Lý do Nga sẽ không đóng dòng khí đốt tới châu Âu

Có nhiều đồn đoán Nga có thể ngừng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu vì căng thẳng Ukraine, nhưng một thực tế quan trọng là Moskva cần nguồn thu từ hoạt động xuất khẩu này.

Hệ thống đường ống và thiết bị đóng ngắt tại trạm khí đốt thuộc tuyến Dòng chảy phương Bắc 2. Ảnh: AFP/DPA

Hệ thống đường ống và thiết bị đóng ngắt tại trạm khí đốt thuộc tuyến Dòng chảy phương Bắc 2. Ảnh: AFP/DPA

Một trong những vấn đề chính được nêu ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ở biên giới Ukraine là tương lai của nguồn cung cấp khí đốt của châu Âu. Trong lúc các cuộc đàm phán được xúc tiến trong tháng qua, tập đoàn Gazprom của Nga đã cảnh báo khí đốt trong các cơ sở lưu trữ của châu Âu có thể xuống thấp.

Trong khi đó, Mỹ và châu Âu đe dọa rằng nếu Nga không rút quân khỏi khu vực gần biên giới Ukraine, các lệnh trừng phạt áp đặt lên Moskva có thể bao gồm việc hủy bỏ dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2).

Đây là đường ống dài 1.200km nối Nga và Đức với tiềm năng cung cấp khí đốt cho 26 triệu hộ gia đình, đồng thời hỗ trợ thị trường khí đốt rộng lớn hơn ở Tây Bắc Âu. Đường ống đã hoàn thành nhưng vẫn chưa được cơ quan quản lý năng lượng của Đức chứng nhận.

Theo Viện Nghiên cứu Năng lượng Oxford (OIES), năm 2021, Nga cung cấp khoảng 35% lượng khí đốt nhập khẩu vào châu Âu (gồm Anh và 27 quốc gia EU), với khoảng 31% là khí đốt qua đường ống và 4% là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG).

Mối quan tâm của mọi người lúc này là điều gì sẽ xảy ra nếu Nga khóa van khí đốt vào mùa đông.

Một đường ống dẫn khí đốt dở dang trên một công trường ở Đức, dự định kết nối với Dòng chảy Phương Bắc. Ảnh: The Conversation

Một đường ống dẫn khí đốt dở dang trên một công trường ở Đức, dự định kết nối với Dòng chảy Phương Bắc. Ảnh: The Conversation

Trên trang Asiatimes, Giáo sư về năng lượng toàn cầu Michael Bradshaw, tại Đại học Warwick (Anh), cho rằng mặc dù có mối quan tâm rõ ràng về nguy cơ nói trên, khả năng một trong hai bên muốn làm gián đoạn dòng chảy khí đốt vào châu Âu là rất khó xảy ra.

Trừng phạt - con dao hai lưỡi

Việc Nga - và trước đó là Liên Xô - cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu đã tạo ra sự phụ thuộc lẫn nhau lâu dài, tồn tại qua nhiều biến động địa chính trị, chẳng hạn như cuộc chiến tranh Afghanistan năm 1979, sự kiện ban bố thiết quân luật ở Ba Lan năm 1980, sự sụp đổ của Bức tường Berlin năm 1989, Liên Xô sụp đổ năm 1991 và gần đây nhất là việc Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014.

Lần nào cả hai bên cũng đều nhận ra rằng họ còn quá nhiều thứ để mất nếu làm gián đoạn dòng khí đốt.

Hiện tại, Nga đang hoàn thành các nghĩa vụ hợp đồng dài hạn về cung cấp khí đốt. Việc phá vỡ các hợp đồng đó sẽ dẫn đến thiệt hại về pháp lý tài chính và uy tín cho Nga.

Điều quan trọng là Nga cũng cần tiền. Khoảng 75% doanh thu của Gazprom đến từ các hoạt động xuất khẩu khí đốt thiên nhiên, và công ty cần nguồn thu đó để có thể cung cấp khí đốt với giá thấp hơn cho người tiêu dùng trong nước.

Theo OIES, xuất khẩu khí đốt chiếm khoảng 6% doanh thu từ thuế của chính phủ Nga - ít hơn nhiều so với dầu mỏ, nhưng không phải là một lượng nhỏ. Rất khó có khả năng họ muốn khóa van khí.

Xét đến lo ngại của châu Âu, thì rất ít có khả năng các lệnh trừng phạt sẽ nhắm vào dòng khí đốt tự nhiên. Một quyết định như vậy có thể làm trầm trọng thêm tình hình vốn đã khó khăn, khiến giá cả leo thang do thị trường hỗn loạn.

