Lý do Phật tử không nắm được nguyên lý căn bản của Phật pháp

Không có trí tuệ thực chứng, mọi sinh hoạt đạo pháp đi dần đến hình thức, đến cố chấp, đến mê tín dị đoan.

Đạo Phật đã xuất hiện trên thế giới trong nhu cầu của nhân loại để tạo dựng nên một sức sống dào dạt trong huyết quản nhân loại. Một nhận định, một niềm tin, một sức phấn đấu để tự thực hiện và để xây dựng nên một sức sống dào dạt trong huyết quản nhân loại.

Thực thể sinh hoạt linh động của đạo Phật được biểu hiện trong những cố gắng không ngừng của các thế hệ Phật tử. Những giai đoạn u trầm nhất của lịch sử Phật giáo là những giai đoạn mà trong đó sự cố gắng tu chứng và hành đạo không được biểu lộ.

Thiếu tu chứng, người Phật tử không xúc tiếp được với nguồn sống đạo pháp, không nắm được những nguyên lý căn bản của Phật pháp. Đã không nắm được những nguyên lý thì sẽ cố chấp vào những hình thức sự tướng, và đó là nguyên nhân của sự sa đọa, của sự suy đồi.

Trí tuệ thực chứng là nguyên lý dẫn đạo cho mọi sinh hoạt đạo pháp, sử dụng đạo một cách linh động với mọi căn cơ, mọi phương tiện. Không có trí tuệ thực chứng ấy, mọi sinh hoạt đạo pháp đi dần đến hình thức, đến cố chấp, đến mê tín dị đoan, làm cho đạo Phật (tôi nói những hình thức sinh hoạt của Phật giáo) phản lại với Đức Phật, làm cho đạo Phật bị lấm láp, bị lợi dụng, làm cho quần chúng tri thức ruồng bỏ đạo Phật. Ai cũng biết rằng khả năng dung hóa của đạo Phật thật là rộng rãi và mạnh mẽ.

Đạo Phật thích nghi linh loạt

Với sự dẫn đạo sáng suốt của thực chứng, của những nguyên lý Phật học, đạo Phật khi đến đâu liền thích nghi ngay với xã hội, phong tục, tập quán, chính trị, kinh tế và nhân tâm ở đó để mà hoằng hóa và phát triển.

Ở Trung Hoa và Việt Nam chẳng hạn, những hình thức thờ cúng tổ tiên, thờ cúng Đức Quan Thánh, Đức Trần Hưng Đạo, những ngày Tết, ngày giỗ, chế độ tự viện, chế độ ruộng nương hương hỏa, cả đến việc đoán xăm, làm thuốc v.v. đều được Phật giáo chấp nhận.

Thờ cúng tổ tiên là tỏ lòng tri ân tiền nhân, giúp cho con người có ý thức luân hồi nhân quả; thờ cúng Đức Quan Thánh, Đức Trần Hưng Đạo là tỏ lòng ái quốc; theo chế độ tự viện ruộng nương hương hỏa là để quy tụ Tăng đoàn sinh hoạt tập thể; đoán xăm là để nương vào lòng tin của con người mà khuyên người bỏ ác làm thiện; làm thuốc là để thực hiện giúp đỡ người để cảm hóa người...

Mỗi thời đại, mỗi địa phương cần có những phương tiện để hành đạo như thế, những phương tiện ấy thích hợp với trình độ con người và không trái chống với nguyên tắc tự hành hóa tha của đạo Phật. Nhưng ai cũng biết những hình thức sinh hoạt ấy cũng có thể là con dao hai lưỡi, có công dụng tốt mà cũng có thể có công dụng xấu.

Có sự hiện diện của tu chứng, có sự ý thức về những nguyên lý Phật học thì những hình thức sinh hoạt ấy sẽ phục vụ cho đạo Phật và cho con người một cách tốt đẹp an lành. Nhưng vắng mặt tinh thần đạt đạo kia thì những hình thức sinh hoạt này lập tức biến thành nguy hại, những phương tiện được chấp chặt và coi như là cứu cánh.

Cúng thờ tổ tiên để mà sát sinh ăn uống rượu thịt, thờ Đức Quan Thánh và Đức Trần Hưng Đạo để mà tế lễ cầu đảo mê tín, ruộng chùa giàu có để mà nhàn cư vi bất thiện, đoán xăm để mà kiếm tiền và gieo thêm sự sợ hãi, làm thuốc để mà buôn bán cầu lợi... đó là những hiện tượng suy đồi tất yếu phải xảy ra nếu không có tinh thần dẫn đạo của tu chứng, của nguyên lý.

Đạo Phật trong trường hợp đó đã không đồng hóa được thế pháp mà lại bị đồng hóa bởi thế pháp. Thế cho nên ta không lấy làm lạ mà thấy rằng có những giai đoạn lịch sử mà đạo Phật không thực hiện được hoài bão của vị giáo chủ sáng lập nữa.

Thích Nhất Hạnh/Thaihabooks/NXB Văn hóa dân tộc

Nguồn Znews: https://znews.vn/ly-do-phat-tu-khong-nam-duoc-nguyen-ly-can-ban-cua-phat-phap-post1485329.html