc đàm phán thương mại với Canada – một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ. Ottawa sau đó đã rút lại kế hoạch thuế để mở đường cho các cuộc đối thoại được nối lại.
Theo các nguồn tin am hiểu lập trường của chính phủ Canada, việc tạm ngừng áp thuế dịch vụ kỹ thuật số được xem là “một cái giá nhỏ” để đổi lấy triển vọng giải quyết căng thẳng thương mại sâu rộng hơn với Washington.
Tại Mỹ, cả đảng Cộng hòa lẫn Dân chủ đều phản đối các sắc thuế dịch vụ kỹ thuật số do các quốc gia khác áp đặt, với lý do các sắc thuế này nhắm không công bằng vào các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Apple và Amazon. Thuế dịch vụ số thường đánh vào doanh thu từ quảng cáo trực tuyến, bán dữ liệu người dùng và các dịch vụ kỹ thuật số khác – kể cả khi doanh nghiệp đặt trụ sở ngoài quốc gia áp thuế.