Sự gián đoạn nguồn cung cấp khí đốt hiện tại của Nga có thể dẫn đến việc cắt điện ở các khu vực ở châu Âu phụ thuộc nhiều vào khí đốt Nga. Vì vậy, đây sẽ là một bàn phản lưới nhà của châu Âu. Các biện pháp trừng phạt có thể là con dao hai lưỡi gây hại cho chính quốc gia áp đặt chúng chẳng khác gì với quốc gia “nạn nhân”.

Công nhân kiểm tra thiết bị giám sát tại trạm máy nén Slavyanskaya, điểm đầu đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga. Ảnh: TASS

Công nhân kiểm tra thiết bị giám sát tại trạm máy nén Slavyanskaya, điểm đầu đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 của Nga. Ảnh: TASS

Điều gì xảy ra nếu dòng khí đốt bị khóa?

Với bất kỳ cơ sở hạ tầng năng lượng nào, người ta cần duy trì một lượng khí đốt nhất định để giữ cho hệ thống hoạt động. Điều đó đúng với các phương tiện lưu trữ, đường ống dẫn và những thứ tương tự. Một số khách hàng công nghiệp có thể chuyển sang các nguồn khác, chẳng hạn như nhiên liệu dầu, nhưng nhiều người có thể phải cắt giảm hoạt động, đặc biệt khi khí tự nhiên là đầu vào của các quy trình công nghiệp.

So với những lần gián đoạn nguồn cung trước đây giữa Nga và Ukraine, sự khác biệt lớn nhất lần này là bối cảnh mà nó đang diễn ra: một thị trường khí đốt toàn cầu rất chặt chẽ. Nói tóm lại, rất khó để biết nguồn cung cấp khí đốt bổ sung cho châu Âu sẽ đến từ đâu nếu lục địa già cần.

Quay trở lại thời điểm trước Giáng sinh 2021, khi phương Tây đang thảo luận về cuộc khủng hoảng khí đốt toàn cầu, đó là một tình huống hoàn toàn không phải do Nga tạo ra, nhưng chắc chắn Nga đang tận dụng nó. Moskva đã không cung cấp thêm nguồn cung trên thị trường giao ngay ngắn hạn và không lấp đầy các cơ sở lưu trữ mà họ sở hữu ở châu Âu.

Dù chuyện gì xảy ra trong vài tháng tới, mọi thứ vẫn sẽ khó khăn. Do khí đốt dùng để sưởi ấm nên nhu cầu gas bị ảnh hưởng mạnh bởi thời tiết. Một đợt rét đậm kéo dài trong những tuần tới sẽ làm giảm dung lượng lưu trữ ở châu Âu hơn nữa.

Thiết bị vận chuyển khí tại một trạm nén ở Siberia, Nga. Ảnh: The Conversation

Thiết bị vận chuyển khí tại một trạm nén ở Siberia, Nga. Ảnh: The Conversation

Nhu cầu sẽ giảm bớt vào mùa Xuân, nhưng khi đó lượng lưu trữ sẽ rất thấp và việc lấp đầy các cơ sở cho mùa Đông tới sẽ rất khó khăn và tốn kém.

Nếu các nhà lãnh đạo bình tĩnh hơn và tìm ra giải pháp cho những căng thẳng hiện nay đối với Ukraine và Dòng chảy Phương Bắc 2 được thông qua vào mùa Hè, thì nguồn cung khí đốt từ Nga có thể tăng vào mùa Đông năm sau. Nếu không - và khi nguồn cung từ Nga tiếp tục ở mức thấp - thì mùa Đông 2022 có thể rơi vào khó khăn tương tự, nếu không muốn nói là tệ hơn.

Trong dài hạn, vấn đề đối với châu Âu là sản lượng khí đốt trong nước sẽ tiếp tục giảm. Vì vậy, trừ khi nhu cầu giảm, lượng nhập khẩu khí đốt sẽ tiếp tục tăng.

Bài học rút ra từ cuộc khủng hoảng mới nhất là châu Âu cần đẩy nhanh quá trình khử carbon trong hệ thống năng lượng của mình và giảm lượng khí đốt tự nhiên tiêu thụ. Nhưng nói thì luôn dễ hơn làm.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo Asiatimes)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/ly-do-nga-se-khong-dong-dong-khi-dot-toi-chau-au-20220213222809382.htm